Thế giới chuyển đổi vì phát triển bền vững

XU HƯỚNG TĂNG TỐC CHUYỂN ĐỔI

Năm 2023, thế giới bước vào chu kỳ tăng trưởng kinh tế thấp, sau khi đại dịch Covid-19 chấm dứt giai đoạn phát triển mạnh mẽ của kinh tế toàn cầu. Sau ba năm đóng cửa để chống dịch, Trung Quốc khởi động lại nền kinh tế, mang đến hy vọng lớn cho tiến trình phục hồi kinh tế thế giới. Tuy nhiên, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã chứng kiến sự giảm tốc rõ rệt, xuất khẩu giảm mạnh. Kinh tế Mỹ và khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cũng trì trệ, song chỉ số tích cực về việc làm tại Mỹ và áp lực về lạm phát giảm đã giúp nền kinh tế số một thế giới và châu Âu tránh được kịch bản suy thoái. Các nền kinh tế mới nổi, trừ Ấn Độ, cũng rơi vào chu kỳ tăng trưởng thấp trong năm qua.

Xu hướng tăng trưởng thấp và chậm chưa dừng lại, song kinh tế toàn cầu năm 2024 được dự báo khả quan hơn. Xu hướng chuyển đổi toàn cầu về tăng trưởng, năng lượng, lương thực... ngày càng rõ khi những khái niệm, cụm từ như chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, năng lượng sạch... xuất hiện thường xuyên tại các hội nghị quốc tế, trong cam kết và hành động của các quốc gia, hướng tới các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG).

Sau khi ra mắt, ứng dụng ChatGPT tăng tốc nhanh chóng. Ảnh: REUTERS

Sau khi ra mắt, ứng dụng ChatGPT tăng tốc nhanh chóng. Ảnh: REUTERS

Tuy nhiên, khó khăn kinh tế không cản trở sự phát triển như vũ bão của khoa học-công nghệ, sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI) với màn ra mắt và tăng tốc chóng mặt của ứng dụng ChatGPT. Các cường quốc, các nước có trình độ khoa học-công nghệ phát triển dẫn đầu cuộc đua phát triển AI, công nghệ mở ra nhiều cơ hội sáng tạo và hứa hẹn đem lại thịnh vượng cho con người, song cũng đặt ra nhiều thách thức. Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu đầu tiên về an toàn AI tại Anh đã thông qua Tuyên bố Bletchley ghi nhận đồng thuận của thế giới về phối hợp trong phát triển và ứng dụng công nghệ tiên tiến này một cách an toàn, có trách nhiệm. Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số của Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực, cùng các biện pháp siết chặt quản lý các nền tảng trực tuyến, dù gây tranh cãi, song thúc đẩy tính trách nhiệm xã hội cao hơn, trong bối cảnh tin sai, tin giả tràn lan trên các mạng xã hội.

Khó khăn kinh tế không cản trở sự phát triển như vũ bão của khoa học-công nghệ, sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI). Ảnh minh họa: REUTERS

Khó khăn kinh tế không cản trở sự phát triển như vũ bão của khoa học-công nghệ, sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI). Ảnh minh họa: REUTERS

YÊU CẦU CẤP THIẾT TĂNG CƯỜNG HỢP TÁC

Tình hình ảm đạm tại các nền kinh tế phát triển thúc đẩy xu hướng tiếp tục chuyển dịch trọng tâm tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương, rộng hơn là Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nơi đồng thời là địa bàn cạnh tranh gay gắt giữa các cường quốc. Năm 2023 chứng kiến không chỉ “cuộc so tài” của hai siêu cường là Mỹ và Trung Quốc, mà cả cuộc đua các “cường quốc tầm trung” giành ảnh hưởng tại khu vực. Xu hướng Mỹ và Trung Quốc vừa hợp tác, vừa cạnh tranh sẽ tiếp tục trong năm 2024, nhất là khi nước Mỹ bước vào kỳ bầu cử quan trọng.

Năm 2024, cạnh tranh Nga-phương Tây được cho là sẽ duy trì mức độ của năm ngoái, khi cuộc xung đột ở Ukraine chưa tìm thấy lối thoát, trong khi NATO hoàn tất thủ tục kết nạp thành viên thứ 31 cho Phần Lan và sẵn sàng chào đón Thụy Điển gia nhập. Năm 2023, Nga và Mỹ chưa thể khởi động đối thoại liên quan các hiệp ước an ninh và kiểm soát vũ khí toàn cầu, trong khi cả Mỹ và EU đều áp đặt các đợt trừng phạt mới chống Nga.

