Đối diện thách thức

Các nguy cơ khủng hoảng nhân đạo, thiếu năng lượng và an ninh nguồn nước đang đặt ra ngày càng gay gắt. Hợp tác và chia sẻ với tinh thần "lá lành đùm lá rách" là giải pháp duy nhất giúp tất cả các bên cùng vượt qua khó khăn.

OPEC đứng trước sức ép tăng sản lượng để "hạ nhiệt" giá dầu.
OPEC đứng trước sức ép tăng sản lượng để "hạ nhiệt" giá dầu.

Phát biểu tại hội nghị Afghanistan diễn ra ở Pakistan, Thủ tướng nước chủ nhà Imran Khan hối thúc cộng đồng quốc tế tăng viện trợ giúp người dân Afghanistan đối phó khủng hoảng nhân đạo. Pakistan đã gửi số hàng viện trợ nhân đạo trị giá 29 triệu USD tới Afghanistan, nối lại hoạt động của tuyến xe buýt giữa biên giới hai nước, giảm thuế đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của Afghanistan sang Pakistan. Đáp ứng lời kêu gọi mới nhất của Afghanistan, cộng đồng quốc tế đã cam kết hỗ trợ 606 triệu USD giúp đỡ 11 triệu người đang cần cứu trợ khẩn cấp tại nước này.

Trong khi đó, Liên hợp quốc (LHQ) cho biết quỹ viện trợ cho Afghanistan đã đạt mục tiêu đề ra, nhưng nước này vẫn cần trợ giúp vì hệ thống ngân hàng và tài chính đang bên bờ sụp đổ. Các khoản nợ xấu trên thị trường tín dụng đã tăng từ mức khoảng 30% tính cuối năm 2020 lên 57% vào tháng 9 vừa qua. Các chuyên gia của LHQ cũng nêu một loạt các giải pháp cho cuộc khủng hoảng này, bao gồm bảo hiểm tiền gửi, bảo đảm tính thanh khoản hợp lý cho hệ thống ngân hàng và các khoản bảo lãnh vay, giãn nợ...

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đang đối diện khó khăn mới, khi Mỹ gây sức ép để OPEC tăng sản lượng dầu và "hạ nhiệt" giá dầu thô, trong khi OPEC nếu muốn cũng không thể tăng nhanh sản lượng. Do tác động của đại dịch Covid-19, hiện chỉ có ba thành viên OPEC là Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Iraq có đủ tiềm lực tăng nhanh nguồn cung. Trong dài hạn, ngày càng nhiều thành viên OPEC không còn khả năng dự trữ.

Trong bối cảnh ấy, Mỹ đã đề nghị Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản kết hợp mở kho dầu dự trữ. Tuy nhiên, theo quy định của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), kho dự trữ dầu chỉ có thể được mở khi cần đối phó với các cú sốc như chiến tranh hoặc bão lũ, chứ không dùng để điều chỉnh giá. Ngân hàng Goldman Sachs phân tích: Dù giá dầu cao hơn có thể thúc đẩy tăng nguồn cung, nhưng đầu tư lại bị ảnh hưởng của những lo ngại về môi trường, xã hội khiến các ngân hàng dành nhiều khoản vay cho các dự án xanh hơn là dự án liên quan dầu mỏ.

Một cuộc khảo sát do Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tiến hành đối với 3.200 doanh nghiệp thành viên cho thấy, hơn 50% số công ty Đức kinh doanh ở nước ngoài đang đối mặt những vấn đề nghiêm trọng trong chuỗi cung ứng hoặc logistics. Điều này đã buộc các công ty phải đa dạng hóa nhà cung cấp, rút ngắn lộ trình giao hàng, cũng như chuyển địa điểm sản xuất của mình. Tình hình đặc biệt nghiêm trọng đối với các công ty Đức kinh doanh ở Anh, với 77% trong số các công ty này cho biết phải điều chỉnh chuỗi cung ứng, 93% số công ty đang bị buộc phải thay đổi lộ trình giao hàng và 39% số công ty chia sẻ có kế hoạch chuyển địa điểm sản xuất.

Sự gián đoạn trong mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu do dịch Covid-19 đã làm nổi bật điểm yếu của nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn và các hàng hóa công nghiệp khác đang đe dọa đến đà phục hồi kinh tế của Đức, buộc các nhà điều hành phải xem xét lại các dòng cung ứng và giảm bớt sự phụ thuộc vào một số nhà cung cấp châu Á và Mỹ.

Đối diện thách thức -0
 Nhiều nước châu Phi thiếu nguồn cung nước sạch.

Tại Hội thảo về vệ sinh châu Phi lần thứ 6 được tổ chức trực tuyến từ ngày 22 đến 26/11, Bộ trưởng Nông nghiệp, Vấn đề nước và Cải cách đất đai của Namibia nhấn mạnh: Đại dịch đã làm nổi bật tính cấp thiết của việc đầu tư vào nguồn cung cấp nước trên quy mô lớn, song song với việc bảo đảm các quy trình an toàn vệ sinh của châu Phi. Theo đó, tài nguyên nước giữ vai trò trung tâm đối với các tiến bộ kinh tế và xã hội của châu Phi.

Tuy nhiên, việc huy động các nguồn lực để đáp ứng mức đầu tư cần thiết vẫn là một vấn đề nan giải. Namibia kêu gọi các nước cần có hành động cụ thể để bảo đảm việc cung cấp nguồn nước chất lượng với giá cả phải chăng nhằm phục vụ sản xuất kinh tế, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghiệp, năng lượng và nông nghiệp.