Thế “buộc bụng” khó tránh

Giá khí đốt tự nhiên của châu Âu đã tăng lên mức kỷ lục do lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung nhập khẩu từ Nga, buộc chính phủ nhiều nước châu Âu phải thực thi chính sách “thắt lưng buộc bụng” đối với sử dụng năng lượng, nhằm tránh một “mùa đông không khí đốt” đang tới gần.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: M.J.TAHERI
Biếm họa: M.J.TAHERI

Theo Reuters, giá khí đốt tại trung tâm giao dịch Title Transfer Facility (TTF) ở Hà Lan đã tăng lên mức hơn 320 euro/MWh. Giá mặt hàng này đã tăng đột biến trong những ngày gần đây do nguồn cung khí đốt của Nga qua tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) sang thị trường này bị gián đoạn. Trong khi đó, giá điện hợp đồng kỳ hạn một năm ở cả Pháp và Đức cũng tăng vọt giữa những lo ngại về một cuộc khủng hoảng năng lượng vào mùa đông.

Trao đổi với báo giới, nhà phân tích Susannah Streeter thuộc công ty dịch vụ đầu tư của Anh Hargreaves Lansdown nhận định, giá khí đốt dường như duy trì xu hướng đi lên và điều này sẽ càng khiến cuộc khủng hoảng năng lượng thêm tồi tệ. Nhiều nước đã lên kế hoạch tiết kiệm năng lượng, song các biện pháp cứng rắn hơn có thể phải được thực thi do trữ lượng khí đốt ngày càng cạn kiệt.

Ngày 25/8 vừa qua, Chính phủ Phần Lan đã tiết lộ chi tiết chiến dịch tiết kiệm năng lượng trên toàn quốc. Chiến dịch mang tên “Bớt một độ”, khuyến khích tất cả người dân trong nước tiết kiệm năng lượng. Mục tiêu là làm ít nhất 75% dân số Phần Lan giảm tiêu thụ năng lượng của chính họ.

Bộ trưởng Kinh tế Phần Lan Mika Lintila cho rằng, cần có những hành động tiết kiệm năng lượng cụ thể của các công ty, cộng đồng và cá nhân trong mùa đông năm nay. Bộ trên cho biết thêm, chiến dịch sẽ bắt đầu một cách nghiêm túc vào ngày 10/10 tới, sau khi mùa đông bắt đầu. Các hành động cụ thể trong chiến dịch bao gồm cam kết lái xe với tốc độ thấp hơn trên đường, đặt nhiệt độ phòng thấp hơn và tiết kiệm nước nóng. Bộ này cũng cảnh báo người dân rằng, giá năng lượng sẽ còn tăng cao hơn nữa trong mùa đông, đồng thời lưu ý rằng bằng cách tiết kiệm năng lượng, mọi người đều có thể kiểm soát hóa đơn tiền điện và khí đốt của mình.

Trong khi đó, Quốc hội Tây Ban Nha đã thông qua sắc lệnh của chính phủ nước này đề ra các quy định nhằm tiết kiệm năng lượng, trong khuôn khổ nỗ lực của Liên minh châu Âu (EU) nhằm giảm phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Sắc lệnh được thông qua với 187 phiếu ủng hộ và 161 phiếu chống. Sắc lệnh này đã có hiệu lực từ ngày 10/8 vừa qua, nhưng cần Quốc hội “bật đèn xanh” để duy trì hiệu lực.

Nhiệt độ tại Tây Ban Nha trong những tháng hè thường lên tới hơn 40oC, song sắc lệnh mới quy định hạn chế sử dụng điều hòa không khí. Theo đó, các phương tiện công cộng, cửa hàng, văn phòng, nhà hát, rạp chiếu phim điều chỉnh điều hòa không khí ở mức nhiệt độ không thấp hơn 27oC trong những tháng nắng nóng nhất trong năm. Quy định mới này không áp dụng đối với các hộ gia đình, nhưng khuyến khích người dân hạn chế tiêu thụ điện. Sắc lệnh cũng quy định điều chỉnh chế độ sưởi ấm vào mùa đông không cao hơn 19oC. Cũng theo sắc lệnh, từ 22 giờ hằng ngày, các cửa hàng phải tắt đèn chiếu sáng cửa sổ. Đến cuối tháng 9 tới, các tòa nhà có máy lạnh hoặc hệ thống sưởi đều phải lắp đặt cửa đóng tự động để tránh lãng phí năng lượng.

Cũng trong ngày 25/8, Chính phủ Bắc Macedonia đã ban bố tình trạng khủng hoảng thiếu nguồn cung năng lượng trên toàn quốc. Trong một thông cáo báo chí, chính phủ nêu rõ lệnh này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/9 và kéo dài trong 30 ngày, do tình trạng thiếu điện và căng thẳng nguồn cung trên thị trường điện. Chính phủ Bắc Macedonia cũng thông báo tình trạng khủng hoảng nguồn cung năng lượng sưởi ấm ở Thủ đô Skopje.

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho rằng, cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đầu tiên đang diễn ra và nó có thể trở nên tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng dầu mỏ hồi những năm 70 của thế kỷ trước. Tác động từ cuộc xung đột tại Ukraine lại càng khiến thị trường năng lượng thế giới trở nên rủi ro hơn bao giờ hết. Trong bối cảnh đó, các quốc gia châu Âu không còn cách nào khác phải thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” năng lượng nhằm tránh một mùa đông lạnh giá thiếu điện và khí đốt sắp tới.