Tình huống khẩn cấp

Đại dịch Covid-19 tiếp tục gây gián đoạn hoạt động sản xuất và cung ứng toàn cầu, bất ổn tại nhiều nơi trong đó có xung đột leo thang tại Ukraine càng tạo áp lực lớn lên thị trường năng lượng thế giới, đẩy giá dầu lên mức cao nhất nhiều năm qua. Đưa ra cảnh báo mới nhất về hậu quả nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, Liên hợp quốc kêu gọi đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi năng lượng.

Tình huống khẩn cấp

1 Một loạt tổ chức quốc tế thúc giục các nước giàu tăng viện trợ cho các nước nghèo trong nỗ lực ngăn chặn mất đa dạng sinh học. Trong tuyên bố chung đưa ra tại hội nghị về bảo vệ môi trường diễn ra ở Kenya hôm 1/3, nhiều tổ chức môi trường trong đó có Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) và Liên minh quốc tế bảo tồn thiên nhiên (IUCN) nêu rõ, các nước giàu đang "góp phần" làm suy thoái đa dạng sinh học tại các nước đang phát triển, thông qua hoạt động nhập khẩu hàng hóa.

Các nước giàu có trách nhiệm giải quyết tình trạng này, nhất là "tác động không cân xứng" từ thói quen tiêu dùng. Theo các tổ chức môi trường quốc tế, để giải quyết tình trạng mất đa dạng sinh học cần khoảng 844 tỷ USD mỗi năm, trong đó các nước giàu nên viện trợ ít nhất 60 tỷ USD cho các nước nghèo.

2 Trong thông điệp nhân dịp IPCC công bố báo cáo mới nhất về tình trạng biến đổi khí hậu, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi thế giới tăng tốc tiến trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, giảm phụ thuộc nhiên liệu hóa thạch. Lãnh đạo Liên hợp quốc nêu rõ, những tuyên bố về "phát triển xanh" không thể đi kèm các kế hoạch, dự án có thể làm suy yếu mục tiêu "phát thải ròng bằng 0" đến giữa thế kỷ này. Thay vì làm chậm tiến trình khử carbon trong nền kinh tế toàn cầu, giờ là lúc thế giới chuyển nhanh sang năng lượng tái tạo, coi nhiên liệu hóa thạch là "ngõ cụt của hành tinh".

Trong nỗ lực đẩy nhanh tiến độ các dự án phát triển năng lượng gió và mặt trời, Chính phủ Đức thúc đẩy Quốc hội nước này thông qua dự luật về năng lượng tái tạo, để văn kiện này có hiệu từ ngày 1/7 tới. Phát biểu hồi đầu tuần, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nhấn mạnh, việc tăng tốc phát triển năng lượng tái tạo là chìa khóa nhằm giảm phụ thuộc nguồn năng lượng hóa thạch của Nga. Đức cũng đặt mục tiêu đến năm 2035 sản xuất điện hoàn toàn từ nguồn năng lượng tái tạo.

3 Trong khi đó, tuần qua giá dầu thế giới liên tiếp tăng, vượt ngưỡng 100 USD/thùng, ngày 1/3, lên mức cao nhất kể từ tháng 7/2014. Một phần nguyên nhân là ảnh hưởng từ xung đột leo thang tại Ukraine, gây lo ngại gián đoạn nguồn cung, nhất là nguồn cung khí đốt từ Nga cho châu Âu. Nhằm hỗ trợ các đối tác châu Âu ứng phó khủng hoảng giá nhiên liệu trước tác động từ căng thẳng giữa Nga và phương Tây, Mỹ và các nước đồng minh đã quyết định mở kho dự trữ dầu chiến lược. Trong số 60 triệu thùng dầu được các nước nhất trí giải phóng, một nửa là của Mỹ, phần còn lại từ các nước châu Á.

Trong bối cảnh giá dầu tăng với tốc độ phi mã, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) được kêu gọi phát huy vai trò bình ổn thị trường năng lượng thế giới. Cuộc họp thường kỳ của OPEC với các đối tác (nhóm OPEC+) tiếp tục gặp vấn đề khó, đó là điều chỉnh mức tăng sản lượng nhằm giúp đảo chiều đà leo thang giá dầu hiện nay.