Ai Cập: Bệnh mới thuốc cũ

NDO -

NDĐT-Chỉ trong vòng hơn một tháng, tính từ thời điểm tổng thống Mohamed Morsi bị bắt (ngày 3-7-2013), những gì diễn ra ở Ai Cập nhanh và phức tạp tới mức khiến cộng đồng quốc tế phải trải qua hết bất ngờ này tới bất ngờ khác.

Ai Cập: Bệnh mới thuốc cũ

Tình trạng bạo lực tại đất nước Kim tự tháp ngày càng có nguy cơ phát triển thành một cuộc nội chiến. Con số 750 người thiệt mạng và hơn 4000 người bị thương (chỉ tính từ ngày 14 đến 18-8-2013) của cả hai phía- Những người anh em Hồi giáo lẫn lực lượng an ninh chính phủ- đủ có thể khẳng định rằng, vào thời điểm hiện tại, đối thoại là điều rất khó xảy ra.

Ngay cả khi quân đội có thể lập lại trật tự bằng các biện pháp mạnh thì cũng chỉ là giải pháp tình thế. Đảng Tự do và Công lý dù có bị giải tán đi nữa thì chính phủ cũng không thể trục xuất khỏi Ai Cập tất cả các thành viên của lực lượng này, đơn giản bởi trước hết, họ vẫn là những công dân hợp pháp của đất nước này. Thời gian sẽ lại giúp họ hồi sinh, đương nhiên dưới một vỏ bọc mới, và khả năng Ai Cập lại rơi vào vòng xoáy bất ổn kéo dài là rất cao. Khi mà những yếu tố bên trong trở nên bất lực thì dĩ nhiên người ta kỳ vọng vào những yếu tố bên ngoài sẽ giúp ngăn chặn được một kịch bản Syria thứ hai.

Tuy nhiên, những phản ứng của cộng đồng quốc tế trong suốt tuần qua lại chưa đem đến một hy vọng nào, thậm chí còn tạo ra một cảm giác thực sự bi quan.

Kể từ cuối năm 2010, Mùa Xuân Ả Rập đã tạo ra những hiệu ứng tương tự ở hầu hết những nơi nó tràn qua. Những cuộc xuống đường biểu tình hòa bình rồi mau chóng chuyển thành bạo lực, từ những đòi hỏi sinh nhai rồi chuyển thành xung đột tôn giáo, sắc tộc và cuối cùng là đòi thay đổi chế độ v.v.

Phương thuốc được cộng đồng quốc tế, trước hết là từ các nước phương Tây, sử dụng tại Bắc Phi – Trung Đông cũng vì thế mà chỉ có một loại: bắt đầu từ lên án qua các phương tiện truyền thông, tiếp theo là các lệnh trừng phạt, và rồi cuối cùng là can thiệp trực tiếp bằng vũ lực. Có lẽ trong khu vực cũng chỉ tại Syria, nơi mà mâu thuẫn giữa các lực lượng bên ngoài, trước hết là giữa nhóm P5 của Hội Đồng Bảo An, không cho phép một hành động can thiệp thì phương thuốc này mới không được sử dụng hết liều lượng. Kết quả là cuộc nội chiến tàn khốc tại Syria kéo dài suốt hơn ba năm qua và vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.

Tuy cũng có những hiện tượng như thời mùa xuân Ả Rập năm 2011 (lật đổ Hosni Mubarack), nhưng xung đột tại Ai Cập lần này lại đang cho thấy những dấu hiệu của một căn bệnh mới.

Thứ nhất, sự lộn xộn lần này tại Ai Cập không phải từ dưới lên mà bắt đầu từ trên xuống, thông qua việc loại bỏ Tổng thống đương nhiệm Morsi. Tình hình còn trở nên phức tạp hơn với việc ông Morsi bị bắt cho đến nay chưa biết bị giam tại đâu.

Thứ hai, xung đột lần này khó có thể nói vì lý do tôn giáo hay sắc tộc, bởi cả hai bên chưa một lần viện dẫn vấn đề tín ngưỡng. Bằng chứng rõ nét hơn cả là ngày 17-8, lực lượng an ninh (cũng là những người Hồi giáo) đã dùng các biện pháp mạnh để chiếm đền thờ al – Fath (thủ đô Cairo), nơi có nhiều người ủng hộ ông Morsi cố thủ. Xung đột đã khiến Thánh đường tôn nghiêm, giờ đây cũng không còn ý nghĩa quá lớn. Đề nghị giải tán đảng Tự do và Công lý của Thủ tướng lâm thời Hazem el-Beblawi cho thấy đậm màu sắc quyền lực của xung đột lần này.

