Đứng trước ngổn ngang những viên gạch vỡ, miệng cống thoát nước đã bị sập, ông Lưu Xuân Thủy, phường Ka Long, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh sử dụng điện thoại và chụp hình lại để gửi tới chính quyền qua ứng dụng Móng Cái smart đề nghị giải quyết. Chỉ vài giờ sau khi gửi hình ảnh, ông Thủy đã nhận được thông tin về việc cơ quan chức năng đang xử lý vấn đề mà ông phản ánh.

PHỤC VỤ XÃ HỘI TỪ NHỮNG VẤN ĐỀ DÂN SINH

Sau hơn một năm triển khai thực hiện, ứng dụng Công dân thông minh, được biết đến với cái tên Móng Cái Smart đã dần trở thành địa chỉ quen thuộc để người dân tại thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh phản ánh những vấn đề xã hội, bức xúc cần chính quyền vào cuộc trong cuộc sống hằng ngày. Đây là ứng dụng được địa phương thiết lập với mong muốn lắng nghe người dân và từ đó có thể mang đến sự phục vụ kịp thời.

Ông Lưu Xuân Thủy cho biết, từ khi được cài ứng dụng Móng Cái Smart lên điện thoại di động, ông có thể phản ánh những bức xúc, bất cập nổi cộm ở nhiều mặt, trực tiếp ảnh hưởng đến cuộc sống của mình và những người chung quanh như vệ sinh môi trường, an ninh trật tự… Những vấn đề như đoạn cống thoát nước ông phản ánh hay các phương tiện đỗ sai quy định gây cản trở giao thông đều được xử lý rất nhanh.

Các thông tin mà ông Thủy nói riêng và người dân nói chung phản ánh, sau khi được gửi đến phần mềm bằng các hình thức như chụp ảnh, quay video sẽ được cán bộ tại Trung tâm Hành chính công thành phố Móng Cái kiểm tra và chuyển tới các cơ quan chức năng, các đơn vị chuyên môn phù hợp để tiến hành tư vấn và giải quyết. Chỉ sau vài giờ đồng hồ kể từ khi tiếp nhận, các vấn đề này đã được chuyển tải tới các cơ sở địa bàn để giải quyết, khắc phục.

Ông Nguyễn Đạo Dưỡng, Phó Giám đốc Trung tâm Hành chính công thành phố Móng Cái.

Ông Nguyễn Đạo Dưỡng, Phó Giám đốc Trung tâm Hành chính công thành phố Móng Cái.

Ông Nguyễn Đạo Dưỡng, Phó Giám đốc Trung tâm Hành chính công thành phố Móng Cái chia sẻ: “Có những vấn đề tưởng như vô cùng nhỏ, đời thường như… bò đi lại trên đường cản trở giao thông hay cành cây gãy chắn lối đi cũng được phản ánh lên ứng dụng".

"Người dân cần được giải quyết những vấn đề dù là nhỏ nhất và đây cũng là mục đích khi xây dựng nên của ứng dụng. Chúng tôi rất vui khi người dân đã “chịu” chia sẻ những điều đó”, ông Nguyễn Đạo Dưỡng nhấn mạnh.

Sau hơn một năm triển khai, từ tháng 6/2022, ứng dụng Công dân thông minh của thành phố Móng Cái được xây dựng và hoàn thiện gồm có 13 tiện ích chính và 32 tiện ích nhỏ, cung cấp cho người dân những thông tin xã hội, an ninh trật tự, an toàn giao thông, xây dựng đô thị...

Các ứng dụng này được xây dựng dựa trên các mong muốn của người dân và nhu cầu hỗ trợ người dân của các cấp chính quyền.

Tại thành phố Hạ Long, ứng dụng Hạ Long Smart cũng đã được đưa vào tiếp cận cuộc sống của người dân trong những năm qua.

Tương đồng với cách hoạt động của ứng dụng tại thành phố Móng Cái, Hạ Long Smart cũng chọn cách tiếp cận và “làm quen” với người dân từ những… đường dây điện đứt hay những bãi thải tập kết không đúng quy định.

Sa Vĩ - địa đầu Tổ quốc. Ảnh: Thành Đạt

Sa Vĩ - địa đầu Tổ quốc. Ảnh: Thành Đạt

Hạ Long Ảnh: Thành Đạt

Hạ Long Ảnh: Thành Đạt

Ông Nguyễn Quốc Lập, phường Giếng Đáy, thành phố Hạ Long "thực hành" việc ghi hình bãi rác tập kết tại khu vực mình ở để gửi tới trung tâm điều hành của ứng dụng Hạ Long Smart.

Ông Nguyễn Quốc Lập, phường Giếng Đáy, thành phố Hạ Long "thực hành" việc ghi hình bãi rác tập kết tại khu vực mình ở để gửi tới trung tâm điều hành của ứng dụng Hạ Long Smart.

