Thận trọng cân nhắc quy mô, giám sát chặt chẽ

Phải đến kỳ họp tới của Quốc hội (khai mạc vào tháng 5), việc thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam mới được cơ quan lập pháp quyết định chính thức. Thế nhưng, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí trình Quốc hội xem xét thông qua nghị quyết về vấn đề này tại phiên họp thứ 9 (ngày 22/3/2022), đã là một thuận lợi cơ bản.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét về việc thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Ảnh: DUY LINH
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét về việc thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Ảnh: DUY LINH

Tự nguyện, có trả công và chịu sự giám sát

Theo tờ trình của Chính phủ, trong những năm qua, số lượng phạm nhân đến trại giam chấp hành án liên tục tăng cao, năm 2010 có khoảng 96.500 phạm nhân, năm 2011 tăng 108% so năm 2010, năm 2014 tăng đến 148% và đến cuối năm 2020 các trại giam đang quản lý, giam giữ 135.745 phạm nhân, tăng 140,6% so năm 2010. Phần lớn số phạm nhân nằm trong độ tuổi từ 18 đến 45 tuổi, chiếm đến 86,41%, đây là tỷ lệ rất cao trong nhóm độ tuổi lao động khi chấp hành xong án phạt tù, có nhu cầu lớn để tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống.

Trên cơ sở cân nhắc thận trọng và toàn diện vấn đề, Chính phủ đã nêu rõ nguyên tắc tổ chức thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Đó là phải bảo đảm thực hiện đầy đủ chế độ quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo phạm nhân đồng thời với thực hiện chế độ, chính sách cho phạm nhân theo quy định của Luật Thi hành án hình sự; bảo đảm an ninh, an toàn; phục vụ có hiệu quả công tác giáo dục cải tạo phạm nhân, tái hòa nhập cộng đồng, giúp tạo điều kiện tìm kiếm việc làm sau khi phạm nhân chấp hành xong án phạt tù. Đặc biệt, phạm nhân tham gia hoạt động lao động, hướng nghiệp, học nghề ngoài trại giam phải trên cơ sở bình đẳng, tự nguyện, có trả công và do trại giam trực tiếp quản lý, giám sát.

Với tính chất thí điểm, số trại giam được áp dụng thí điểm theo Nghị quyết này không quá một phần ba tổng số trại giam thuộc Bộ Công an, nghĩa là không quá 18 đơn vị và bảo đảm phân bổ đủ ở các miền bắc, trung, nam và Tây Nguyên. Tiêu chí lựa chọn phải là các trại giam đã có tổ chức, cá nhân đề nghị hợp tác, đồng thời hoặc đã từng hợp tác với tổ chức, cá nhân để tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân; đạt được nhiều kết quả tích cực, đặc biệt trong công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân thông qua lao động và hỗ trợ phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng; hoặc cơ sở vật chất không bảo đảm điều kiện để tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân trong phạm vi trại giam.

Số lượng và đối tượng phạm nhân đưa ra lao động, hướng nghiệp, học nghề ngoài trại giam cũng đã được xác định rõ, cụ thể là không được quá 40% tổng số phạm nhân đủ điều kiện theo tiêu chí lựa chọn phạm nhân mà trại giam đang quản lý. Có 11 nhóm phạm nhân (được quy định rõ trong dự thảo nghị quyết) không được phép tham gia hoạt động này.

Nghiêm khắc, nhưng vẫn nhân văn

Trong những năm qua, Nhà nước ta không ngừng hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm bảo đảm sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình trong hoạt động thi hành án hình sự, tái hòa nhập cộng đồng, đặc biệt là việc thu hút doanh nghiệp, cá nhân hợp tác với các trại giam để tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân.

Tuy nhiên, do phần lớn các trại giam đóng trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, giao thông không thuận lợi, diện tích đất được giao hạn chế, thổ nhưỡng cằn cỗi... nên khó thu hút được doanh nghiệp hợp tác với trại giam. Việc tổ chức lao động trong các trại giam chủ yếu vẫn là canh tác nông nghiệp hoặc gia công tiểu thủ công nghiệp đơn giản, năng suất, giá trị sản phẩm lao động thấp, quỹ tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân thu được không đáng kể; việc hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân hầu hết không phù hợp thực tiễn lao động ngoài xã hội, hạn chế hiệu quả giáo dục cải tạo và tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân, hơn nữa, còn làm phát sinh nhiều vấn đề phức tạp tại các trại giam.

Chính vì thế, việc ban hành Nghị quyết này (dự kiến thực hiện thí điểm trong thời hạn 5 năm) sẽ không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục cải tạo phạm nhân, tạo điều kiện để phạm nhân được lao động, hướng nghiệp, học nghề phù hợp, tăng khả năng thích ứng khi tái hòa nhập cộng đồng, hạn chế nguy cơ tái phạm tội; mà còn tạo cơ chế thu hút, huy động nguồn lực xã hội tham gia công tác thi hành án hình sự theo định hướng cải cách tư pháp. Mô hình này còn góp phần bảo đảm sử dụng đúng mục đích đất quốc phòng-an ninh, hạn chế việc phải bổ sung đất đai cho các trại giam để tập trung quỹ đất cho phát triển kinh tế-xã hội…

Đáng lưu ý, cơ quan thẩm tra cho biết, hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam không trái với quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời, các nội dung quy định về việc thí điểm trong dự thảo Nghị quyết cơ bản đã bảo đảm thực hiện thống nhất, đầy đủ chế độ quản lý, giam giữ, giáo dục cải tạo và các chế độ, chính sách khác đối với phạm nhân theo quy định của Luật Thi hành án hình sự và các luật có liên quan.

Để thu hút doanh nghiệp hợp tác với trại giam, Chính phủ đã nêu đề xuất một số chính sách ưu đãi, trong đó cơ chế miễn thuế thu nhập. Các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga phân tích, tổ chức, cá nhân tham gia thí điểm phải đầu tư rất lớn như: xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo phạm nhân; cơ sở hạ tầng phục vụ quản lý, điều hành của cán bộ, chiến sĩ trại giam; cơ sở tổ chức sản xuất, dạy nghề. Trong khi đó, phần lớn phạm nhân chưa có tay nghề hoặc có tay nghề không phù hợp, dẫn tới phát sinh thêm nhiều chi phí trong việc đào tạo nghề, hướng nghiệp… Như thế, sự tham gia của tổ chức, cá nhân mang ý nghĩa xã hội, nhằm chia sẻ trách nhiệm với Nhà nước trong thực hiện các chính sách nhân đạo đối với đối tượng đặc thù. Do đó, để thu hút các doanh nghiệp tham gia, bảo đảm tính khả thi của việc thí điểm thì cần có chính sách ưu đãi, trong đó, cơ chế miễn thuế thu nhập (như các trường hợp quy định tại Điều 4 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp) là phù hợp.