Đối diện thách thức

Các cuộc khủng hoảng chính trị, khủng hoảng kinh tế đang manh nha xuất hiện trong bối cảnh các quốc gia đang cùng lúc đứng trước nhiều thách thức. Đoàn kết và hợp tác để tìm những hướng đi mới là cách tốt nhất, để vượt qua khó khăn, kiến tạo tương lai tốt đẹp hơn.

Thủ tướng Nhật Bản trả lời chất vấn của đại diện các đảng ở Thượng viện và Hạ viện.
Thủ tướng Nhật Bản trả lời chất vấn của đại diện các đảng ở Thượng viện và Hạ viện.

1 Tổng thống Bồ Đào Nha Marcelo Rebelo de Sousa đã ra sắc lệnh giải tán Quốc hội, bước đi chính thức cuối cùng trước thềm cuộc tổng tuyển cử sớm, dự kiến diễn ra vào ngày 30/1/2022. Sắc lệnh được đưa ra vào thời hạn chót để có thể giải tán Quốc hội, theo quy định phải diễn ra ít nhất 55 ngày trước một cuộc bầu cử.

Cuộc bầu cử trước thời hạn được ấn định sau khi Quốc hội Bồ Đào Nha bác bỏ dự luật ngân sách của chính phủ thiểu số do đảng Xã hội lãnh đạo hồi tháng 10, động thái được cho là đặt dấu chấm hết cho sự ổn định chính trị của nước này trong sáu năm qua. Các nhà phân tích cho rằng thế bế tắc chính trị có khả năng sẽ vẫn tiếp diễn sau bầu cử, và việc thành lập chính phủ mới sẽ không dễ dàng. Điều này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới việc triển khai các dự án do các quỹ phục hồi sau đại dịch của Liên minh châu Âu (EU) tài trợ, và tác động tới triển vọng tăng trưởng của Bồ Đào Nha.

2 Quốc hội Nhật Bản triệu tập phiên họp bất thường lần thứ 27, từ ngày 6 đến 21/12. Trọng tâm của kỳ họp là thảo luận và quyết định khoản ngân sách bổ sung cho tài khóa 2021 để hỗ trợ một phần gói kích thích kinh tế nhằm vực dậy nền kinh tế nước này sau đại dịch.

Theo kế hoạch, Chính phủ Nhật Bản sẽ làm rõ những biện pháp ứng phó với diễn biến mới của dịch Covid-19, nhất là biến thể Omicron, và giải pháp cụ thể tăng trưởng kinh tế. Chính phủ Nhật Bản dự kiến đệ trình Quốc hội dự thảo bổ sung ngân sách năm nay nhằm thúc đẩy tăng trưởng và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

3 Kết thúc kỳ họp không chính thức các quan chức cấp cao các nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tại Thái Lan, Hàn Quốc kêu gọi APEC tăng cường hợp tác bảo đảm ổn định chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách kinh tế nước này, ông Lee Seong-ho, đã đưa ra lời kêu gọi trên, trong bối cảnh những bất ổn kinh tế kéo dài cùng với các khó khăn trong chuỗi cung ứng toàn cầu khiến giá cả hàng hóa leo thang. Đặc biệt, ông kêu gọi hợp tác khu vực để giải quyết các khó khăn trong chuỗi cung ứng và thiếu hụt linh kiện, phụ tùng phục vụ sản xuất.

Tại kỳ họp, các bên nhất trí đẩy nhanh đà phục hồi kinh tế sau đại dịch, thảo luận sâu rộng về tái khởi động hoạt động đi lại giữa các nước và đẩy mạnh hợp tác vì tăng trưởng bền vững và toàn diện. Các quan chức cũng nhấn mạnh tới tầm quan trọng của hợp tác khu vực trong chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch và phát triển các ngành công nghiệp ít khí thải carbon vì mục tiêu chung tăng trưởng kinh tế bền vững.

Đối diện thách thức -0
Giá nhiên liệu tăng tại nhiều khu vực trên thế giới .

4 Hội đồng Dầu khí thế giới (WPC) đã tổ chức Hội nghị Xăng dầu thế giới lần thứ 23 tại bang Texas của Mỹ. Hội nghị xoay quanh các chủ đề sự phát triển của dầu đá phiến, chuyển đổi số trong ngành dầu mỏ; chuyển đổi năng lượng từ dầu, khí đốt và than đá sang năng lượng gió, Mặt trời và các công nghệ sạch khác, tương lai của ngành năng lượng…

Giám đốc điều hành của các "đại gia" nhiên liệu Chevron, Exxon Mobil, Saudi Aramco, Equinor và Total Energies đề xuất hướng chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch. Đây là một phần nỗ lực của các nhà sản xuất dầu nhằm đáp ứng những yêu cầu của chính phủ về cắt giảm khí thải CO2 và chuyển sang sử dụng nhiên liệu sạch hơn, đặc biệt khi tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu diễn biến khó lường. Hội nghị năm nay được tổ chức trong bối cảnh ngành công nghiệp toàn cầu đối mặt với tình trạng thiếu khí đốt tự nhiên tại châu Á và châu Âu, do ảnh hưởng của đại dịch dẫn đến sản lượng bị cắt giảm. Tình trạng giá nhiên liệu tăng vọt đang đặt thế giới trước vấn đề cấp bách phải bảo đảm sự ổn định của thị trường "vàng đen".