Ông Nguyễn Quốc Lập, phường Giếng Đáy, thành phố Hạ Long sau khi làm quen với ứng dụng đã “thực hành” với việc ghi hình bãi rác tập kết tại khu vực mình sinh sống và gửi tới trung tâm điều hành của ứng dụng Hạ Long Smart.

Ông Lập chia sẻ: “Có kênh kết nối này là rất cần thiết, chính xác để mọi người có thể lên tiếng kịp thời, tránh những việc nhỏ mà tồn đọng quá lâu gây ảnh hưởng đến tập thể người dân”.

Những phản ánh dân sinh nhỏ bé như vậy nếu như không được giải quyết, lâu dần sẽ tích tụ và gây nên sự xa cách, rạn nứt trong mối quan hệ giữa người dân và các cơ quan phục vụ. Vì vậy, từ góc nhìn của địa phương, tinh thần phục vụ phải được thực hiện với mọi công việc, đặc biệt với những “việc nhỏ mà không nhỏ”.

 Bà Vũ Thị Ngọc Phương, Phó Chánh Văn phòng HĐND-UBND Thành phố Hạ Long cho biết, ứng dụng được triển khai theo hướng mở nên người dân chỉ cần đăng ký qua số điện thoại là có thể phản ánh chứ không cần phải là người dân địa bàn. Thậm chí khách du lịch trong nước và quốc tế cũng luôn được chào đón khi đưa ra góp ý và không hề bị giới hạn.

Việc sử dụng ứng dụng này giúp người dân được kết nối chính thức, trực tiếp đến chính quyền thay vì để người dân phải tìm hiểu về thông tin, chức năng của các đơn vị mà mình có nhu cầu dẫn đến kéo dài thời gian, giảm hiệu quả công việc. Phân phối những thông tin chính thống, hữu ích được thẩm định bởi cơ quan chức năng, tích hợp các tiện ích về dịch vụ công cũng như những tiện ích phát triển xã hội.

SỐ HÓA ĐỂ TĂNG MỨC ĐỘ HÀI LÒNG CỦA NGƯỜI DÂN, DOANH NGHIỆP

Không chỉ đi từ những điều nhỏ, phục vụ lợi ích “sát sườn” của người dân, ứng dụng còn phục vụ nhiều các tiện ích trọng điểm như giáo dục, y tế, giao thông, thương mại-xuất nhập khẩu… là những góc độ rất được người dân và các doanh nghiệp quan tâm và sử dụng.

Đặc biệt, đây là những nhóm nội dung có tính chất đặc thù cần xử lý nhanh và liên quan đến quyền lợi của cá nhân, đơn vị nên mức độ hài lòng của người dân cũng là điều hết sức được lưu tâm.

Với một doanh nghiệp, việc chuẩn bị những bộ hồ sơ dày hàng trăm, hàng ngàn trang rồi phải rà soát lỗi, triển khai in ấn, đóng quyển…sau đó di chuyển tới các cơ quan liên quan, xếp hành chờ đợi để làm các thủ tục hành chính mang đến nhiều áp lực rất lớn đi kèm.

Hình dung một phần tài liệu cần điều chỉnh khiến đơn vị phải thực hiện lại toàn bộ quy trình trong khi thời gian có giới hạn thì điều này sẽ ảnh hưởng vô cùng lớn tới hoạt động kinh doanh. Vì vậy, việc được số hóa một phần trong các công đoạn này cũng là một điều hết sức hữu ích cho cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh.

Chị Phạm Thị Trang, nhân viên công ty TNHH phân phối Trương Gia Quảng Ninh nói: “Như trước đây công ty tôi phải tập hợp thông tin, hồ sơ rồi di chuyển đến các đơn vị liên quan để làm thủ tục rồi nộp giấy tờ. Chỉ riêng việc di chuyển cũng đã mất rất nhiều thời gian, tác động nhiều đến hoạt động kinh doanh. Đến nay khi mà các thủ tục hành chính công được tích hợp thêm vào app thì các công việc của công ty giờ làm rất đơn giản, tôi có thể làm toàn bộ trên chiếc điện thoại. Khai thông tin, chụp ảnh, nộp hồ sơ…tôi đều có thể xử lý được một cách nhanh gọn, ở bất kỳ đâu và có ghi nhận thời gian nộp”.

Được ví như một “Việt Nam thu nhỏ”, tỉnh Quảng Ninh xác định du lịch là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế, xã hội. Hằng năm, chỉ riêng thành phố Hạ Long đã đón hàng triệu lượt khách tới thưởng lãm các danh lam, thắng cảnh, thăm các khu vui chơi. Vì vậy, địa phương đã tổng hợp nhiều địa điểm hấp dẫn du khách và đưa lên hệ thống các thông tin như điểm vui chơi, ăn uống, khách sạn và giá cả của các điểm lưu trú.

