Xà lách và lợn biển

Lợn biển vốn được xem như mắt xích quan trọng giúp duy trì tính cân bằng, tạo nên sự đa dạng của thảm thực vật trong đại dương. Bởi vậy, cứ mỗi khi chúng gặp vấn đề về sức khỏe, vùng nước nơi đó chắc chắn bị ảnh hưởng bởi sự ô nhiễm.

Xà lách và lợn biển

Trong cuộc họp báo được tổ chức vào cuối tháng hai tại bang Florida (Mỹ), các nhà chức trách thông báo sẽ tăng lượng rau xà lách "đổ" xuống biển hằng tuần lên đến hơn chín tấn. Đây là cố gắng mới nhất trong một loạt các nỗ lực nhằm ngăn chặn nạn đói vốn đang giết chết hàng trăm chú lợn biển mỗi năm. 

Chỉ riêng trong năm 2021, bang Florida phát hiện 841 con lợn biển tử vong. Ba tháng đầu năm 2022, đã có hơn 300 cá thể bị chết. Thông qua nhiều chiến dịch cứu hộ lớn được Ủy ban Bảo tồn cá và động vật hoang dã Mỹ (FWS) phát động, những trường hợp lợn biển quá ốm yếu, không thể sinh sống trong tự nhiên (do bị thương hay bị đói...) sẽ được đưa đến một hồ nuôi để hồi phục. Tại đây, xà lách romaine được phát hiện như món ăn thay thế khoái khẩu của lợn biển.

Xà lách và lợn biển -0

Theo các nhà khoa học, hiện tượng "thủy triều đỏ" (tảo nở hoa) xảy ra trong các đầm phá tại bang Florida suốt nhiều năm trở lại đây đã giết chết thảm cỏ dưới đáy đại dương. Diện tích thảm cỏ đã giảm đi gần 200 km2 so năm 2009, khiến cho đàn lợn biển 7.500 con ở địa phương này không giữ được nguồn thức ăn chính quý giá. Bên cạnh đó, sự rò rỉ các chất thải độc hại vào vịnh Tampa từ nhà máy phân bón Piney Point, cũng góp phần gây nhiễm độc nguồn nước.

Chương trình cho lợn biển ăn bắt đầu từ năm 2021 và dự kiến tiếp tục đến hết tháng 3/2022. Tuy nhiên, việc đổ xuống biển hàng tấn rau xà lách không phải kế hoạch lâu dài để phục hồi quần thể của động vật này. Theo cựu Thống đốc bang Florida Bob Graham, việc FWS sớm đưa lợn biển ra khỏi danh sách các loài nguy cấp, trước sự phản đối của các nhà khoa học và hàng nghìn người Mỹ khiến tương lai của loài này không an toàn và thực tế có thể còn tồi tệ hơn nhiều. FWS cần nhận thức được sai lầm này và đề xuất tăng cường tài trợ liên bang nhằm bảo vệ lợn biển.

Cũng trong nỗ lực nhằm bảo vệ loài động vật to lớn này, nhóm nghiên cứu đến từ Trường đại học Queensland đã sử dụng công nghệ Machine learning để tạo ra thiết bị dò tự động tìm kiếm và phát hiện ra các cá thể lợn biển trong những bức ảnh về đại dương. Thông qua việc liên tục bổ sung các thuật toán nâng cao, các nhà khoa học có thể ước lượng được kích cỡ các quần thể lợn biển, theo dõi cách thức di chuyển của chúng nhằm phục vụ các hoạt động nghiên cứu và bảo tồn.