Thỏa thuận và hợp tác

Sau khi những bất đồng lên đến đỉnh điểm, các bên đã buộc phải “tháo ngòi nổ” mâu thuẫn thông qua hoạt động ngoại giao và đưa ra các “quyết định chính trị” hợp lý. Theo đó, một loạt thỏa thuận và các cam kết hợp tác đã được đưa ra, ở nhiều điểm nóng thời sự quốc tế tuần qua.

EU muốn hợp tác với chính phủ mới ở Libya để kiểm soát dòng người tị nạn đổ tới Italia.
EU muốn hợp tác với chính phủ mới ở Libya để kiểm soát dòng người tị nạn đổ tới Italia.

1. Nhân chuyến công du tới Trung Đông từ ngày 24 đến ngày 27-5, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Anthony Blinken đã có các cuộc gặp với Thủ tướng Israel, Tổng thống Palestine, Tổng thống Ai Cập và Quốc vương Jordan. 

Chuyến công du của Bộ trưởng Ngoại giao Blinken tới Trung Đông xuất phát từ yêu cầu của Tổng thống Mỹ Joe Biden, sau nỗ lực ngoại giao thúc đẩy lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas. Hoạt động ngoại giao lần này của ông Blinken còn nhằm duy trì nỗ lực của Washington, trong việc xây dựng lại các mối quan hệ và thể hiện sự ủng hộ đối với Palestine, góp phần bảo đảm hoạt động viện trợ có thể đến với người dân ở dải Gaza, giảm nguy cơ tái xung đột trong những tháng tới. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh quan điểm của Washington ủng hộ giải pháp hai nhà nước, coi đây là phương án duy nhất mang lại hy vọng cho người dân Palestine và Israel được sống trong môi trường an toàn, hòa bình. 

2. Liên hiệp châu Âu (EU) hy vọng sẽ khởi động lại các cuộc đàm phán với Libya về vấn đề di cư, sau khi gia tăng số lượng người dân rời bỏ quốc gia này để đến Italy. Cao ủy EU phụ trách vấn đề nội vụ Y.Johansson cho biết: Bà sẵn sàng tham gia đàm phán với chính phủ mới của Libya về hợp tác quản lý di cư.

Theo bà, EU đang hỗ trợ sự phát triển của di cư hợp pháp, mà hiện nay số người di cư giảm do đại dịch Covid-19. Cao ủy EU phụ trách vấn đề nội vụ đã đề cập đến “thẻ xanh” được Nghị viện và Hội đồng châu Âu thông qua hồi tháng 5 để thu hút lao động có trình độ cao, tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển trong công việc và giáo dục. Bà cũng cho biết, EU sẵn sàng tiếp nhận những người di cư hợp pháp, đồng thời kêu gọi chính quyền các nước xuất xứ tạo điều kiện cho việc hồi hương người tị nạn.

3. Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và Iran đã nhất trí gia hạn thỏa thuận giám sát các hoạt động hạt nhân của Tehran thêm một tháng đến ngày 24-6 tới, sau khi thỏa thuận kéo dài ba tháng này đã hết hiệu lực. Theo thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, các thanh sát viên của IAEA có quyền tiếp cận một cách hạn chế các cơ sở phi hạt nhân của Iran, bao gồm cả các địa điểm quân sự, trong trường hợp nghi ngờ có các hoạt động hạt nhân bất hợp pháp. Tuy nhiên, cuối năm 2020, Quốc hội Iran đã thông qua đạo luật chấm dứt quyền thanh sát của IAEA, trừ phi Mỹ nới lỏng các lệnh trừng phạt. Sau đó, hai bên đã đạt thỏa thuận tạm thời về việc nối lại các cuộc thanh sát của IAEA.

Iran và các cường quốc trên thế giới đang nỗ lực xúc tiến các cuộc đàm phán ở Viên (Áo) nhằm làm hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận lịch sử này năm 2018. Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden đã để ngỏ sẵn sàng khôi phục thỏa thuận này. Tuy nhiên, Mỹ cần dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt được cựu Tổng thống Donald Trump tái áp đặt trước đó, trong khi Iran phải tái cam kết tuân thủ đầy đủ các cam kết trong thỏa thuận này.

4. Tuần qua, Tổng Công ty cảng biển Incheon của Hàn Quốc thông báo đã bắt đầu khai thác tuyến vận chuyển công-ten-nơ mới, xuất phát từ cảng Incheon tới các cảng của Thái-lan và Việt Nam.

Tuyến vận tải mới mang tên NKT lần lượt đi qua các cảng Gwangyang và Busan (Hàn Quốc), Hồng Công (Trung Quốc), Xà Khẩu (Thâm Quyến-Trung Quốc), đến các cảng Laem Chabang và Bangkok thuộc Thái-lan, tới Tân Cảng Cát Lái ở TP Hồ Chí Minh, sau đó quay lại Incheon. Tổng Công ty cảng biển Incheon kỳ vọng tuyến vận tải mới này sẽ góp phần thúc đẩy vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu, cung cấp dịch vụ vận tải hàng hóa ổn định giữa Hàn Quốc và khu vực Đông - Nam Á.

3_1-1622192606903.jpg
 Hàn Quốc mở tuyến vận chuyển công-ten-nơ mới tới các cảng của Thái-lan và Việt Nam.