Là điểm nóng xung đột mới, giao tranh giữa Israel và lực lượng Hamas tại Dải Gaza trong những tháng cuối năm 2023 gây đau thương, thiệt hại cho dân thường. Năm 2024, xung đột được dự báo giảm mức độ nguy hiểm, song tiến trình hòa bình Israel-Palestine dựa trên giải pháp hai nhà nước chưa chắc chắn đạt được đột phá nếu các bên và cộng đồng quốc tế không nỗ lực tìm mọi cách xây dựng nền hòa bình bền vững cho khu vực.

Các nhà lãnh đạo G7 tại Hội nghị cấp cao ở Nhật Bản. Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO NHẬT BẢN

Các nhà lãnh đạo G7 tại Hội nghị cấp cao ở Nhật Bản. Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO NHẬT BẢN

Châu Phi cũng bị đánh dấu là điểm nóng bất ổn trong bức tranh toàn cầu năm 2023, khi đảo chính quân sự xảy ra tại Niger và Gabon, kéo dài chuỗi chính biến tại khu vực Tây Phi. Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) nỗ lực can thiệp, cùng các lệnh trừng phạt nhằm vào các chính quyền quân sự, song tình hình bất ổn tại các nước Tây Phi vẫn chưa hạ nhiệt, dự báo kéo theo nhiều hệ lụy trong năm 2024.

Năm 2024, hợp tác quốc tế được dự báo sẽ tăng tốc với tiếng nói mạnh mẽ hơn từ các nước phương nam. Xu thế mở rộng của các tổ chức khu vực và quốc tế quan trọng trong năm qua đã phản ánh vai trò lớn hơn của các nước đang phát triển, khi Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cấp tư cách “thành viên thường trực” cho Liên minh châu Phi (AU), Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) mở rộng khối bằng quyết định kết nạp thêm các nền kinh tế đang phát triển là Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Lời nhắc nhở về “thế giới cận kề nguy cơ không thể đảo ngược cuộc khủng hoảng khí hậu”, về “các mục tiêu phát triển bền vững đang lâm nguy” được Tổng Thư ký Liên hợp quốc lặp lại nhiều lần. Tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28), thỏa thuận đầu tiên về giảm và dần loại bỏ nhiên liệu hóa thạch được thông qua; quỹ đền bù thiệt hại do biến đổi khí hậu chính thức được khởi động; các nước giàu cam kết tăng hỗ trợ tài chính giúp các nước nghèo... Những cam kết này được kỳ vọng biến thành hành động trong năm 2024, đưa lộ trình thực hiện SDG trở lại đúng hướng.

Các nhà lãnh đạo tiến vào trung tâm hội nghị tại Expo City Dubai, thành phố Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) để tham dự COP28. Ảnh: TTXVN

Các nhà lãnh đạo tiến vào trung tâm hội nghị tại Expo City Dubai, thành phố Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) để tham dự COP28. Ảnh: TTXVN

DẤU ẤN BẢN SẮC "CÂY TRE VIỆT NAM"

Năm 2023 ghi đậm những dấu ấn đối ngoại mang bản sắc “cây tre Việt Nam, gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”, qua đó nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước.

Chiều 12/12/2023, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng thân mật mời Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình dự Tiệc trà nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Chiều 12/12/2023, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng thân mật mời Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình dự Tiệc trà nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Dấu mốc kỷ niệm nửa thế kỷ quan hệ ngoại giao với một loạt quốc gia đánh dấu những thành quả hợp tác tốt đẹp, là nền tảng mở ra chặng đường hợp tác mới, thực chất và hiệu quả hơn. Nổi bật là, các mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam với Lào, Campuchia tiếp tục phát triển sâu sắc và bền vững. Việt Nam và Trung Quốc đánh dấu giai đoạn mới của quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện bằng tuyên bố nâng tầm quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược. Việt Nam và Mỹ thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Việt Nam và Nhật Bản nâng tầm quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới.

Item 1 of 2

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cùng xem các văn bản hợp tác được ký kết. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cùng xem các văn bản hợp tác được ký kết. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Ngày 10/9/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Lễ đón Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam. Ảnh: DUY LINH

Ngày 10/9/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Lễ đón Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam. Ảnh: DUY LINH

Bên cạnh những thành quả to lớn của ngoại giao song phương, ngoại giao đa phương và kết quả đóng góp vào công việc chung của cộng đồng quốc tế tiếp tục làm nổi bật hình ảnh Việt Nam tham gia chủ động và tích cực, đóng góp thiết thực và hiệu quả trong các vấn đề quốc tế và giải quyết thách thức toàn cầu. Việt Nam đã phát huy tốt vai trò tại nhiều tổ chức, diễn đàn đa phương quan trọng như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC..., tại những cơ quan, tổ chức quốc tế như Đại hội đồng Liên hợp quốc, Hội đồng Nhân quyền, Đại hội đồng UNESCO, Ủy ban Di sản thế giới... và trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Những đề xuất, đóng góp của Việt Nam được hoan nghênh, dưới góc độ giải pháp từ một quốc gia đang phát triển, hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện và nỗ lực thực hiện các SDG của Liên hợp quốc, góp phần xây dựng cách tiếp cận tổng thể, cân bằng để giải quyết thách thức toàn cầu.

