Thắp sáng ngọn lửa truyền thống

Lớp đào tạo phóng viên ảnh đầu tiên

Nghệ sĩ nhiếp ảnh
TRỊNH HẢI

Khoảng giữa năm 1959, Bộ Văn hóa và Sở Nhiếp ảnh Trung ương (tiền thân của Ban Biên tập ảnh TTXVN) phối hợp mở lớp đào tạo phóng viên ảnh cho cán bộ Ty văn hóa các tỉnh miền bắc. Tôi được Báo Nhân Dân cử tham gia lớp học này. Ngày đó, tôi cũng như nhiều người khác cứ tưởng lầm đây là lớp đào tạo phóng viên ảnh đầu tiên được tổ chức ở nước ta.

Một hôm tôi đến chơi thăm nhà ông Vương Trúc Vinh, vừa là đồng nghiệp nhiếp ảnh, vừa là họa sĩ, ngày đó sống ở làng Láng (Hà Nội). Ông cho xem một số ảnh do ông chụp, tôi mới biết là trong kháng chiến chống Pháp, đã có một lớp đào tạo phóng viên nhiếp ảnh vào giai đoạn “chuẩn bị Tổng phản công”. Bức ảnh kèm đây là do ông Vương Trúc Vinh chụp và câu chuyện lớp đào tạo phóng viên ảnh đầu tiên ông kể, tới nay tính ra đã tròn 70 năm.

Trong ảnh là những giảng viên và học viên của lớp chụp chung với anh em Vệ quốc quân trong buổi bế giảng. Có thể nhận ra ông Nguyễn Hồng Nghi, một giảng viên, ngồi đầu hàng thứ hai phía bên phải. Ngồi trước ông là ông Hồng Việt, học viên ít tuổi nhất, sau là phóng viên ảnh của Báo Quân đội nhân dân.

Ông Vương Trúc Vinh ngày đó cũng là một học viên của lớp học này, xuất thân từ một gia đình có hiệu ảnh Đông Phương ở thị xã Thái Nguyên. Ông kể, ngày trước những nhà nhiếp ảnh theo kháng chiến chống Pháp lên Việt Bắc đều có gia đình hoặc bản thân có hiệu ảnh như Nguyễn Hồng Nghi, Vũ Năng An, Nguyễn Tiến Lợi, Đinh Đăng Định… Được giới thiệu vào công tác tại các cơ quan kháng chiến, dần dần họ trở thành những nhà nhiếp ảnh cách mạng.

Lớp đào tạo phóng viên nhiếp ảnh đầu tiên tổ chức năm 1949 trong kháng chiến chống thực dân Pháp tại xã Yên Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: VƯƠNG TRÚC VINH

Lớp đào tạo phóng viên nhiếp ảnh đầu tiên tổ chức năm 1949 trong kháng chiến chống thực dân Pháp tại xã Yên Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: VƯƠNG TRÚC VINH

Năm 1949, Nha Thông tin nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định mở lớp đào tạo phóng viên ảnh cho những người làm công tác nhiếp ảnh ở các cơ quan, đơn vị kháng chiến. Bác sĩ Nguyễn Tấn Gi Trọng, khi đó là Giám đốc Nha thông tin, giao cho nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hồng Nghi là chuyên viên của Nha tổ chức lớp. Lớp học được mở tại một địa điểm gần xóm Chòi, xã Yên Thái, huyện Đại Từ (Thái Nguyên), khai giảng đúng vào dịp Kỷ niệm 5 năm Cách mạng Tháng Tám. Ông Vinh còn nhớ, đến dự buổi khai giảng có GS Trần Văn Giàu, nhà thơ Tố Hữu, Xuân Diệu, Bàng Bá Lân, các họa sĩ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tư Nghiêm, nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hồng Tranh, Nguyễn Tiến Lợi, Nguyễn Hồng Nghi, Trần Văn Lưu…

Mở đầu buổi khai giảng là bài phát biểu của các đồng chí Tố Hữu, Trần Văn Giàu nói về cách mạng và kháng chiến, xác định nhiệm vụ của những người làm công tác văn nghệ, trong đó có nhiếp ảnh.

Bằng phương tiện kỹ thuật ghi thực và ghi nhanh của nhiếp ảnh, người phóng viên ảnh có một vai trò rất quan trọng trong công tác tuyên truyền, cổ vũ toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến. Những hình ảnh chụp được còn là những chứng tích hào hùng về lịch sử cách mạng của đất nước, có ý nghĩa giáo dục truyền thống cho các thế hệ tiếp nối của dân tộc ta.

Một loạt bài giảng sau đó về chính trị tư tưởng, bồi dưỡng cho những nhà nhiếp ảnh được trình bày rất lôi cuốn, gây một không khí phấn khởi, tin tưởng vào chiến thắng ngày mai.

Phần chuyên môn nghiệp vụ, các thầy ngày đó cũng chẳng có sách vở gì, biết đến đâu giảng đến đó, với tất cả những kinh nghiệm tích lũy của mình. Các thầy Nguyễn Hồng Tranh, Nguyễn Hồng Nghi dạy kỹ thuật, nghiệp vụ nhiếp ảnh. Các họa sĩ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tư Nghiêm giảng về lịch sử hội họa và những quy luật về bố cục, ánh sáng… về mối quan hệ giữa hội họa và nhiếp ảnh, về vấn đề xác định chủ đề tư tưởng và tìm ra những yếu tố điển hình để phản ánh và sáng tác hình tượng.

Lớp đào tạo gấp rút hoàn thành trong ba tháng để học viên kịp thời trở về cơ quan, đơn vị mình phục vụ chiến dịch.

Định hướng chính trị sâu sắc và nhận thức mới mẻ về mỹ học như những viên gạch xây nền móng cho hoạt động nghệ thuật, làm cho học viên từng xuất thân làm nghề ảnh dịch vụ để kiếm sống nay được trang bị kiến thức, qua quá trình rèn luyện và tích lũy kinh nghiệm thực tế, trở thành những phóng viên ảnh cách mạng.

Lớp đào tạo phóng viên ảnh đầu tiên của nước ta đã được tổ chức như thế, trong hoàn cảnh kháng chiến chống Pháp vô cùng gian khổ, thiếu thốn đủ đường.