Giải pháp duy nhất

Các thách thức an ninh phi truyền thống đang ngày càng trở nên gay gắt, đặt thế giới trước một thập niên sẽ quyết định tương lai của chúng ta theo đúng nghĩa đen. Trong bối cảnh đó, hợp tác giữa các quốc gia là giải pháp duy nhất để đối phó các vấn đề cấp bách toàn cầu, bao gồm đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu, suy giảm tăng trưởng kinh tế.

Nhiều nước tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em.
Nhiều nước tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em.

1 Trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị là Tổng thống Mỹ tại lễ khai mạc Phiên thảo luận chung cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76, Tổng thống Joe Biden vừa kêu gọi sự hợp tác của các nước trên toàn thế giới nhằm đối phó với những thách thức toàn cầu cấp bách như đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu, cũng như các vấn đề khác. 

Liên quan đến cuộc chiến chống dịch Covid-19 - đại dịch đã khiến hơn 4,7 triệu người thiệt mạng, ông Biden xem đây là thách thức cấp bách không thể giải quyết bằng lực lượng quân sự. Và để chống lại nó, cần phải hành động tập thể một cách khoa học, cũng như đòi hỏi ý chí chính trị.

Theo ông chủ Nhà trắng, Mỹ sẽ gia tăng các cam kết đối với các nỗ lực chống biến đổi khí hậu, và dự kiến tăng gấp đôi các nguồn tài chính công quốc tế nhằm giúp các nước đang phát triển trong cuộc chiến này, đồng thời cam kết hỗ trợ 10 tỷ USD cho các nỗ lực xóa đói nghèo trên thế giới. 

2 Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) vừa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu và đánh giá: Tiến trình phục hồi kinh tế thế giới đang bấp bênh, dù các nền kinh tế đã phục hồi từ đầu năm 2021. OECD dự báo sản lượng kinh tế toàn cầu sẽ tăng 5,7% trong năm 2021 và 4,5% trong năm 2022. 

Theo OECD, giữa các quốc gia trên thế giới vẫn tồn tại những cách biệt về sản lượng kinh tế và việc làm, đặc biệt nhóm các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển có tỷ lệ bao phủ tiêm chủng thấp đang bị tụt lại khá xa. Tổ chức này cảnh báo triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu sẽ liên tục trong trạng thái không ổn định, cho tới khi việc tiêm vaccine phòng Covid-19 được triển khai đồng bộ trên toàn thế giới. OECD khuyến cáo chính phủ các nước cần tránh việc rút các biện pháp hỗ trợ kinh tế quá sớm và đột ngột, trong bối cảnh triển vọng kinh tế ngắn hạn vẫn chưa ổn định.

3 Một vấn đề lớn đang đặt ra với châu Phi là các quốc gia ở “lục địa đen” đang bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống dịch bệnh, khi họ gặp nhiều trở ngại trong tiếp cận vaccine ngừa Covid-19. Vaccine hiện là giải pháp nhanh chóng chấm dứt đại dịch Covid-19, nhưng các nước châu Phi rất khó tiếp cận bởi tình trạng tích trữ vaccine ở các nước giàu, lệnh cấm xuất khẩu và những cam kết chưa thực hiện. Thống kê cho thấy, gần 6 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 đã được phân phối trên toàn cầu, song chỉ 2% trong số này đến được châu Phi.

Hiện tại, các nước châu Phi tiếp cận vaccine bằng cách mua trực tiếp từ hãng sản xuất, hoặc được các nước giàu viện trợ thông qua cơ chế COVAX. Tuy nhiên, nhiều nước sản xuất và xuất khẩu vaccine phải đương đầu với làn sóng dịch bệnh nghiêm trọng tái bùng phát, khiến việc châu Phi mua vaccine ngừa Covid-19 gặp khó khăn. Trong bối cảnh đó, các nhà vận động đã kêu gọi các hãng dược phẩm bãi bỏ bản quyền vaccine ngừa Covid-19 để các nước nghèo có thể tự sản xuất, song chưa có hãng dược phẩm nào đồng ý. 

4 Nhà vua Hà Lan Willem-Alexander, trong bài phát biểu hằng năm khai mạc kỳ họp Quốc hội, đã cảnh báo rằng, biến đổi khí hậu đang khiến Hà Lan phải đối mặt nguy cơ nghiêm trọng hơn dự tính và buộc quốc gia này phải hành động khẩn cấp để tự bảo vệ mình. Theo ông, biến đổi khí hậu và nước biển dâng cao đang diễn ra với tốc độ nhanh hơn và nghiêm trọng hơn nhiều so với dự báo.

Giải pháp duy nhất -0
Biến đổi khí hậu khiến Hà Lan có nguy cơ ngập lụt nghiêm trọng.

Với khoảng một phần ba diện tích nằm dưới mực nước biển, Hà Lan là quốc gia dễ bị ngập lụt nghiêm trọng. Trong khi đó, nước này vốn nằm trong số những nước có lượng khí thải tính theo đầu người lớn nhất châu Âu. Nhà vua Willem-Alexander  nhấn mạnh: Những năm tới, Hà Lan phải nỗ lực hơn nữa để đạt được mục tiêu giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nguyên nhân làm Trái đất ấm lên. Dự kiến nước này dành khoảng 7 tỷ euro trong kế hoạch ngân sách năm tới để tăng tính bền vững, chống chịu với thiên tai của các gia đình và doanh nghiệp.