Thêm những bước tiến

Một loạt điểm nóng địa chính trị trên thế giới vừa có được những diễn tiến đáng mừng trong tuần qua. Cho dù các vấn đề khúc mắc vẫn chưa thể giải quyết ngay, nhưng những nỗ lực đối thoại dù sao cũng mang đến những triển vọng tháo gỡ.

Nhân viên Chính phủ Hàn Quốc liên lạc qua đường dây nóng liên Triều.
Nhân viên Chính phủ Hàn Quốc liên lạc qua đường dây nóng liên Triều.

Kênh liên lạc giữa Hàn Quốc và Triều Tiên đã được nối lại sau 13 tháng ngừng hoạt động (ảnh trên), do Bình Nhưỡng đơn phương cắt đứt đường dây nóng trực tiếp qua biên giới để phản đối các hoạt động tuyên truyền chống Triều Tiên. Kết quả có được sau khi các lãnh đạo hai miền trao đổi thư cá nhân tích cực hồi tháng 4 vừa qua.

Cả Hàn Quốc và Triều Tiên hoan nghênh quyết định khôi phục liên lạc giữa hai nước, từ ngày 27/7. Bình Nhưỡng khẳng định việc nối lại đường dây nóng đóng vai trò tích cực trong việc cải thiện quan hệ liên Triều. Các chính đảng ở Hàn Quốc đồng loạt lên tiếng ủng hộ, nhấn mạnh thông tin này "như cơn mưa rào sau đợt hạn dài ngày". Ðây được đánh giá là bước tiến lớn trong nỗ lực khôi phục lòng tin giữa hai bên, nhất là trong bối cảnh tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên lâm vào bế tắc trong suốt hơn hai năm rưỡi qua, và càng có ý nghĩa đặc biệt khi hai nước đang kỷ niệm lần thứ 68 Ngày ký Hiệp định đình chiến trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).

Cuộc đàm phán về ổn định chiến lược giữa Nga và Mỹ, diễn ra hôm 28/7 tại Geneva (Thụy Sĩ) là nơi chứng kiến cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden, cũng được chờ đợi tạo bước tiến nhằm khôi phục tiến trình xây dựng lòng tin giữa hai nước. Thông qua cuộc đối thoại này, hai nước mong muốn tạo nền tảng cho việc kiểm soát vũ khí và giảm rủi ro trong tương lai.

Cùng thừa nhận không thể ngay lập tức cải thiện quan hệ hai nước, song hai bên đều chia sẻ tinh thần chung là đối thoại thẳng thắn, mang tính xây dựng, thực tế và không khiêu khích. Trước thềm cuộc đàm phán, phía Moscow cho rằng, cách tiếp cận của Nga và Mỹ không phải lúc nào cũng tương đồng và việc cải thiện quan hệ song phương là một quá trình phức tạp. Tuy nhiên, cuộc đối thoại tại Geneva lần này giúp tạo cơ sở để hiểu biết nhiều hơn về khác biệt giữa hai nước, cũng như tìm kiếm những lĩnh vực mà hai bên có thể hợp tác.

Thêm những bước tiến -0
 
Tổng thống Mỹ tiếp Thủ tướng Iraq tại Nhà trắng.

Việc Tổng thống Mỹ Joe Biden ấn định thời điểm kết thúc nhiệm vụ chiến đấu của lực lượng Mỹ tại Iraq được xem là bước tiến mới trong nỗ lực đưa Mỹ thoát khỏi cuộc chiến dai dẳng ở quốc gia Trung Ðông, cũng như đưa hợp tác hai nước bước vào giai đoạn mới. Với Iraq, việc Mỹ chấm dứt sứ mệnh tham chiến trực tiếp phù hợp thực tế, khi Baghdad luôn cho rằng đã có thể đứng trên chân mình, không cần bất kỳ lực lượng tác chiến nước ngoài nào, cả dưới mặt đất và trên bầu trời Iraq. Tuy nhiên, Baghdad cũng quan ngại về việc Mỹ rút quân trong khi mối đe dọa từ IS chưa được loại bỏ hoàn toàn.

Nhiệm vụ chiến đấu của quân đội Mỹ kéo dài 18 năm qua tại Iraq sẽ chấm dứt vào cuối năm nay, song Mỹ tiếp tục giúp huấn luyện và hỗ trợ các lực lượng Iraq. Thông báo tới Thủ tướng Iraq Mustafa Kadhimi trong cuộc gặp hôm 26/7 (ảnh dưới), Tổng thống Biden cũng nhấn mạnh: Phối hợp hai nước chống khủng bố sẽ tiếp tục khi hai nước chuyển sang giai đoạn hợp tác mới. Trong tuyên bố chung sau cuộc gặp, các nhà lãnh đạo hai nước khẳng định, hợp tác Mỹ - Iraq sắp tới tập trung vào đào tạo, cố vấn và chia sẻ thông tin tình báo.

Tương tự, hôm 27/7, trong cuộc thảo luận với Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tái khẳng định rằng liên minh quân sự này tiếp tục hỗ trợ Afghanistan.

Những tháng gần đây, trong bối cảnh Mỹ và liên quân quốc tế trên đà hoàn tất việc rút quân, Taliban gia tăng các cuộc tấn công trên khắp Afghanistan và tuyên bố đã kiểm soát gần 90% lãnh thổ. Quân đội dường như chỉ còn kiểm soát các thành phố lớn. Ông Stoltenberg cho rằng Afghanistan đối mặt tình hình an ninh nhiều thách thức nghiêm trọng khi quân đội nước ngoài rời đi, đòi hỏi một giải pháp qua thương lượng. NATO sẽ tiếp tục hỗ trợ Afghanistan, gồm cả tài chính, hiện diện dân sự và đào tạo ở nước ngoài.

LONG QUÂN