Hành động khẩn cấp

Bất ổn đang gia tăng, các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống ngày càng gay gắt… Thực tế này đòi hỏi các bên phải phối hợp hành động nhanh chóng để ngăn chặn những nguy cơ mới và tận dụng cơ hội phát triển mới.

Tình hình Afghanistan đang trở nên bất ổn trong những ngày gần đây.
Tình hình Afghanistan đang trở nên bất ổn trong những ngày gần đây.

1. Có 15 phái đoàn ngoại giao, trong đó có Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), cùng đại diện Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Afghanistan đã cùng hối thúc lực lượng Taliban ngừng ngay các cuộc tấn công trên khắp quốc gia Nam Á này. Lời kêu gọi được đưa ra ngay sau khi cuộc hòa đàm giữa đại diện Chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban tại Doha (Qatar) về ngừng bắn đã thất bại. Tuyên bố nêu rõ: Các cuộc tấn công của Taliban đi ngược lại tuyên bố ủng hộ một thỏa thuận chấm dứt xung đột thông qua đàm phán.

Trong bối cảnh các cuộc hòa đàm đang diễn ra và Taliban tiến hành các cuộc tấn công quy mô lớn trên khắp Afghanistan, thủ lĩnh Taliban - Hibatullah Akhundzada - tuyên bố mong muốn có được một giải pháp chính trị. Tuy nhiên, đại diện Taliban không đề cập đến một lệnh ngừng bắn chính thức. Khi các lực lượng nước ngoài đang rút quân giai đoạn cuối, Taliban đã đột kích và chiếm giữ hàng trăm huyện lỵ, các cửa khẩu biên giới trọng điểm cũng như vây hãm nhiều thủ phủ tại Afghanistan.

2. Báo chí quốc tế đưa tin nhiều chính trị gia, giám đốc điều hành doanh nghiệp, nhà báo và các nhà hoạt động trên thế giới đã bị thu thập dữ liệu thông qua phần mềm độc hại Pegasus do công ty tư nhân NSO của Israel phát triển. Thông tin này đặt ra yêu cầu phải có các cuộc điều tra để “làm rõ trắng đen”. 

Ba tờ nhật báo gồm The Washington Post, The Guardian, Le Monde và nhiều cơ quan báo chí khác phối hợp điều tra một vụ rò rỉ dữ liệu liên quan hơn 50.000 số điện thoại di động được cho là đối tượng được các khách hàng của NSO quan tâm từ năm 2016. Theo báo The Washington Post, trong danh sách có số điện thoại di động của nhiều nguyên thủ quốc gia, thủ tướng chính phủ, thành viên của các hoàng gia Arab, nhà ngoại giao, chính trị gia, cũng như các nhà hoạt động và giám đốc điều hành các công ty. Phản ứng về vụ việc, NSO cho rằng các thông tin trên là “vô căn cứ và bị thổi phồng”, đồng thời khẳng định Pegasus được sử dụng để phòng ngừa tội phạm và chống khủng bố.

3. Tại Hội nghị lãnh đạo Nghị viện các nước Visegrad (V4 - gồm CH Czech, Slovakia, Ba Lan và Hungary) mới đây, Nhóm V4 tuyên bố hướng tới xây dựng lập trường chung về tương lai của châu Âu.  Chủ tịch Quốc hội Hungary Laszlo nhấn mạnh, các nước V4 không chỉ chia sẻ giá trị lịch sử mà còn có lợi ích chung, do đó cần tăng cường hợp tác nhằm xây dựng lập trường chung của nhóm và cần tham gia các cuộc thảo luận về tương lai của châu Âu với tư cách là đối tác bình đẳng để nâng cao tiếng nói của nghị viện các nước V4.

Hungary tiếp nhận vai trò Chủ tịch luân phiên V4 từ Ba Lan với thời gian một năm bắt đầu từ tháng 7. Nhiệm kỳ Chủ tịch V4 của Hungary sẽ tập trung vào mục tiêu phục hồi và tăng trưởng kinh tế của các nước thành viên thông qua thúc đẩy đầu tư, bảo đảm an ninh. Hungary ủng hộ duy trì mức thuế thấp để tăng cường thu hút đầu tư. 

4. Kết quả nghiên cứu mới nhất của Trường đại học Tổng hợp Lan Châu (Trung Quốc) công bố trên tạp chí Earth’s Future, cho thấy khu vực băng tuyết toàn cầu thu hẹp trung bình khoảng 87.000 km2/năm trong giai đoạn 1979 - 2016 do hiện tượng ấm lên toàn cầu. Đây là một cảnh báo cho thấy cộng đồng quốc tế cần khẩn trương hơn trong ngăn chặn và đối phó các nguy cơ của biến đổi khí hậu.

Tác giả chính của nghiên cứu trên, chuyên gia Peng Xiaoqing, cho biết công trình nghiên cứu này đi tiên phong trên thế giới trong việc đánh giá toàn bộ khu vực băng tuyết toàn cầu, nơi chứa gần ba phần tư lượng nước ngọt trên Trái đất và đóng vai trò quan trọng trong hệ thống khí hậu của Trái đất. Bộ dữ liệu sẽ giúp nghiên cứu sâu hơn về tác động của biến đổi khí hậu đối với khu vực băng tuyết toàn cầu, thậm chí đối với các hệ sinh thái, hoạt động trao đổi CO2 và các chu kỳ sống.

5_1-1626969634334.jpg
Khu vực băng tuyết toàn cầu thu hẹp trung bình khoảng 87.000 km2 mỗi năm.