Đột phá và bế tắc

Nhóm “bộ tứ chiến lược” ra tuyên bố cấp cao đầu tiên về hợp tác tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; Mỹ củng cố các liên minh chủ chốt ở châu Á; Chính phủ lâm thời Li-bi (Libya) nhậm chức; hay Nga tổ chức hội nghị hòa bình Áp-ga-ni-xtan (Afghanistan)… Nhưng bên cạnh đó, cũng vẫn còn những “điểm nóng” chưa thể hạ nhiệt.

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ và Nhật Bản tại cuộc họp ở Tô-ky-ô. Ảnh: DW
Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ và Nhật Bản tại cuộc họp ở Tô-ky-ô. Ảnh: DW

1 Các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng trong chính quyền Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn (Joe Biden) đã thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên, với điểm đến là châu Á. Tại các cuộc đối thoại theo cơ chế 2+2, các bộ trưởng Mỹ cùng những người đồng cấp Nhật Bản và Hàn Quốc khẳng định củng cố quan hệ đồng minh, tăng cường hợp tác kinh tế và phối hợp chiến lược trong các vấn đề tại khu vực. Ngay sau chuyến công du Đông - Bắc Á, các quan chức Mỹ hàng đầu tiếp tục có một loạt hoạt động đáng chú ý: Bộ trưởng Quốc phòng thăm Ấn Độ, Bộ trưởng Ngoại giao đối thoại lần đầu với đối tác Trung Quốc. 

Các hoạt động ngoại giao liên tiếp cho thấy mục tiêu của Nhà trắng ưu tiên củng cố các liên minh chủ chốt, thúc đẩy đối thoại gỡ khúc mắc trong các mối quan hệ với đồng minh, đối tác ở châu Á. Đặc biệt, các hoạt động này được triển khai ngay sau khi Tổng thống G.Bai-đơn cùng các lãnh đạo Nhật Bản, Ấn Độ và Ô-xtrây-li-a (Australia) tổ chức hội nghị cấp cao lần đầu, ra tuyên bố chung “Tinh thần bộ tứ”, khẳng định hợp tác thúc đẩy khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở.

2 Trong nỗ lực hỗ trợ tiến trình hòa bình của Áp-ga-ni-xtan, Nga quyết định tổ chức hội nghị quốc tế tại Mát-xcơ-va (Moscow) ngày 18-3, với sự tham gia của các đại diện chính quyền Ca-bun (Kabul) và lực lượng Ta-li-ban (Taliban), cùng một số chính khách có ảnh hưởng tại Áp-ga-ni-xtan. Nga hy vọng tạo khởi đầu mới, góp thêm hy vọng cho tiến trình hòa bình của quốc gia Nam Á. Cả Chính phủ Áp-ga-ni-xtan và lực lượng Ta-li-ban xác nhận tham dự hội nghị tại Mát-xcơ-va.

Trong khi đó, cuộc đàm phán hòa bình Áp-ga-ni-xtan, do Mỹ thúc đẩy tổ chức tại Ca-ta (Qatar), vẫn bế tắc dù hạn chót (ngày 1-5) đang đến gần, để lực lượng Mỹ rời Áp-ga-ni-xtan, theo thỏa thuận Mỹ ký với Ta-li-ban năm ngoái. Hội đồng Bảo an LHQ ra tuyên bố lên án tình trạng bạo lực gia tăng tại Áp-ga-ni-xtan, gây thương vong cho dân thường.

3 Tại Li-bi, Thủ tướng lâm thời A.Bây-ba (Abdul Hamid Dbeiba) đã triệu tập cuộc họp đầu tiên của Chính phủ đoàn kết dân tộc mới, thông qua kế hoạch hành động hướng tới tổ chức các cuộc bầu cử quan trọng vào cuối năm nay. Trong đó, những nhiệm vụ cấp bách là ứng phó cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 và thúc đẩy đoàn kết quốc gia, thông qua Hội đồng Hòa giải dân tộc. 

Cuộc họp được triển khai ngay sau khi Hạ viện Li-bi thông qua thành phần chính phủ lâm thời, động thái được dư luận quốc tế đánh giá cao, coi đây là bước đột phá quan trọng, tạo cơ sở vững chắc cho tiến trình chuyển tiếp chính trị tại Li-bi. LHQ hoan nghênh Chính phủ lâm thời Li-bi nhậm chức; kêu gọi Chính phủ cùng cơ quan lập pháp mới được bầu tại Li-bi nhanh chóng triển khai các nỗ lực nhằm giải quyết các thách thức. LHQ cam kết hỗ trợ tiến trình chuyển tiếp tại Li-bi. 

4 Trong khi đó, xung đột tiếp diễn tại Y-ê-men (Yemen), cùng các màn tiến công đáp trả lẫn nhau giữa lực lượng Hu-thi (Houthi) với liên quân A-rập do A-rập Xê-út (Saudi Arabia) dẫn đầu. Liên quân A-rập cáo buộc Hu-thi phóng tên lửa đạn đạo vào khu vực biên giới phía nam của A-rập Xê-út. Đáp trả, liên quân bắn phá vào các khu vực được cho là bãi phóng tên lửa của Hu-thi ở tỉnh Xa-đa (Saada), miền bắc Y-ê-men, đồng thời đánh chặn các thiết bị bay không người lái của Hu-thi. 

Đột phá và bế tắc -0
Trẻ em Y-ê-men sống trong trại tị nạn gần Thủ đô Xa-na. Ảnh: TÂN HOA Xà

Hội đồng Bảo an LHQ đưa ra “cảnh báo đỏ” về xung đột và khủng hoảng nhân đạo tại Y-ê-men. Trong đó có giao tranh tại các điểm nóng ở các tỉnh miền nam khiến nhiều dân thường chết và các cuộc tiến công xuyên biên giới nhằm lãnh thổ A-rập Xê-út, gồm cả mục tiêu dân sự. Hội đồng Bảo an kêu gọi các bên tuân thủ lời kêu gọi ngừng bắn của Tổng Thư ký LHQ và trở lại bàn đàm phán.