Những vòng xoáy mới

Những mối quan ngại về các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống đang gia tăng, trong bối cảnh một loạt thỏa thuận đang ở thế “nghìn cân treo sợi tóc” và có thể bị phá vỡ bất kể lúc nào. Hậu quả khi những cam kết hay thế cân bằng bị phá vỡ rất có thể sẽ là bạo lực và khủng hoảng.

Những vòng xoáy mới

1 Trong một tuyên bố chung, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) bày tỏ quan ngại về việc tình trạng gián đoạn nguồn cung y tế và lương thực then chốt có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng kinh tế và y tế hiện nay, khi thế giới đang đối phó đại dịch Covid-19. IMF và WTO đồng thời cảnh báo: Việc áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với vật tư y tế và lương thực có thể gây ra những “tác dụng ngược nguy hiểm”.

Theo Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc (WFP), đại dịch có thể làm tăng gần gấp đôi số người phải đối diện với tình trạng mất an ninh lương thực khẩn cấp: từ 135 triệu người trong năm ngoái lên tới 265 triệu người trong năm nay. Mỹ, Liên hiệp châu Âu (EU) và 20 nước thành viên khác của WTO đã nhất trí bảo đảm duy trì hoạt động xuất nhập khẩu nông sản và thực phẩm.

2 Báo cáo của Liên hợp quốc (LHQ) công bố tuần qua cho biết hơn 500 dân thường Áp-ga-ni-xtan (Afghanistan), trong đó có 152 trẻ em và 60 phụ nữ, đã thiệt mạng trong các vụ bạo lực ở nước này trong quý I-2020, tăng 20% so ba tháng đầu năm 2019. Ðáng lo ngại là tình hình bạo lực tại Áp-ga-ni-xtan vẫn gia tăng sau khi Mỹ và Ta-li-ban (Taliban) ký thỏa thuận cuối tháng 2 về việc các lực lượng nước ngoài do Mỹ đứng đầu rút khỏi Áp-ga-ni-xtan, đổi lấy việc giảm bạo lực từ Ta-li-ban. Thỏa thuận bao gồm cam kết của lực lượng Ta-li-ban và Chính phủ Áp-ga-ni-xtan hướng đến một nền hòa bình tại quốc gia này.

Ðại diện đặc biệt của Tổng Thư ký LHQ tại Áp-ga-ni-xtan Ð.Li-ôn (D.Lyons) nhắc lại kêu gọi ngừng bắn mà lực lượng Ta-li-ban đã từ chối trong những ngày gần đây. Bà Ð.Li-ôn nhấn mạnh: Ðể bảo vệ cuộc sống của người dân Áp-ga-ni-xtan (ảnh bên) và mang đến hy vọng về một tương lai tốt đẹp cho đất nước, bắt buộc phải chấm dứt bạo lực. Những nỗ lực hướng đến các cuộc đàm phán chính thức đã bị lung lay khi phiến quân Ta-li-ban tiến công lực lượng chính phủ Áp-ga-ni-xtan và các bất đồng về việc phóng thích tù nhân.

3 Nhóm vũ trang Quân đội Giải phóng quốc gia (ELN) của Cô-lôm-bi-a tuyên bố: Cam kết ngừng bắn đơn phương của nhóm vũ trang lớn nhất tại Cô-lôm-bi-a này sẽ chấm dứt vào sáng 1-5, và các hoạt động quân sự sẽ nối lại ngay sau đó.

ELN, với khoảng 2.300 tay súng, từng tham gia đàm phán với Chính phủ Cô-lôm-bi-a về một thỏa thuận hòa bình. Tuy nhiên, hai bên quyết định chấm dứt đàm phán sau khi Tổng thống I.Ðu-kê (I.Duque) ra điều kiện cho ELN phải thả toàn bộ các con tin. Ngày 30-3 vừa qua, ELN tuyên bố ngừng bắn đơn phương trong vòng một tháng do dịch bệnh, đồng thời kêu gọi chính quyền của Tổng thống I.Ðu-kê đàm phán về một lệnh ngừng toàn bộ các hoạt động quân sự song phương trong thời gian này.

4 Giá dầu rơi xuống mức thấp lịch sử cộng hưởng với tác động của đại dịch Covid-19 đang khiến khu vực Trung Ðông chao đảo. Tồi tệ hơn, tất cả những điều này xảy ra khi một số quốc gia Trung Ðông vốn đang phải đối mặt tình trạng bất ổn xã hội có nguy cơ bùng phát bất kỳ lúc nào.

Theo IMF, nền kinh tế của tất cả các nước xuất khẩu dầu mỏ ở vùng Vịnh đều sẽ suy giảm trong năm nay, thí dụ như I-rắc (Iraq) có thể suy giảm đến 5%. I-rắc được cho là đang lên kế hoạch cắt giảm mạnh các khoản trợ cấp xã hội vốn là chỗ dựa cho hàng triệu nhân viên chính phủ để giảm gánh nặng ngân sách. Trên toàn khu vực, giá dầu giảm sẽ khiến các kế hoạch đầu tư và phát triển tương lai gặp cản trở (ảnh dưới). Nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất khu vực là A-rập Xê-út (Saudi Arabia) dự định cắt giảm 13,3 tỷ USD chi tiêu công và phải hoãn các dự án quy mô lớn. Ba-ren (Bahrain) dự kiến sẽ phải gánh khoản nợ lên tới 105% GDP trong năm 2020. “Cú sốc kép” gồm đại dịch Covid-19 và giá dầu sụt giảm cũng được cho là tác động mạnh tới Gioóc-đa-ni (Jordan) và Li-băng (Lebanon), những quốc gia phụ thuộc nhiều vào nguồn kiều hối do công dân lao động ở các quốc gia dầu mỏ vùng Vịnh gửi về.

Những vòng xoáy mới ảnh 1