Ngăn chặn khủng hoảng

Trong bối cảnh các khó khăn kinh tế gia tăng và sự can thiệp của con người đối với thiên nhiên đã trở thành một "cuộc chiến tự hủy hoại", hợp tác để đối phó thách thức cũng như đồng thuận để ngăn chặn các cuộc khủng hoảng chung đang là "việc cần làm ngay" của chính phủ nhiều nước.

Lũ lụt đe dọa cuộc sống của người dân nhiều nước châu Á.
Lũ lụt đe dọa cuộc sống của người dân nhiều nước châu Á.

1Tại Hội nghị trực tuyến lần thứ 15 các bên tham gia Công ước đa dạng sinh học (COP15) tổ chức tại thành phố Côn Minh (Trung Quốc), Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi các nước trên thế giới đồng thuận nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng sinh thái hiện đe dọa cuộc sống loài người. Sau hai thế kỷ sử dụng các nhiên liệu hóa thạch, hủy hoại rừng, vùng hoang dã và đại dương, làm xói mòn đất đai, con người đã gây ra thảm họa sinh thái trên Trái đất. Ông Guterres mô tả sự can thiệp của con người đối với thiên nhiên là "cuộc chiến tự hủy hoại", và nhấn mạnh rằng chính con người đang thua trong cuộc chiến này.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc cảnh báo: Sự sụp đổ của hệ sinh thái có thể dẫn đến tổn thất khoảng 3.000 tỷ USD mỗi năm đến năm 2030, đồng thời nhấn mạnh rằng các nước đang phát triển có nguy cơ đối mặt những tác động lớn nhất từ sự suy thoái của đa dạng sinh học. Ông kêu gọi những hành động mạnh mẽ hơn, đối phó nguyên nhân gây mất đa dạng sinh học, hỗ trợ các nước đang phát triển, bao gồm cung cấp các nguồn tài chính và chuyển giao công nghệ.

2 Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đề nghị Liên hiệp châu Âu (EU) hỗ trợ nhiều hơn để bảo vệ lợi ích của nước này, trong bối cảnh khủng hoảng giá năng lượng khu vực. Kiev lo ngại rằng, do giá dầu tăng cao, châu Âu sẽ đẩy nhanh tiến độ vận hành đường ống Dòng chảy phương Bắc 2, ảnh hưởng tới dịch vụ trung chuyển dầu mỏ của Ukraine. Việc xây dựng đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 giữa Nga và Ðức có nguy cơ làm mất của Ukraine khoản tiền một tỷ euro/năm từ quá trình vận chuyển khí đốt của Nga.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, trong chuyến thăm tuần qua tới Ukraine, cho biết EU và Kiev đang nghiên cứu các kịch bản khác nhau để bảo đảm cung cấp đầy đủ cho Ukraine, quốc gia trung chuyển đáng tin cậy của EU. Chủ tịch EC von der Leyen cũng đề cập đến khả năng phối hợp về vấn đề dự trữ khí đốt và cung cấp khí đốt cho Ukraine từ nước láng giềng Slovakia, trong trường hợp cần thiết.

3 Tại hội nghị mùa thu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), IMF công bố báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới cho biết: Những đứt gãy trong các chuỗi cung ứng và sức ép giá đang kiềm chế đà phục hồi của nền kinh tế thế giới sau đại dịch. Do vậy, IMF giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2021 xuống còn 5,9%, so mức 6% đưa ra trong dự báo hồi tháng 7, và giữ nguyên dự báo cho năm 2022 là 4,9%.

IMF cảnh báo sự chênh lệch nguy hiểm về triển vọng kinh tế do sự mất cân bằng lớn về vaccine phòng Covid-19, khi 96% dân số ở các nước có thu nhập thấp vẫn chưa được tiêm phòng, dẫn đến tăng trưởng thấp hơn trong thời gian dài, nghèo đói gia tăng và nguy cơ lạm phát tăng vọt. Thế giới sẽ có thêm khoảng 65-75 triệu người rơi vào cảnh nghèo đói cùng cực năm 2021, so với dự báo trước khi xảy ra dịch. IMF kêu gọi các nước giàu hỗ trợ các nước nghèo vượt qua khủng hoảng do dịch bệnh, và cho biết các nước có thu nhập thấp cần thêm 250 tỷ USD để chống dịch cũng như giành lại mức tăng trưởng kinh tế trước khi bùng phát dịch.

4 Trước thềm Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra tại Glasgow, Scotland (Anh) vào tháng 11 tới, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ban hành 10 khuyến nghị giúp chính phủ các nước tận dụng tối đa lợi ích sức khỏe từ việc ứng phó với biến đổi khí hậu trong nhiều lĩnh vực, qua đó tránh hậu quả tồi tệ nhất về y tế từ cuộc khủng hoảng khí hậu. WHO kêu gọi các chính phủ cam kết thực hiện chương trình phục hồi một cách lành mạnh và thân thiện với môi trường sau giai đoạn chịu tác động của đại dịch.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định: Ðại dịch Covid-19 đã làm sáng tỏ những mối liên hệ mật thiết nhưng mỏng manh giữa con người và môi trường thiên nhiên. Những lựa chọn thiếu bền vững sẽ hủy hoại hành tinh và chính loài người. WHO kêu gọi các nước cam kết thực hiện các hành động quyết đoán tại Hội nghị COP26 để hạn chế mức nhiệt tăng ở 1,5 độ C so với thời kỳ trước cách mạng công nghiệp, và cung cấp 100 tỷ USD hằng năm để hỗ trợ các nước đang phát triển hành động nhằm ngăn chặn biến đổi khí hậu.