Chị Nguyễn Lan Hương, du khách từ Hà Nội chia sẻ, là người từ nơi khác đến Hạ Long du lịch nên gia đình chị cũng không nắm rõ các địa điểm vui chơi, ăn uống. Mặc dù có tham khảo qua các trang mạng xã hội nhưng thông tin cũng khác nhau nhiều. Qua dùng thử ứng dụng Hạ Long Smart, gia đình chị có thể yên tâm vì thông tin chính thống, có cụ thể các địa điểm, tuyến đường và các mức giá được niêm yết công khai, cập nhật thường xuyên.

Bên cạnh mục đích phục vụ người dân, ở chiều ngược lại, các thông tin sẽ được thu thập và cung cấp trở lại cho các đơn vị quản lý để phục vụ cho công tác kiểm tra, kiểm soát, quy hoạch du lịch của địa phương. Nhờ vậy, các địa điểm có vấn đề sẽ được chấn chỉnh kịp thời Cùng với đó, các số liệu được phân tích để hỗ trợ công tác dự báo, đẩy mạnh quảng bá thế mạnh của thành phố.

 Để tăng tính minh bạch và hiệu quả của ứng dụng, việc đánh giá chất lượng giải quyết công việc của chính quyền sẽ được người dân theo dõi và ghi lại. Vì vậy, nếu như các phản ánh bị chậm xử lý hay kết quả không tốt sẽ được người dân “chấm điểm” và công khai trên app. Việc này sẽ giúp minh bạch trách nhiệm của từng đơn vị, nếu khâu nào chậm trễ có thể nhận biết ngay lập tức, từ đó làm cơ sở để các cơ quan quản lý tuyên dương hoặc xử phạt đơn vị có trách nhiệm.

Thành phố Hạ Long. Ảnh: Thành Đạt

Thành phố Hạ Long. Ảnh: Thành Đạt

TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH CHUYỂN ĐỔI SỐ LĨNH VỰC HÀNH CHÍNH CÔNG

Ứng dụng Công dân thông minh là một trong những điểm nổi bật trong hoạt động áp dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân của các thành phố của tỉnh Quảng Ninh trong thời gian qua.

Người dân thụ hưởng nhiều dịch vụ công với chất lượng tốt hơn, rút ngắn thời gian, chi phí.

Người dân thụ hưởng nhiều dịch vụ công với chất lượng tốt hơn, rút ngắn thời gian, chi phí.

Rộng hơn, các trung tâm thông tin, trung tâm hành chính công cũng đang tiếp tục đồng hành cùng người dân trong quá trình số hóa để giảm thiểu thủ tục, gia tăng hiệu quả công việc; đồng thời, các đơn vị cũng chủ động đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin vào chuyển đổi số của mình nhằm phục vụ người dân trong hiện tại và tương lai.

Trung tâm điều hành thông minh của thành phố Hạ Long đi vào hoạt động.

Trung tâm điều hành thông minh của thành phố Hạ Long đi vào hoạt động.

Trung tâm điều hành thành phố thông minh thành phố Hạ Long từ khi được thành lập và đi vào hoạt động vào cuối năm 2021, hướng đến trở thành “bộ não số” giúp địa phương tổng hợp thông tin và “quy về một mối”.

Trung tâm là nơi phân tích dữ liệu lớn, đưa ra cảnh báo, hỗ trợ ra quyết định ở nhiều lĩnh vực khác nhau bảo đảm nhanh chóng, chính xác, minh bạch và tăng tính tương tác ngược lại khi người dân có thể gửi ý kiến góp ý, thông báo cho các cơ quan trong tỉnh biết về những sự cố, vấn đề phát sinh liên quan tới hạ tầng đô thị, giao thông, an ninh an toàn, môi trường.

Hệ thống AI trí tuệ nhân tạo sẽ tự tổng hợp, phân tích các hình ảnh, phát hiện nhanh và chính xác các vi phạm, đưa ra cảnh báo và hướng xử lý đến từng cơ quan quản lý có liên quan một cách nhanh chóng. Trung tâm có thể giám sát các thông tin mạng xã hội, hành chính, giáo dục, y tế, du lịch…

Bà Vũ Thị Vân Oanh, Phó Trưởng phòng Văn hóa Thông tin thành phố Hạ Long.

Bà Vũ Thị Vân Oanh, Phó Trưởng phòng Văn hóa Thông tin thành phố Hạ Long.

Bà Vũ Thị Vân Oanh, Phó Trưởng phòng Văn hóa Thông tin thành phố Hạ Long, cho biết: “Trung tâm điều hành thông tin của thành phố được thanh lập gồm các hợp phần, vận hành theo từng giai đoạn. Chúng tôi sẽ có những hoạt động phù hợp với yêu cầu thực tế và bảo đảm làm sao để các hoạt động được diễn ra tốt nhất; đồng thời tham mưu cho cấp trên để có những bước đi phù hợp nhất”. 

Tại trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Quảng Ninh, đơn vị đã phối hợp với các sở, ban, ngành cung cấp được 1.367 (100%) dịch vụ công trực tuyến cấp tỉnh trên cổng dịch vụ công của tỉnh; đồng thời tích hợp, kết nối 1.248 dịch vụ công trực tuyến của các sở, ban, ngành lên Cổng DVC quốc gia.

Bà Nguyễn Hải Vân, Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh,

Bà Nguyễn Hải Vân, Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh,

Bà Nguyễn Hải Vân, Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh, cho biết: “Trong hai năm trở lại đây chúng tôi đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số, đẩy mạnh thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, tiếp cận người dân trên nhiều hình thức. Đến nay khoảng hơn 78% thủ tục công ở các cấp đã được thực hiện online. Điều này vừa tạo điều kiện giúp người dân trong thực hiện thủ tục đồng thời giúp chính quyền có cơ sở dữ liệu để phân tích, điều chỉnh phù hợp với thực tế”.

Bên cạnh những thuận lợi, cũng có những khó khăn nảy sinh trong quá trình chuyển đổi. Dù triển khai ở những thời điểm khác nhau nhưng những khó khăn mà các địa phương gặp phải là tương đối giống nhau.

 Ông Nguyễn Đạo Dưỡng, Phó Giám đốc Trung tâm Hành chính công thành phố Móng Cái, nói: Sử dụng ứng dụng, tiếp cận các thủ tục trực tuyến ở lứa tuổi thanh, thiếu niên, trung niên thì khá dễ. Tuy nhiên với những người cao tuổi thì việc sử dụng điện thoại thông minh cũng đã khó chưa nói đến việc thao tác thành thạo. Đây cũng là khó khăn trong việc mở rộng nhóm người dùng của các đơn vị nói chung”.

 Bên cạnh đó, vì diện tích rộng, nhiều nhóm người dân có điều kiện, trình độ khác nhau nên công tác số hóa tài liệu còn gặp những vấn đề. Không chỉ vậy, ngày trước, số lượng hồ sơ tiếp nhận trong một ngày của cán bộ các đơn vị sẽ hạn chế theo số lượng công dân. Nhưng đến nay khi thủ tục được làm trực tuyến, lượng hồ sơ sẽ được đẩy lên không giới hạn. Vì vậy, người tiếp nhận và xử lý hồ sơ cũng sẽ phải thực hiện số lượng lớn hơn rất nhiều.

Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số để đáp ứng nhu cầu công việc ngày càng cao của người dân.

Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số để đáp ứng nhu cầu công việc ngày càng cao của người dân.

Tuy vậy, trước những yêu cầu từ công việc, từ ngày đầu triển khai, đơn vị đã chủ động tuyên truyền, thông tin tới người dân. Đồng thời, đơn vị cũng tổ chức các buổi chia sẻ, hướng dẫn cách thức sử dụng ứng dụng; chủ động đào tạo mới và đào tạo lại cho người dân. Những trường hợp người dân đến trung tâm để thực hiện thủ tục cũng sẽ được các đơn vị tư vấn, hướng dẫn thực hiện theo phương án nhanh nhất.

Khi quốc gia đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số, thì làm thế nào để các cấp, đặc biệt là tuyến cơ sở có thể áp dụng và vận hành hiệu quả thì mới mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, không để câu chuyện chuyển đổi số chỉ là bức tranh sáo rỗng và xa vời. Chính vì vậy, trong thời gian tới đây, để đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, thực chất, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục hướng tới hoàn thiện cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt lưu ý tới các tuyến cơ sở.

Trong đó địa phương cũng đã đặt ra các nhiệm vụ cụ thể như tăng tỉ lệ số hóa hồ sơ, triển khai số hóa và thực hiện ký số đối với 100% thủ tục hành chính tại trung tâm phục vụ hành chính công các cấp, bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả cấp xã.

Đồng thời, tăng cường thực hiện dịch vụ công trực tuyến đạt tỷ lệ tối thiểu 80% tại trung tâm hành chính công các cấp; hướng đến thanh toán không dùng tiền mặt đạt tỷ lệ cao; thực hiện thường xuyên, nghiêm túc việc khảo sát lấy ý kiến đánh giá của tổ chức, cá nhân qua các kênh đường dây nóng, mạng xã hội hoặc phản ánh trực tiếp, chấn chỉnh, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm.

Ngày xuất bản: 20/10/2023
Thực hiện theo Hợp đồng số 04/2023/HĐHTTT/STTTT-BND