Thắp lên những kỳ vọng

Vượt qua thách thức, khó khăn để nhanh chóng xoay chuyển tình thế, tạo ra những bước tiến mới "thay trời, đổi đất"… là những kỳ vọng lớn đang được thắp lên, trong bối cảnh các nhà chính trị và giới khoa học không chấp nhận thực tại bế tắc.

Chính phủ Nam Phi cam kết cải cách hơn nữa trong lĩnh vực năng lượng.
Chính phủ Nam Phi cam kết cải cách hơn nữa trong lĩnh vực năng lượng.

1 Tại Hội nghị Đầu tư vào Khai thác mỏ tại châu Phi được tổ chức tại thành phố Cape Town, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã cam kết cải cách năng lượng và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thăm dò dầu khí. Phát biểu trước các giám đốc điều hành hàng đầu trong lĩnh vực khai thác mỏ, Tổng thống Ramaphosa cho biết: Chính phủ đã sửa đổi các quy định nhằm cho phép các công ty đầu tư vào các dự án mới có công suất phát điện lên đến 100 MW mà không cần xin giấy phép.

Ông nhấn mạnh: "Khi sự phụ thuộc vào than của đất nước giảm đi, các con đường hướng tới hoạt động kinh tế mới cần được tạo ra cho người lao động trong các ngành bị ảnh hưởng". Trong khi đó, theo Hội đồng Khoáng sản Nam Phi, các dự án đầu tư cho công suất phát điện khoảng 4.000 MW điện trị giá hơn 4 tỷ USD đang được triển khai.

Trong một phát biểu trên đài phát thanh nhà nước, Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Peter Hultqvist vừa nhận định khả năng phòng thủ khu vực Bắc Âu sẽ được tăng cường nếu Thụy Điển và Phần Lan gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Bộ trưởng Hultqvist nêu rõ: Nếu Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO, các nước có thể tận dụng sức mạnh và lợi thế của nhau, cùng triển khai thực hiện các kế hoạch hành động và cùng trở nên mạnh mẽ hơn.

Trong khi đó, Đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền của Thụy Điển vừa thông báo vào ngày 15/5 tới sẽ đưa ra quan điểm của mình về khả năng nước này nộp đơn xin gia nhập NATO. Tại nước láng giềng Phần Lan, đảng cầm quyền cũng dự định công bố lập trường về vấn đề xin gia nhập NATO vào ngày 14/5 tới. Đơn xin gia nhập có thể mất tới một năm để được tất cả 30 nước thành viên NATO chấp thuận. Cả Thụy Điển và Phần Lan đều thường xuyên tham gia các cuộc tập trận với các nước thành viên NATO cũng như các sứ mệnh gìn giữ hòa bình do NATO dẫn đầu.

Các nhà nghiên cứu tại Phần Lan đang tạo ra bước tiến lớn khi ứng dụng công nghệ thực tế ảo 3D trong khám, chữa bệnh. Theo đó, họ đã phát triển một cách tạo ra dữ liệu hình ảnh y khoa ba chiều (3D) và đưa dữ liệu này vào thực tế ảo (VR). Ứng dụng cũng bao gồm cả haptics - công nghệ truyền thông tin thông qua cảm ứng.

Theo các nhà khoa học tại Trường đại học Tampere, phương pháp này bao gồm một bộ điều khiển đặc biệt, cho phép bác sĩ phẫu thuật trải nghiệm cảm giác "chạm" vào khu vực đang được phẫu thuật. Với phương pháp mới này, các bác sĩ có thể sử dụng kính thực tế ảo để thăm khám sức khỏe của bệnh nhân, đưa ra chẩn đoán và thậm chí lên kế hoạch phẫu thuật. Chuyên gia về X-quang răng hàm mặt tại Bệnh viện Đại học Tampere Jorma Jarnstedt cho biết: Trong tương lai, phương pháp này có thể thay thế việc lập kế hoạch phẫu thuật 2 chiều (2D). Đặc biệt, phương pháp mới có những ưu thế vượt trội so các phương pháp cũ, nhờ giúp các bác sĩ hình dung được những cấu trúc giải phẫu phức tạp.

Thắp lên những kỳ vọng -0
Indonesia đề cao vai trò của người dân trong việc thúc đẩy du lịch bền vững. 

Indonesia là Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) trong năm nay. Theo đó, Bộ Du lịch và Kinh tế sáng tạo Indonesia cho biết, sẽ đưa nội dung tăng cường vai trò của người dân, với tư cách là tác nhân thay đổi chất lượng và chuyển đổi du lịch bền vững, vào chương trình nghị sự cuộc họp Nhóm công tác du lịch lần thứ nhất (TWG 1) trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Indonesia.

Theo Thứ trưởng phụ trách nguồn lực và thể chế thuộc Bộ Du lịch và Kinh tế sáng tạo Indonesia Frans Teguh, đại dịch Covid-19 đã cho thấy vai trò quan trọng của người dân trong việc thúc đẩy du lịch bền vững. Tại cuộc họp TWG, các đại biểu G20 sẽ vạch ra các phương hướng hoặc chiến lược cụ thể dựa trên các thực tiễn tốt nhất mà các quốc gia thành viên có thể hợp tác. Thứ trưởng Teguh cho biết: Mục đích của TWG là bảo đảm rằng nguồn nhân lực du lịch được giáo dục và đào tạo nâng cao kỹ năng về số hóa, nhằm thúc đẩy các nội dung của du lịch bền vững.