"Đánh thức truyền thống"... được mùa!

Tiếp nối thành công của chương trình Tuần lễ thiết kế Việt Nam - Vietnam Design Week 2020, cuộc thi Designed by Vietnam năm nay tiếp tục được tổ chức với chủ đề "Đánh thức truyền thống". Bất ngờ với chính ban tổ chức, đó là số lượng thí sinh tăng gấp ba lần so mùa trước. Đặc biệt, nhiều nhà thiết kế trẻ đã dám thử sức mình ở một chủ đề không hề đơn giản.

Bản thiết kế Gió đánh cành tre của tác giả Nguyễn Huỳnh Nam.
Bản thiết kế Gió đánh cành tre của tác giả Nguyễn Huỳnh Nam.

Mở rộng biên độ sáng tạo

Cuộc thi Designed by Vietnam 2021 được phát động từ ngày 17/7, chỉ trong thời gian hơn một tháng, đã nhận được 183 bài dự thi, thuộc năm lĩnh vực: thiết kế truyền thông, đồ nội thất, vật dụng và đồ trang trí, trang phục, không gian công cộng. Hội đồng Giám khảo đã lựa chọn được TOP25+5 gồm 25 thiết kế ở năm lĩnh vực chính và năm thiết kế sản phẩm lưu niệm về Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Hiện nay, các bài dự thi đã trải qua giai đoạn hoàn thiện, bắt đầu bước vào giai đoạn bình chọn online trên website vietnamdesignweek.com từ ngày 1/11 đến 30/11.

Theo nhận định của Ban Giám khảo, các tác phẩm dự thi năm nay tăng lên cả về số lượng lẫn chất lượng, đa dạng từ lĩnh vực cho tới chất liệu sử dụng. Hình thức, phương thức trình bày được đầu tư hơn. Cách lồng ghép các yếu tố truyền thống vừa thận trọng vừa sáng tạo và ngẫu hứng hơn. Vậy nên, để lựa chọn ra được các tác phẩm lọt top 25, với chị Vũ Thảo - Nhà sáng lập và Giám đốc thiết kế tại Kilomet109 nói riêng, và tất cả thành viên Ban Giám khảo nói chung, thật sự là thử thách, bởi loại ai cũng cảm thấy tiếc! "Các bạn ấy quan tâm đến truyền thống theo một cách đương đại, đầy tự do!", chị Thảo tâm đắc.

Quả vậy, top 25+ chính là hội tụ của sự đa dạng, những mảnh gốm vỡ, tưởng chừng không còn giá trị ở làng gốm Bát Tràng có thể được tái sử dụng thành vật liệu để tạo nên bộ tranh gốm lắp ghép Khứ hồi (tác giả: Lưu Như Ngọc). Hay để giữ gìn trọn vẹn "câu chuyện" về cây đa làng, ĐA được tác giả Hồ Trương Thanh Trúc xây dựng như một góc nghỉ chân nhỏ cho du khách. Thiết kế này có thể được lắp đặt tại các nơi công cộng như sân bay, trung tâm thương mại, tạo nên cảm xúc về một ký ức bình dị, về "nhà". Đối với khách nước ngoài, trạm nghỉ ĐA sẽ khơi dậy sự tò mò và muốn khám phá, từ đó họ sẽ hiểu và góp phần truyền tải đi thông điệp về một hình ảnh truyền thống Việt Nam. Cho tới chiếc quạt điện Gió đánh cành tre (tác giả: Nguyễn Huỳnh Nam), hoàn toàn được làm bằng tre, được thiết kế tỉ mỉ, vừa mộc mạc lại sang trọng,…

