Phía trước là giông bão

Chỉ trong hai tuần kể từ căng thẳng giữa Nga và Ukraine khởi phát, giá dầu thế giới đã vọt lên mức cao nhất trong quãng thời gian gần 14 năm, trước khi "hạ nhiệt" xuống còn hơn 123 USD/thùng. Nhưng, đó vẫn chưa phải là tất cả những gì đáng sợ nhất đang chực chờ, sau khói súng.

NÓI như Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres, cuộc xung đột quân sự đang diễn ra tại Ukraine có thể khiến thế giới rơi vào "một cơn bão đói", cũng như "sự suy giảm hệ thống lương thực toàn cầu".

Bởi, trước khi giao tranh ở Ukraine bùng nổ, các nước đang phát triển nói riêng cũng như toàn thế giới nói chung vẫn phải vật lộn với tiến trình phục hồi sau đại dịch Covid-19, giữa "trùng vây" của các nguy cơ lạm phát, các gánh nặng nợ công cũng như sự tê liệt của những guồng máy kinh tế đã bị "trọng thương".

Chính bởi vậy, Tổng Thư ký LHQ nhận định: Những hệ lụy của cuộc xung đột này có thể tấn công và các cá nhân cũng như các quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới - những nước nghèo.

MỘT cuộc khủng hoảng lương thực đã bắt đầu định hình, khi vùng chiến sự bao trùm lên hai vựa lúa mì chính của châu Âu cũng như thế giới. Nước Nga chính là quốc gia cung cấp lúa mì xuất khẩu số 1 toàn cầu, còn Ukraine đứng ở vị trí thứ 5. Cả hai nước cung cấp tới 19% nguồn cung lúa mạch của thế giới, 14% lúa mì và 4% ngô, chiếm hơn một phần ba lượng ngũ cốc xuất khẩu toàn cầu.

Tất yếu, giá lương thực sẽ tăng cao, đặc biệt là với khoảng 50 quốc gia phụ thuộc lớn (hơn 30%) vào nguồn cung lúa mì từ Nga và Ukraine. Nhiều nước trong số đó là các nước kém phát triển hoặc các nước có thu nhập thấp, đang ở tình trạng thiếu lương thực tại Bắc Phi, châu Á hay Trung Đông. Nhiều quốc gia châu Âu và Trung Á cũng phụ thuộc vào Nga, với hơn 50% nguồn cung phân bón, và tình trạng thiếu hụt ở đó có thể kéo dài sang năm 2023.

Từ trung tuần tháng 3/2022, giá lúa mì toàn cầu đã đạt mức cao nhất trong lịch sử. Nhưng chưa hết. Giá các mặt hàng cây lương thực chủ chốt khác cũng tăng vọt. Không chỉ các nước nghèo lo lắng. Những quốc gia phát triển nhưng sở hữu dân số khổng lồ, như Ấn Độ và Trung Quốc, cũng "canh cánh mối lo" về cung cấp lương thực cho công dân của mình. Và dưới áp lực của những đoàn người tị nạn chiến tranh hàng triệu nhân khẩu, đến cả các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) có lẽ cũng phải "vò đầu bứt tai".

Ngày 14/3, nước Nga tuyên bố cấm xuất khẩu các loại ngũ cốc gồm lúa mạch đen, lúa mì, lúa mạch, ngô sang Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô (trước đây), điều sẽ có hiệu lực đến ngày 30/6, nhằm bảo đảm tự chủ về lương thực trước các lệnh cấm vận dồn dập. Lập tức, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo: Tình hình này khiến thế giới đối diện nguy cơ mất an ninh lương thực.

RẤT nhiều quốc gia cũng đã cố gắng "phòng thủ chặt nội địa" theo cách của Nga, như Ai Cập hay Indonesia… Song, số không có khả năng làm như vậy sẽ nhiều gấp bội. Cũng tương tự như chuyện ứng phó với đại dịch Covid-19, hố ngăn cách giàu - nghèo giữa các nhóm nước hoàn toàn có thể tạo nên các thảm trạng nhân đạo, đặc biệt là tại các nơi vẫn còn bị tàn phá bởi chiến tranh, xung đột hay thiên tai.

Nạn đói càng được phác thảo rõ hơn, khi giá năng lượng chạm đến các mốc kỷ lục, tương tự thời suy thoái toàn cầu 2008-2009. Và trong thời điểm đó, những nỗ lực tích trữ lại càng chỉ tạo nên thêm nhiều sự hỗn loạn.

Do vậy, giải pháp đang được cộng đồng quốc tế hướng đến là hy vọng vào phản ứng mạnh mẽ, cũng như vào sự "vị tha" của các nhà sản xuất lương thực chủ chốt trên thế giới, để duy trì sức sống cho các thị trường mở, hay ngăn chặn những biện pháp hạn chế, nhằm bảo đảm nguồn cung.

Song, vấn đề là: Chưa cần đến chiến tranh, an ninh lương thực thế giới vốn cũng đã bị đe dọa và xói mòn rất nhiều trong thời gian gần đây, bởi những tác động ghê gớm của tiến trình biến đổi khí hậu toàn cầu…