Trên hành trình thực hiện SDG, Việt Nam tiếp tục nhấn mạnh cam kết và hành động về chuyển đổi, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, năng lượng sạch...; khẳng định mục tiêu phát triển bền vững, đặt người dân là trọng tâm, động lực phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau; bảo đảm môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”. Năm 2023, Việt Nam cũng cử lực lượng tham gia cứu hộ, hỗ trợ nạn nhân động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, thể hiện tinh thần nhân văn, trách nhiệm với bạn bè và cộng đồng quốc tế.

Lực lượng cứu hộ, cứu nạn Quân đội nhân dân Việt Nam tìm kiếm, cứu trợ các nạn nhân trong trận động đất tại tỉnh Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: TTXVN

Lực lượng cứu hộ, cứu nạn Quân đội nhân dân Việt Nam tìm kiếm, cứu trợ các nạn nhân trong trận động đất tại tỉnh Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: TTXVN

Với mục tiêu, cam kết và hành động mạnh mẽ, Việt Nam bước vào năm mới 2024 với nỗ lực và niềm tin thành công, tiếp tục lan tỏa hình ảnh một Việt Nam độc lập, tự chủ, phát triển năng động, là bạn bè chân thành, đối tác tin cậy và thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres:

Tôi muốn cảm ơn Việt Nam về sự hợp tác và ủng hộ tuyệt vời dành cho Liên hợp quốc, đặc biệt trong hoạt động gìn giữ hòa bình, an ninh quốc tế, chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy quyền con người, cũng như cam kết mạnh mẽ thực hiện các SDG, hành động khí hậu, chuyển đổi năng lượng công bằng. Liên hợp quốc chia sẻ quan điểm của Việt Nam đề cao chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy phát triển bền vững và cải tổ thể chế tài chính quốc tế.

Nghiên cứu viên cao cấp, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc Pan Jin’e:

Việc nâng tầm quan hệ Trung Quốc-Việt Nam phù hợp quy luật lịch sử quan hệ hai nước, thuận theo yêu cầu phát triển của thời đại. Định vị mới quan hệ song phương đóng vai trò định hướng cho quan hệ hai Đảng, hai nước, để tăng tin cậy chính trị, đẩy mạnh hợp tác, tăng cường trao đổi kinh nghiệm quản trị đất nước.

Đại sứ Hoa Kỳ tại ASEAN Yohannes Abraham:

Hoa Kỳ và Việt Nam thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện là đưa quan hệ hai nước lên tầm cao nhất trong quan hệ ngoại giao. Đây là nền tảng cho hợp tác bền vững, cùng có lợi, cùng sẻ chia cơ hội và ứng phó thách thức toàn cầu. Việc hai nước nâng tầm quan hệ song phương góp phần thúc đẩy quan hệ Hoa Kỳ-ASEAN thêm sâu sắc.

Chuyên gia thương mại Einat Halevy Levin (Israel):

Việt Nam được biết đến là nơi có cơ hội kinh doanh tốt trong khu vực. Chính sách hiệu quả của Việt Nam tạo thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận môi trường kinh doanh trong nước. Ngoài cơ sở hạ tầng phát triển nhanh, Việt Nam sở hữu lực lượng lao động trẻ dồi dào, được đào tạo tốt, bắt nhịp nhanh trong môi trường làm việc năng động và biến đổi liên tục.

Tiến sĩ kinh tế Ruvislei González Saez (Cuba):

Trường phái đối ngoại đặc sắc và độc đáo mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam” mang lại cho Việt Nam vai trò ngày càng lớn trên trường quốc tế. Vị thế của Việt Nam ngày nay vượt trội so các quốc gia lớn hơn về mặt địa lý và kinh tế. Việt Nam là bạn và là đối tác tin cậy, tham gia tích cực vào các tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực.

Giáo sư danh dự Đại học Waseda (Nhật Bản) Shiraishi Masaya:

Việt Nam đóng vai trò tích cực với tư cách là chủ thể quan trọng trong ASEAN và là đối tác quan trọng của Nhật Bản. Với việc Việt Nam tiếp tục phát triển, sức mạnh quốc gia ngày càng được củng cố, tầm quan trọng của Việt Nam với Nhật Bản ngày càng tăng.

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva:

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động mạnh, nhiều rủi ro, kinh tế Việt Nam duy trì ổn định, tốc độ tăng trưởng khả quan. IMF ủng hộ mạnh mẽ và cam kết đồng hành cùng Việt Nam trong tiến trình phát triển.

Ngày xuất bản: 24/1/2024
Nội dung: SƠN NINH - THANH THỂ
Trình bày: HOÀNG HÀ