Những nguy cơ lớn

Những guồng máy có thể phải ngừng trệ hoạt động; số phận con người và cả “ngôi nhà Trái đất” đang đối mặt với thách thức mang tính sống còn… Một loạt nguy cơ lớn đang đặt ra và đòi hỏi các chính phủ, cộng đồng quốc tế hành động ngay để cải thiện tình hình trước khi quá muộn.

1 Cơ quan Năng lượng nguyên tử I-ran (Iran) cho biết: Nhà máy điện hạt nhân duy nhất của nước này đang đối mặt với nguy cơ phải đóng cửa do Mỹ áp đặt các biện pháp hạn chế giao dịch ngân hàng. Điều này khiến nước CH Hồi giáo gặp khó khăn trong việc chuyển tiền và các thủ tục cần thiết để mua thiết bị vận hành nhà máy.
 
 Trong thời gian qua, Iran nhiều lần đề cập việc quay trở lại thực thi đầy đủ những cam kết trong thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), nếu Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt do chính quyền cựu Tổng thống Đô-nan Trăm (D.Trump) áp đặt với Tê-hê-ran (Tehran). Kể từ khi nhậm chức, chính quyền của Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn (J.Biden) tìm cách khôi phục JCPOA, theo đó ông Biden từng tuyên bố sẵn sàng đưa Mỹ quay trở lại thỏa thuận. Tuy nhiên, Mỹ và Iran vẫn đang “nhường nhau” hành động trước để cứu vãn thỏa thuận này.
 
 2 Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Hen-ri-ét-ta Pho (Henrietta Fore) kêu gọi tăng cường tiếp cận nhân đạo với Xy-ri (Syria) và bảo vệ trẻ em tại đất nước bị chiến tranh tàn phá này. Bà cho rằng việc LHQ gia hạn 12 tháng đối với hoạt động vận chuyển hàng hóa qua biên giới đã cho phép cung cấp những nhu yếu phẩm thiết yếu cho những người dân đang hết sức khó khăn tại khu vực nói trên. Tuy nhiên, hiện nhu cầu của người dân nơi đây đã tăng gấp nhiều lần.
 
 Theo người đứng đầu UNICEF, trong năm 2020, số dân cần được hỗ trợ nhân đạo tại tây-bắc Syria đã tăng 20%, trong đó hơn 55.000 trẻ em bị suy dinh dưỡng trầm trọng. UNICEF hối thúc Hội đồng Bảo an LHQ ủng hộ lời kêu gọi của cơ quan này về giải thoát an toàn và tự nguyện cho các trẻ em tại tây-bắc Syria, giúp các em hồi hương và tái hòa nhập cộng đồng. Bà cũng kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ hỗ trợ các bên xung đột ở Syria từ bỏ vũ khí sau 10 năm chiến tranh, ngồi vào bàn đàm phán để sớm đạt được một thỏa thuận hòa bình lâu dài.

Những nguy cơ lớn -0
UNICEF kêu gọi bảo vệ trẻ em tại Xy-ri. 

 3 Nhà sản xuất chip điện tử Renesas (Nhật Bản) thông báo: Cần ít nhất ba đến bốn tháng để khôi phục hoàn toàn năng lực sản xuất sau vụ hỏa hoạn làm hư hại nghiêm trọng một nhà máy của công ty, đe dọa làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu chip toàn cầu. Vụ hỏa hoạn xảy ra trong tháng 3 làm hư hại một tầng nhà máy rộng 600 m2, gián đoạn quá trình sản xuất và tác động không nhỏ tới sản lượng. Sự cố xảy ra trong bối cảnh các nhà sản xuất ô-tô trên thế giới đang chật vật tìm kiếm nguồn cung chất bán dẫn. Hãng điện tử Renesas Electronics đang nắm giữ khoảng 35% thị phần chất bán dẫn dành cho ngành ô-tô, nên vụ hỏa hoạn càng làm tình trạng khan hiếm thêm trầm trọng.

Những nguy cơ lớn -0
Nhà sản xuất chip Renesas cần ít nhất ba đến bốn tháng để khôi phục hoàn toàn năng lực sản xuất. 

  Lo ngại về việc nguồn cung chip toàn cầu bị ảnh hưởng bởi vụ hỏa hoạn, Chính phủ Nhật Bản và một số khách hàng của Renesas như Hãng xe Toyota đã tham gia hỗ trợ quá trình khắc phục sự cố. Chính phủ Nhật Bản cam kết sẽ điều phối hỗ trợ từ các đơn vị tư nhân hoặc hỗ trợ đặt mua thiết bị thay thế.
 
 4
Theo một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Nature Geoscience tuần qua, một phần ba diện tích đất canh tác trên toàn thế giới có nguy cơ cao ô nhiễm thuốc trừ sâu, do tồn dư hóa chất trong thuốc trừ sâu thẩm thấu vào nguồn nước, gây ra mối đe dọa đối với đa dạng sinh học. Kết quả cho thấy 64% đất canh tác trên toàn cầu có nguy cơ ô nhiễm do nhiều hơn một thành phần trong thuốc trừ sâu, và 31% đất canh tác có nguy cơ ô nhiễm cao. Châu Á có diện tích đất canh tác lớn nhất đối diện nguy cơ ô nhiễm cao, với 4,9 triệu km2. Trong khi đó, gần 62% diện tích đất nông nghiệp ở châu Âu có nguy cơ cao ô nhiễm thuốc trừ sâu.
 
 Việc sử dụng thuốc trừ sâu đã gia tăng trên toàn cầu do hoạt động mở rộng sản xuất nông nghiệp, làm dấy lên lo ngại về gây ô nhiễm môi trường. Nhiều tổ chức đã lên tiếng kêu gọi giảm sử dụng hóa chất độc hại trong thuốc trừ sâu.