Thành quả của ý chí và nghị lực

"Dù gặp nhiều khó khăn trước khi tham dự ASEAN Para Games 2022, Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam luôn cố gắng nỗ lực thi đấu hết mình, phấn đấu giành thành tích cao nhất và mang vinh quang về cho Tổ quốc", Trưởng đoàn, Phó Tổng cục trưởng Thể dục-Thể thao Nguyễn Hồng Minh khẳng định.
0:00 / 0:00
0:00
Kình ngư Võ Huỳnh Anh Khoa giành huy chương vàng đầu tiên cho Đoàn Thể thao Người khuyết tật Việt Nam. Ảnh: TTXVN
Kình ngư Võ Huỳnh Anh Khoa giành huy chương vàng đầu tiên cho Đoàn Thể thao Người khuyết tật Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Ngày 1/8, kình ngư Võ Huỳnh Anh Khoa đã trở thành vận động viên "mở hàng" Vàng cho Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam tại ASEAN Para Games 2022. Ở nội dung 400m tự do nam hạng S8, Anh Khoa đánh bại các đối thủ để cán đích với thời gian 5 phút 29,35 giây.

Ngay sau đó, bốn kình ngư Lê Thị Dung, Trần Quốc Phi, Vi Thị Hằng và Võ Thanh Tùng cũng nhanh chóng điền tên mình vào danh sách những cá nhân giành huy chương vàng. Đặc biệt hơn cả, ở nội dung 400m tự do nữ hạng S8, thành tích 5 phút 59,87 giây của Lê Thị Dung đã phá sâu kỷ lục cũ của kình ngư Thái Lan thiết lập (7 phút 24,10 giây).

Không chỉ chiến thắng giòn giã trên đường đua xanh, Đội tuyển điền kinh cũng đoạt tới bốn tấm huy chương vàng. Trong số đó, Hà Thị Huệ vô địch nội dung ném đĩa nữ hạng F37. Nguyễn Thị Hải xuất sắc vượt qua các đối thủ ở nội dung ném tạ nữ hạng F57. Kiều Minh Trung đứng nhất phần thi ném lao nam hạng F55. Trần Văn Nguyên giành chiến thắng chung cuộc ở nội dung ném đĩa nam hạng F40.

Tiếp đó, các nữ đô cử Việt Nam cũng sở hữu những màn trình diễn ấn tượng. Châu Hoàng Tuyết Loan (hạng 55kg) và đồng đội Đặng Thị Linh Phượng (hạng 50kg) đã giành hai tấm huy chương vàng với mức cử lần lượt là 104kg và 101kg. Đáng chú ý, hai thành tích này đều trội hơn 1kg so kỷ lục được thiết lập trước đó.

Ông Lưu Quang Thái, Huấn luyện viên trưởng Đội tuyển cử tạ người khuyết tật quốc gia Việt Nam, phát biểu: Toàn đội sẽ nỗ lực thi đấu hết mình, quyết tâm vượt chỉ tiêu giành từ ba đến bốn huy chương vàng ở giải đấu lần này. Xa hơn nữa, chúng tôi đặt mục tiêu đạt chuẩn tham dự Giải vô địch thế giới và Asian Para Games.

Nếu chỉ nhìn vào chuỗi những thành tích vừa đạt được, ít ai biết rằng, Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam đã phải vượt qua hành trình dài đầy khó khăn để có thể tranh tài tại ASEAN Para Games lần thứ 11. Theo thông lệ, các nước tổ chức SEA Games sẽ đăng cai giải đấu này. Tuy nhiên, công tác tổ chức lần này đã có nhiều sự xáo trộn vì những lý do khách quan. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian tổ chức SEA Games 31 phải dời từ cuối năm 2021 sang tháng 5/2022.Trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp, ASEAN Para Games lần này cũng không thể chốt ngày tổ chức cụ thể. May mắn thay, ở thời điểm khó khăn ấy, Indonesia đã chủ động xin đăng cai tổ chức giải đấu.

Sau ba năm liền bị gián đoạn, các vận động viên khuyết tật hầu như không có cơ hội cọ xát quốc tế. Phần lớn các giải trong nước cũng bị hoãn hoặc hủy bỏ. Chỉ một số ít cá nhân xuất sắc sở hữu suất tham dự giải thế giới, châu lục hay Paralympic Tokyo 2020. Chính sự thiếu hụt này cũng khiến công tác đào tạo, bổ sung vận động viên cho các đội tuyển gặp nhiều khó khăn. Trong lúc ấy, Tổng cục Thể dục-Thể thao chỉ có thể hỗ trợ tập huấn cho từng địa phương có cá nhân thuộc thành phần của các đội tuyển. Điều này đồng nghĩa mọi người không thể tập trung tập luyện và chuẩn bị như nhiều kỳ Đại hội trước đó.

Như ở bộ môn bóng bàn, các tay vợt cũng chỉ được tham gia tập huấn tại các trung tâm huấn luyện địa phương. Theo huấn luyện viên Nguyễn Hồ Thanh, trong hơn hai năm qua, không riêng gì người khuyết tật mà các vận động viên khác cũng gặp vô vàn khó khăn. Tuy vậy, từng người vẫn chuẩn bị hành trang tốt nhất về sức khỏe lẫn chuyên môn để sẵn sàng mang vinh quang về cho Tổ quốc. Không những vậy, ngay sau kỳ Đại hội này, toàn đội sẽ bắt tay vào công tác tập huấn hướng tới các giải quốc tế trong năm 2023, bao gồm hai mục tiêu lớn là ASEAN Para Games lần thứ 12 tại Campuchia và Asian Para Games tại Trung Quốc.

Chia sẻ khó khăn chung của ngành Thể thao, mỗi địa phương cũng nỗ lực tổ chức tập huấn, đầu tư kỹ lưỡng hơn cho từng cá nhân tranh tài. Điển hình như Đội tuyển cờ vua người khuyết tật quốc gia tập trung tại Hà Nội, Huấn luyện viên Bùi Quang Vũ khẳng định toàn đội đã chờ đợi cơ hội thi đấu trong suốt thời gian dài. Bởi vậy, dù không được tập trung tập huấn, đồng nghĩa không có chế độ Đội tuyển quốc gia, cũng chẳng phải thách thức quá lớn. May mắn là Đại hội đã không bị hủy.

ASEAN Para Games luôn có vị trí quan trọng. Đó là nơi vận động viên thể hiện tài năng, thi đấu cọ xát, gặt hái những tấm huy chương và sau đó là những phần thưởng theo quy định của Nhà nước, địa phương. Tất cả tạo nên động lực để mỗi người tập luyện, thi đấu, rèn sức khỏe để đóng góp cho gia đình cũng như cộng đồng.

Rốt cuộc, sau quãng thời gian dài chờ đợi, mong ước ấy đã trở thành hiện thực khi Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam có mặt tranh tài và liên tục giành được thành tích đáng tự hào. Mọi người đều rất phấn khởi, khi được nước chủ nhà Indonesia tạo điều kiện ăn, ở và thi đấu rất tốt. Khi những khó khăn đã qua, chỉ còn đó sự tập trung thi đấu, ý chí chiến thắng bản thân và cuối cùng là nghị lực kiên cường để tỏa sáng.

Với mục tiêu phấn đấu góp mặt trong nhóm dẫn đầu và giành 35-40 huy chương vàng, Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam tham dự ASEAN ParaGames lần thứ 11 tại Indonesia gồm 153 người, trong đó có 120 vận động viên, tham gia tranh tài tám môn (điềnkinh, bơi, cử tạ, cầu lông, bóng bàn, cờ vua, judo, bắn cung) trong tổng số 14 môn.