Có thể nói, cách ra đề thi của Designed by Vietnam năm nay phần nào đã giải tỏa áp lực, mang khái niệm truyền thống trở nên gần gũi hơn, mở rộng sân chơi cho các thí sinh. Cụ thể yêu cầu về mẫu thiết kế dự thi: tác phẩm thể hiện các nét đặc trưng, giá trị truyền thống của Việt Nam; sử dụng chất liệu truyền thống, bản địa. Khuyến khích các mẫu thiết kế ứng dụng hoặc phát triển từ các nghề thủ công truyền thống (bao gồm cả kỹ thuật, chất liệu và thẩm mỹ). Thật thú vị, khi những sản phẩm như bánh, trà dựa trên những loại đặc sản địa phương, cũng được các thí sinh phát triển, trở thành ý tưởng dự thi. Để chúng ta có thể dần cảm nhận được "Designed by Vietnam" từ mùi hương của đất, từ hơi thở của không khí, từ câu ca dao tục ngữ, từ truyện cổ và lời ví,… là các góc cạnh đặc sắc và đa dạng của cuộc sống từ vùng cao tới làng quê ra thành thị, tất cả quyện thành hai chữ "Việt Nam".

Tiếp sức cho những dặm dài phía trước

Không chỉ có tác phẩm lọt top 25+, em Ngô Thanh Thảo (sinh năm 1998), sinh viên Khoa Thiết kế sản phẩm, Trường đại học Văn Lang TP Hồ Chí Minh, còn là thí sinh nằm trong top những người tham gia trẻ nhất. Thảo mang đến cuộc thi bộ cờ mang tên ETHNIC VN, với quân cờ được cách điệu từ hình tượng phụ nữ dân tộc thiểu số cùng trang phục truyền thống. Xuất phát từ niềm đam mê đồ gốm và các sản phẩm thủ công nên toàn bộ phần quân cờ Thảo đã tự hoàn thiện nhờ kinh nghiệm hơn ba năm nặn gốm. Phần bàn cờ hình tròn, bằng gỗ nhằm liên tưởng đến sự gắn kết của các dân tộc anh em. Tuy nhiên, để hoàn thiện được tác phẩm, là nhờ vào những góp ý quý báu từ thành viên Ban Giám khảo - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft) Lê Bá Ngọc. "Em cảm thấy mình thật sự may mắn. Giờ em đang cố gắng hoàn thiện phần bao bì để tạo được tác phẩm hoàn chỉnh trưng bày trong ngày triển lãm chính thức", thí sinh nhỏ tuổi Ngô Thanh Thảo, chia sẻ.

Designed by Vietnam không chỉ là một cuộc thi, đối với cả thí sinh lẫn Hội đồng giám khảo, đây còn là một cơ hội, một địa điểm hội tụ, nơi gặp gỡ của những ý tưởng táo bạo, gìn giữ và phát triển các giá trị truyền thống. Trần Thảo Miên, giải nhất cuộc thi 2020, với chủ đề "Tái sinh", trở lại Tuần lễ thiết kế Việt Nam với vai trò là khách mời, khi xem qua các tác phẩm dự thi năm nay, cũng không khỏi hoài niệm: "Năm ngoái, tuy nói là tham gia dự thi, nhưng những thí sinh như mình lại nhận được rất nhiều sự hỗ trợ, hướng dẫn của ban giám khảo, ban cố vấn, từ ứng dụng chất liệu nào cho phù hợp, đặt để vào vị trí nào mới đúng..., đều được mọi người góp ý tận tình!".

Vậy nên, với Miên, đây như "một nền tảng, để những người cùng tìm hiểu về văn hóa truyền thống được gặp nhau, chia sẻ đam mê. Quan trọng hơn, còn là nơi để những người trẻ học hỏi được rất nhiều từ những bậc tiền bối, cha chú am hiểu về lịch sử, về văn hóa truyền thống…".

Là đồng Trưởng ban Tổ chức, một trong những thành viên tạo ra nền tảng đó, KTS Lê Việt Hà kỳ vọng: "Chúng ta hoàn toàn có thể đặt niềm tin và dành thật nhiều cơ hội, điều kiện để thế hệ trẻ gánh vác trách nhiệm, thể hiện sức sáng tạo của mình cho nhiều vấn đề của đời sống hiện nay, và cả tương lai. Một ngày nào đó, sản phẩm "Designed by Vietnam" hàm chứa văn hóa - trí tuệ Việt Nam sẽ đến tận tay của bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu trên thế giới!".