Mở cánh cửa mới

24-1631285368475.jpg
Táo gỗ, một trong những loại cây đặc sản ở Ấn Độ. 

1 Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) đã khởi động sáng kiến mang tên Hành động toàn cầu về phát triển xanh các sản phẩm nông nghiệp đặc biệt: Một quốc gia một sản phẩm ưu tiên. Hành động này nhằm mục đích phát triển chuỗi giá trị xanh và bền vững cho các sản phẩm nông nghiệp đặc biệt, hỗ trợ nông dân và hộ gia đình nhỏ thu được lợi ích đầy đủ của thị trường toàn cầu và giúp chuyển đổi các hệ thống nông sản thực phẩm hiện tại nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Sản phẩm nông nghiệp đặc sản (SAP) với tính chất độc đáo và đặc tính đặc biệt gắn với vị trí địa lý và di sản văn hóa, có thể góp phần đáng kể vào việc bảo đảm an ninh lương thực và chế độ ăn uống lành mạnh, hỗ trợ sinh kế của nông dân, tăng trưởng kinh tế, đồng thời bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học. Tổng Giám đốc FAO nhấn mạnh trọng tâm của Hành động toàn cầu là thúc đẩy SAP thông qua đổi mới và phát triển xanh, cũng như tạo điều kiện phát triển cho các nông hộ nhỏ và các mô hình sản xuất hộ nông dân, nhằm đạt được mục tiêu xóa đói, giảm nghèo.

2 Hội nghị cấp cao Hợp tác Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng lần thứ bảy diễn ra ngày 9/9 theo hình thức trực tuyến nhằm thúc đẩy đối phó với những thách thức trong thập niên mới. Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia ra thông cáo cho biết, với chủ đề: “GMS: Lấy lại sức mạnh để đối phó với những thách thức trong thập niên mới”, hội nghị xem xét tiến trình hợp tác khu vực kể từ Hội nghị cấp cao GMS lần thứ sáu diễn ra tháng 3/2018 tại Việt Nam, đồng thời lên kế hoạch định hướng và hoạt động trong ba năm tới với sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Chương trình của GMS dựa vào tham vấn và đối thoại giữa các thành viên, trong đó tập trung vào các dự án ưu tiên ở Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng, các lĩnh vực như giao thông, năng lượng, viễn thông, môi trường, phát triển nguồn nhân lực, du lịch, thương mại, đầu tư tư nhân và nông nghiệp. Hội nghị cũng là cơ hội để các bên tham gia thể hiện cam kết và đóng góp vì một tiểu vùng hội nhập, thịnh vượng, bền vững và phát triển toàn diện hơn trong việc đối phó các thách thức để tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội trong phạm vi tiểu vùng, khu vực và rộng hơn nữa.

3 Tuần qua, người phát ngôn của Taliban, Suhail Shaheen tuyên bố sẵn sàng thiết lập quan hệ với Washington vì lợi ích của cả Afghanistan và Mỹ, đồng thời hoan nghênh khả năng Mỹ tham gia công cuộc tái thiết quốc gia Nam Á này. Ngoài ra, Taliban cũng thể hiện mong muốn duy trì đối thoại với tất cả các nước láng giềng, các nước trong khu vực, cũng như các nước châu Á.

Trước đó, trong cuộc họp báo chính thức đầu tiên kể từ khi giành chính quyền tại Afghanistan, đại diện của Taliban cam kết sẽ không trở thành mối đe dọa đối với bất kỳ quốc gia nào mà mong muốn thiết lập mối quan hệ tốt đẹp với cộng đồng quốc tế. Taliban cho biết, một chính phủ toàn diện sẽ được thành lập tại Afghanistan trong thời gian tới để lãnh đạo đất nước dựa trên khuôn khổ của các giá trị Hồi giáo.

4 Hãng sản xuất ô-tô Toyota (Nhật Bản) thông báo đến năm 2030 sẽ đầu tư hơn 13,5 tỷ USD vào phát triển pin dành cho xe điện và xe xăng lai điện do hãng này sản xuất. Toyota kỳ vọng hiện thực hóa các mục tiêu của hãng thông qua việc áp dụng các công nghệ sơn xe mới - một trong những bước tốn nhiều năng lượng nhất trong quy trình sản xuất ô-tô.

Mở cánh cửa mới -0
Toyota đầu tư hơn 13,5 tỷ USD phát triển pin dành cho xe điện và xe xăng lai điện. 

Theo kế hoạch, Toyota sẽ chi khoản tiền trên vào phát triển và cung ứng pin cho xe điện của hãng và đặt mục tiêu giảm 50% chi phí sản xuất pin của mỗi xe đến năm 2030. Trước đó, Toyota thông báo mục tiêu đầy tham vọng là toàn bộ sản phẩm đều đạt tiêu chuẩn trung hòa carbon vào năm 2035, sớm hơn 15 năm so kế hoạch đề ra trước đó, góp phần vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu.