Biện pháp mạnh

Các thách thức đang gia tăng trong bối cảnh chiến tranh, thiên tai và dịch bệnh diễn ra nghiêm trọng ở nhiều nơi trên thế giới. Theo đó, một loạt biện pháp mạnh đã được đưa ra nhằm xoay chuyển tình thế.

Nhiều trẻ em ở Afghanistan cần được hỗ trợ khẩn cấp.
Nhiều trẻ em ở Afghanistan cần được hỗ trợ khẩn cấp.

1 Trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 10 đã tăng 6,2% so cùng kỳ năm ngoái-mức tăng hằng năm cao nhất trong hơn 30 năm, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) quyết định mở cuộc điều tra nguyên nhân gây ra tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng gây thiếu hàng hóa và giá cả tăng vọt trong thời gian qua. Theo đó, FTC yêu cầu chín công ty, trong đó có Walmart Inc., Amazon.com, cung cấp thông tin chi tiết liên quan các yếu tố chính cản trở khả năng cung ứng, vận chuyển và phân phối sản phẩm của họ và các biện pháp mà các công ty đang thực hiện để giảm bớt sự gián đoạn này.

Chủ tịch FTC Lina M.Khan cho rằng tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng đang ảnh hưởng đến việc cung cấp và phân phối nhiều loại hàng hóa, từ chip máy tính và dược phẩm đến thịt và gỗ. Ngoài việc tìm hiểu lý do gây gián đoạn chuỗi cung ứng, cuộc điều tra cũng sẽ tập trung vào vấn đề sự gián đoạn chuỗi cung ứng có dẫn đến tình trạng đình trệ, thiếu hụt, cạnh tranh không lành mạnh hay làm tăng giá tiêu dùng hay không.

2 Ngân hàng Thế giới (WB) đang lên kế hoạch giải ngân tới 500 triệu USD từ Quỹ Ủy thác tái thiết Afghanistan (ARTF) cho các cơ quan nhân đạo hoạt động tại nước này. ARTF-hiện có tổng cộng 1,5 tỷ USD-là nguồn tài chính lớn nhất cho ngân sách dân sự của Afghanistan, trong đó viện trợ từ nước ngoài chiếm hơn 70%. WB đình chỉ giải ngân quỹ này sau khi lực lượng Taliban lên nắm quyền tại Afghanistan. Ngoài ra, Mỹ cũng ngừng viện trợ cho Afghanistan, đồng thời đóng băng khoản hỗ trợ riêng trị giá chín tỷ USD tại ngân hàng Trung ương của nước này.

Hiện tại, 39 triệu người dân tại Afghanistan phải chứng kiến một nền kinh tế lao dốc; đối mặt một mùa đông lạnh giá thiếu lương thực và đói nghèo; chỉ gần 7% dân số được tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19. Trong bối cảnh đó, khoản viện trợ WB dự tính giải ngân sẽ tập trung đáp ứng các nhu cầu chăm sóc y tế khẩn cấp. Mọi quyết định về phân bổ các khoản tài chính thuộc ARTF đều cần được tất cả các bên đóng góp đồng thuận, trong đó Mỹ là nước đóng góp lớn nhất. Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận Washington cam kết đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân Afghanistan, đặc biệt là về sức khỏe, giáo dục và an ninh.

3 Một tòa án ở Thủ đô Moscow của Nga đã tuyên án buộc đại gia công nghệ Google (trực thuộc Alphabet Inc.) phải nộp khoản phạt ba triệu rúp (400.386 USD) do vi phạm các quy định của Nga về cung cấp nội dung thông tin trên mạng. Cụ thể, hành vi vi phạm của Google được xác định là đã không xóa những nội dung được cho là vi phạm pháp luật của Nga. Hồi tháng 10, Nga đã dọa phạt Google 1% doanh thu tại nước này, vì nhiều lần không xóa bỏ các nội dung thuộc diện cấm trên công cụ tìm kiếm và YouTube. Google cho biết công ty đã trả hơn 32 triệu rúp tiền phạt.

Trong năm nay, Nga đã đưa ra các khoản phạt nhằm vào các công ty công nghệ của Mỹ. Từ cuối quý I năm nay, cơ quan quản lý truyền thông Nga Roskomnadzor đã hạn chế tốc độ truy cập Twitter, khẳng định Nga sẽ không dỡ bỏ các hạn chế đối với mạng xã hội này cho đến khi tất cả các nội dung phi pháp được gỡ bỏ.

Biện pháp mạnh -0
Giá nhiên liệu tăng cao tại nhiều nước châu Âu.

4 Nhằm ứng phó với giá năng lượng tăng, Thủ tướng Italy Mario Draghi khẳng định chính phủ của ông sẵn sàng xử lý tác động của việc tăng giá năng lượng đối với các hộ gia đình và các công ty theo cách công bằng nhất có thể. Theo đó, Italy sẵn sàng can thiệp một lần nữa để giảm tác động của việc tăng chi phí năng lượng, nhất là đối với các hộ gia đình nghèo. Chính phủ đã dành ra 1,2 tỷ euro (1,4 tỷ USD) vào tháng 6 và hơn ba tỷ euro vào tháng 9/2021 để hỗ trợ những người dễ bị tổn thương nhất.

Italy yêu cầu Ủy ban châu Âu nghiên cứu các phản ứng trong trung hạn đối với xu hướng tăng giá điện trên toàn châu lục. Các bộ trưởng năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) đã gặp nhau ngày 30/11 tại Bỉ để thảo luận về cuộc khủng hoảng năng lượng. Italy hy vọng việc kích hoạt nhanh đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 nối Đức với Nga sẽ giúp giảm chi phí và giá năng lượng có thể hạ nhiệt vào tháng 3/2022.