Mối nguy cận kề

Cùng với diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, căng thẳng đang leo thang tại một số khu vực trên thế giới, tiềm ẩn nguy cơ châm ngòi nổ xung đột, bạo lực. Trong bối cảnh đó, kiềm chế và thúc đẩy đối thoại là bước đi cần thiết để tránh kích hoạt những "thùng thuốc súng" đang chực chờ phát nổ.

Người biểu tình quá khích phá hủy nhiều ô-tô thành phố Almaty của Kazakhstan.
Người biểu tình quá khích phá hủy nhiều ô-tô thành phố Almaty của Kazakhstan.

Các cuộc biểu tình bạo loạn tại nhiều thành phố của Kazakhstan nhằm phản đối tình trạng tăng giá nhiên liệu trong tuần qua đã khiến quốc gia Trung Á này trở thành "điểm nóng" của khu vực. Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev phải ban bố tình trạng khẩn cấp ở nhiều nơi, trong đó có Thủ đô Nur-Sultan đồng thời ký sắc lệnh chấp thuận để Chính phủ nước này từ chức.

Trước tình hình bất ổn leo thang nghiêm trọng, Tổng thống Kazakhstan đã yêu cầu sự hỗ trợ từ các quốc gia thành viên của Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO). Nhà lãnh đạo Kazakhstan cho rằng, các băng nhóm khủng bố đứng đằng sau những cuộc bạo loạn này. Để giúp ổn định tình hình tại Kazakhstan, lực lượng gìn giữ hòa bình của CSTO đã được triển khai đến quốc gia Trung Á này với nhiệm vụ bảo vệ các cơ sở quan trọng, căn cứ quân sự và hỗ trợ lực lượng thực thi pháp luật lập lại trật tự. Cộng đồng quốc tế cũng thúc giục tất cả các bên tại Kazakhstan kiềm chế bạo lực, cùng tìm kiếm giải pháp hòa bình cho mọi bất đồng. Sau khi thông báo đã bắt giữ hơn 5.000 đối tượng quá khích trong làn sóng biểu tình bạo loạn làm rung chuyển đất nước vừa qua, giới chức Kazakhstan tuyên bố, quốc gia này đã khôi phục trật tự và vẫn tiếp tục chiến dịch truy quét phần tử khủng bố.

Ngày 11/1, quân đội Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên tiếp tục phóng một vật thể bay không xác định về phía biển Nhật Bản, sau khi tiến hành thành công vụ phóng thử một tên lửa "siêu thanh" chưa đầy một tuần trước đó.

Ngay sau vụ phóng mới nhất của Triều Tiên, trong phiên họp kín tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để thảo luận về vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng, Mỹ cùng năm quốc gia khác gồm Nhật Bản, Pháp, Anh, Ireland và Albania đã cùng kêu gọi Triều Tiên chấm dứt các hành động gây bất ổn. Các nước hối thúc Triều Tiên tham gia những cuộc đối thoại có ý nghĩa, nhằm hướng tới mục tiêu chung phi hạt nhân hóa một cách hoàn toàn. Trước đó, người phát ngôn Liên hợp quốc Stephane Dujarric nhấn mạnh, vụ phóng của Bình Nhưỡng càng cho thấy sự cần thiết phải nối lại đàm phán ngoại giao về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tuyên bố sẽ không từ bỏ hy vọng đối thoại với Triều Tiên.

Cuối tuần qua, hàng nghìn người đổ xuống đường ở Thủ đô Khartoum và thành phố Omdurman để tiếp tục phản đối vụ đảo chính xảy ra hồi cuối tháng 10/2021, khiến lực lượng an ninh Sudan phải sử dụng hơi cay để giải tán đám đông người biểu tình hướng về Dinh Tổng thống. Phái bộ Liên hợp quốc tại Sudan thông báo, tiến trình tham vấn được tiến hành với mục tiêu triển khai đàm phán trực tiếp nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại Sudan. Theo Đặc phái viên Liên hợp quốc tại Sudan, không dễ để ấn định khung thời gian đàm phán cụ thể bởi có rất nhiều sức ép đối với tiến trình chính trị ở nước này, song tiến trình tham vấn có thể là nền tảng xây dựng lòng tin và ít nhất giúp giảm bạo lực tại Sudan.

Cuộc đảo chính, do Tổng Tư lệnh quân đội Sudan Abdel Fattah al-Burhan đứng đầu tiến hành vào cuối tháng 10/2021 đã làm thay đổi tiến trình chuyển tiếp chia sẻ quyền lực giữa hai bên quân sự và dân sự tại Sudan. Làn sóng xung đột giữa người biểu tình quá khích và các lực lượng an ninh tại nước này kể từ sau cuộc đảo chính đến nay đã khiến ít nhất 60 người thiệt mạng.

Mối nguy cận kề -0
Các chuyên gia khuyến cáo nên giám sát dấu hiệu tiểu đường ở trẻ mắc Covid-19. 

Đại dịch Covid-19 đã và đang tác động nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của nhiều trẻ em, đe dọa tương lai nhân loại. Chính phủ Peru cho biết, gần 100.000 trẻ em ở nước này đã mồ côi do đại dịch Covid-19. Theo Bộ trưởng Phụ nữ Peru Anahi Durand, để hỗ trợ những gia đình bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, cứ hai tháng, Chính phủ Peru lại trợ cấp 50 USD cho hơn 18.000 gia đình. Các số liệu thống kê chính thức cho thấy, Peru hiện đứng đầu thế giới về tỷ lệ tử vong do Covid-19 tính theo đầu người với con số hơn 6.000 ca/triệu dân.

Nghiên cứu mới đây của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ cho thấy, những người dưới 18 tuổi đã phục hồi sau khi mắc Covid-19 có nguy cơ bị tiểu đường cao hơn so những trẻ em chưa từng mắc Covid-19. Các nhà nghiên cứu khuyến cáo các bác sĩ nhi khoa nên giám sát dấu hiệu tiểu đường ở trẻ mắc Covid-19, cũng như nhấn mạnh sự cần thiết của việc tiến hành sàng lọc dấu hiệu tiểu đường ở người dưới 18 tuổi từng nhiễm bệnh.