Áp lực nặng nề

Những áp lực lớn đang ngày càng gia tăng lên các nền kinh tế, trong bối cảnh một số cường quốc "ra đòn" trừng phạt nhau. Khó khăn tài chính ngày càng nghiêm trọng, trong khi giá "vàng đen" tăng phi mã vì thiếu nguồn cung…

Thống đốc BoC cân nhắc tăng lãi suất.
Thống đốc BoC cân nhắc tăng lãi suất.

1 Quan hệ Nga-Mỹ đang rơi xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành luật chấm dứt quan hệ thương mại bình thường với Nga, trong bối cảnh xung đột Ukraine vẫn tiếp diễn. Việc ký ban hành luật sẽ mở đường cho Mỹ tăng thuế nhập khẩu. Các chuyên gia cho rằng thuế quan của Mỹ đối với các sản phẩm của Nga sẽ tăng từ 3% lên trung bình khoảng 30%. Động thái trên được đưa ra sau khi Mỹ, Nhật Bản và các nước khác trong Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) hồi tháng trước nhất trí thực hiện các bước để tiến tới tước quy chế "tối huệ quốc" của Nga. Trước đây, với quy chế này, Moscow được hưởng mức thuế thấp, cũng như các lợi ích khác khi là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Tuy nhiên, Tổng thống Vladimir Putin khẳng định các nước phương Tây không thể cô lập Nga. Nước Nga sẽ không tách mình khỏi phần còn lại của thế giới và sẵn sàng hợp tác với tất cả đối tác mong muốn làm việc với Moscow. Tổng thống Putin nhấn mạnh kể từ khi các nước phương Tây áp đặt một số biện pháp trừng phạt vào năm 2014, nhiều lĩnh vực kinh tế của Nga vốn bị ảnh hưởng do các lệnh trừng phạt, đã có bước tiến nhảy vọt. Ngành nông nghiệp đã trở thành một lĩnh vực sản xuất công nghệ cao với kim ngạch xuất khẩu vượt cả doanh thu bán vũ khí.

Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) đứng trước áp lực đối phó với nền kinh tế quá nóng. Thống đốc BoC vẫn đang thực hiện cách tiếp cận thắt chặt chính sách tiền tệ theo từng bước và thay đổi đòn bẩy chính sách một cách thận trọng. Nhưng với áp lực lạm phát và cuộc xung đột Nga-Ukraine khiến giá năng lượng và thực phẩm tăng vọt, BoC dường như đang sẵn sàng đẩy lãi suất của Canada lên một cách mạnh mẽ.

BoC đã bắt đầu chu kỳ tăng lãi suất vào tháng trước, với lãi suất chủ chốt được nâng từ 0,25% lên 0,5%. Giới quan sát dự báo rằng BoC sẽ sớm tăng lãi suất thêm nửa điểm phần trăm, thay vì mức tăng 0,25 điểm phần trăm như thông thường, ghi dấu lần tăng lãi suất với tốc độ mạnh nhất trong hơn hai thập niên. Các nhà phân tích dự báo BoC sẽ đẩy lãi suất lên trên mức trước đại dịch là 1,75% vào cuối năm nay để chống lạm phát-vốn đã vọt lên mức cao nhất trong ba thập niên là 5,7% vào tháng 2/2022.

Sri Lanka chính thức tuyên bố không còn khả năng thanh toán số nợ nước ngoài trị giá 51 tỷ USD. Bộ Tài chính Sri Lanka cho biết các chủ nợ, bao gồm các chính phủ nước ngoài, được quyền vốn hóa tiền lãi đến hạn từ ngày 12/4, hoặc lựa chọn nhận thanh toán bằng đồng rupee của Sri Lanka. Thông báo nêu rõ: Biện pháp khẩn cấp này là phương án cuối cùng để ngăn tình hình tài chính của quốc gia này xấu đi và nhằm bảo đảm công bằng cho mọi chủ nợ.

Thống đốc Ngân hàng trung ương Sri Lanka cho biết, nước này sẽ tạm dừng thanh toán các khoản nợ nước ngoài để tiến hành tái cơ cấu nợ và tránh vỡ nợ. Sri Lanka đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ năm 1948 do thiếu ngoại tệ trầm trọng để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu, trong đó có nhiêu liệu. Giữa lúc khủng hoảng leo thang, toàn bộ 26 bộ trưởng trong Chính phủ Sri Lanka đã từ chức.

Áp lực nặng nề -0
 Nhiều nước kêu gọi OPEC tăng nguồn cung dầu mỏ. 

Thế giới đang đứng trước nguy cơ thiếu năng lượng khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) khẳng định: Không thể bù đắp được lượng dầu thiếu hụt, do các biện pháp trừng phạt Nga sẽ gây gián đoạn nguồn cung dầu mỏ nghiêm trọng. Phát biểu tại cuộc họp giữa các quan chức Liên minh châu Âu (EU) và đại diện OPEC tại Vienna (Áo), Tổng Thư ký OPEC lo ngại mỗi ngày thế giới có thể mất hơn bảy triệu thùng dầu mỏ và các nhiên liệu lỏng khác từ Nga do các biện pháp trừng phạt.

Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh nhiều nước kêu gọi OPEC tăng nguồn cung dầu mỏ và EU cân nhắc khả năng áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ của Nga. EU một lần nữa kêu gọi các nước sản xuất dầu mỏ sớm tăng nguồn cung nhằm giúp hạ nhiệt giá dầu đang tăng vọt. EU cho rằng OPEC có khả năng tăng sản lượng khai thác và có trách nhiệm bảo đảm ổn định thị trường dầu mỏ. Hiện giá dầu đã tăng lên mức cao nhất trong 14 năm kéo theo giá hàng hóa tăng vọt tại nhiều nước.