Thứ ba, những toan tính riêng tư của mỗi nước khiến sự chia rẽ trong cộng đồng quốc tế trở nên sâu sắc và rộng khắp hơn rất nhiều.

Trong vấn đề Syria, mâu thuẫn chủ yếu là giữa Mỹ, EU và các nước đồng minh Ả Rập một bên, với bên còn lại gồm chính quyền Bashar al-Assad, Nga và Trung Quốc. Đối với Ai Cập, ngoài những mâu thuẫn muôn thuở trong khuôn khổ HĐBA thì trong nội bộ thế giới Ả rập cũng có sự phân hóa thành hai phe rất rõ ràng, tiêu biểu là sự đối lập quan điểm giữa hai đồng minh của Mỹ là Ả rập Xê út và Quatar. Có lẽ đặc biệt nhất lần này là việc Mỹ và EU lại không cho hành động của quân đội Ai Cập là một cuộc đảo chính, điều chắc chắn không thể có nếu chính quyền của ông Morsi chiếm được cảm tình của phương Tây.

Dù sao thì trước thảm cảnh đẫm máu trong suốt tuần qua, cuối cùng cũng có một sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế khi hầu hết các nước đều lên án những hành động bạo lực đang xảy ra tại Ai Cập. Đây cũng là điều hiếm gặp trong suốt ba năm qua tại Bắc Phi – Trung Đông.

Tuy nhiên, những phản ứng của cộng đồng quốc tế dường như vẫn theo một kịch bản “chẳng muốn mất lòng bên nào”. Các phương tiện truyền thông ở nhiều nước được huy động để phát đi những thông điệp lên án các cuộc xung đột bạo lực tại Ai Cập. Điển hình là thông cáo của phiên họp bất thường của HĐBA tối hôm 15-8-2013: “Các thành viên của HĐBA bày tỏ sự chia sẻ và đồng cảm với gia đình các nạn nhân và lấy làm tiếc về những thiệt hại về người trong các vụ xung đột tại Ai Cập. Quan điểm của HĐBA là Ai Cập nên chấm dứt bạo lực và các bên tại nước này nên kiềm chế tối đa, qua đó thúc đẩy tiến trình tái hòa giải dân tộc tại Ai Cập”.

Nếu xung đột vẫn tiếp tục leo thang, rất có thể một số biện pháp trừng phạt sẽ được đưa ra trong thời gian tới. Nhưng có lẽ phương thuốc cổ truyền sẽ chỉ dừng lại ở mức liều lượng như vậy. Bởi lẽ, những toan tính nhằm loại bỏ Những người anh em Hồi giáo giờ lại trở thành rào cản khiến Mỹ và EU không thể có những hành động mạnh tay đối với lực lượng quân đội mà họ đã ủng hộ. Thậm chí, nếu như có muốn hành xử như đã từng làm với H. Mubarack thì các nước phương Tây cũng buộc phải tính toán kỹ bởi bài học còn mới từ vụ Morsi thắng cử.

Tất nhiên, mức độ phản ứng của cộng đồng quốc tế trước tình hình tại Ai Cập là có thể thông cảm bởi cũng cần thêm thời gian. Tuy vậy, nếu cứ tiếp tục cách thức như đã từng làm với các nước trong khu vực, điển hình như với Lybia hay Syria, thì rõ ràng khả năng tái lập hòa bình cho Ai Cập sẽ còn rất xa vời. Nếu coi vụ việc tại Ai Cập lần này như một phiên bản 2.0 của mùa Xuân Ả rập, việc xuống đường biểu tình như đã thành một phản xạ có điều kiện, thì cộng đồng quốc tế cũng cần phải hết sức đề phòng khả năng kháng thuốc của căn bệnh mới mà cũ này.

Trong bối cảnh hiện tại, chính phủ Ai Cập, cho dù chỉ là lâm thời, nhưng vẫn có thể tạo ra những giải pháp đột phá, trước hết để sinh mạng người dân không tiếp tục bị cướp đi oan uổng và đặc biệt là tránh được sự can thiệp từ bên ngoài.

Một trong những giải pháp đầu tiên đó có thể là cần công khai vụ Morsi, song song với việc thành lập một chính phủ dân sự có sự tham gia của nhiều thành phần xã hội Ai Cập.

Xét cho cùng, xung đột tại Ai Cập đang thực sự là liều thuốc thử đối với tất cả các bên mong muốn hòa bình trở lại nơi đây.