Thế giới gồng mình đối phó “bão” lạm phát

“Cơn bão” lạm phát đang tràn qua nhiều khu vực trên thế giới, từ châu Mỹ đến châu Âu. Lạm phát ập tới trong khi nhiều quốc gia đang căng mình đối phó dịch Covid-19 và bệnh đậu mùa khỉ, khiến cuộc sống của người dân càng thêm áp lực.
0:00 / 0:00
0:00
Giá cả hàng hóa đang tăng mạnh tại Argentina. Ảnh: GETTY IMAGES
Giá cả hàng hóa đang tăng mạnh tại Argentina. Ảnh: GETTY IMAGES

Lạm phát cao ở châu Mỹ

Viện thống kê và điều tra quốc gia Argentina (INDEC) cho biết, tỷ lệ lạm phát tại nước này trong tháng 7 đã tăng tới 7,4% so tháng 6. Đây là mức tăng lạm phát cao nhất trong 20 năm qua tại Argentina. Tổng thống Argentina Alberto Fernández bày tỏ lo ngại trước việc giá cả trong nước tăng mạnh, đồng thời cam kết đẩy mạnh hơn nữa các biện pháp ngăn chặn đà tăng của lạm phát. Ông Fernández cho biết, Chính phủ Argentina đang tích cực đàm phán về vấn đề tiền lương của người lao động với lãnh đạo các doanh nghiệp và nghiệp đoàn lớn, với mục đích thúc đẩy biện pháp “tiền lương đánh bại lạm phát”.

Tân Bộ trưởng Kinh tế Argentina Sergio Massa thừa nhận, tháng 7 và 8 là hai tháng khó khăn nhất trong năm 2022 liên quan lạm phát. Tuy nhiên, Bộ trưởng Sergio Massa dự báo, đà lạm phát sẽ chững lại từ tháng 9 nhờ các biện pháp của chính phủ nhằm ổn định các biến số kinh tế vĩ mô và xoa dịu tâm lý lo lắng trên thị trường như kiềm chế thâm hụt tài khóa, thắt chặt tiền tệ, gia tăng dự trữ ngoại tệ.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Mexico công bố một đợt tăng mạnh lãi suất nhằm kiềm chế mức lạm phát cao nhất trong hơn hai thập kỷ ở quốc gia Bắc Mỹ. Lãi suất liên ngân hàng được nâng thêm 0,75 điểm % lên mức 8,5%. Đây là lần tăng lãi suất thứ 10 liên tiếp ở Mexico và là lần thứ hai có mức tăng cao như vậy.

Ngân hàng Trung ương Mexico nhận định, đại dịch Covid-19 dai dẳng và cuộc khủng hoảng ở Ukraine sẽ tiếp tục ảnh hưởng xấu tới tình hình lạm phát ở nước này. Theo số liệu chính thức, lạm phát ở Mexico - nền kinh tế lớn thứ hai ở Mỹ latin, đã lên tới 8,15% so cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất kể từ năm 2000 và cao hơn nhiều mục tiêu của ngân hàng trung ương là khoảng 3%. Cơn bão lạm phát cũng khiến một quốc gia Mỹ latin khác là Peru phải tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản lên 6,5%.

Nước Anh trong vòng xoáy lạm phát

Người dân Anh cũng đang lo lắng trước tình trạng lạm phát tăng cao, dự báo lên mức đỉnh kể từ năm 1980, gây áp lực lớn tới đời sống thường ngày của họ. Giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm và năng lượng đều tăng chóng mặt. Theo kết quả một cuộc khảo sát của hãng nghiên cứu thị trường NielsenIQ, có chín trong số 10 người Anh được hỏi ý kiến cho biết họ ngày càng phải tính toán và cân nhắc khi mua thực phẩm. Việc người dân Anh tiết kiệm chi tiêu khiến doanh số bán hàng tại các siêu thị giảm 4,1% so cùng kỳ năm ngoái. Doanh số các mặt hàng thực phẩm thiết yếu như thịt, cá và gia cầm giảm 9,4%, trong khi các mặt hàng gia dụng giảm 8,1%, hàng tạp hóa đóng gói giảm 6,4%.

Công ty nghiên cứu Cornwall Insight cho biết, giá trần nhiên liệu của Anh dự báo sẽ tăng lên hơn 4.200 bảng (5.100 USD)/năm vào tháng 1/2023, đạt tỷ lệ tăng 230% so năm ngoái, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng phí sinh hoạt tại quốc gia châu Âu này. Mức trần đối với các hợp đồng mua năng lượng của các gia đình ước tính tăng 82% trong tháng 10, nâng tổng hóa đơn thanh toán khí đốt và điện trung bình lên 3.582 bảng, do giá bán buôn tăng và những thay đổi trong cách tính toán các mức trần. Mức này dự báo sẽ tăng lên 4.266 bảng/năm vào tháng 1/2023 so dự báo trước đây là 3.616 bảng.

Hạt Suffolk của nước Anh vốn được thiên nhiên ưu đãi với đất đai trù phú, nhưng người dân đang lao đao do hóa đơn thanh toán tiền điện của các nông trại ở hạt này ước tính tăng gấp bốn lần trong năm nay. Ngoài ra, giá dầu mỏ tăng đã đẩy giá phân bón tăng gấp ba lần và chi phí vận hành máy kéo, máy gặt đập tăng gấp đôi.