Thăm làng trồng chuối ngự

Qua cầu Cộng Hòa, theo TỈNH LỘ 624B, đi qua các xã Hành Thiện, Hành Tín Ðông (Nghĩa Hành, Quảng Ngãi), cảnh quan như một bức tranh thủy mạc với dòng sông Vệ quanh co uốn lượn qua những cánh đồng lúa chín vàng óng ả, qua những bãi bắp tươi non, qua những vườn chuối ngự xanh tốt mỡ màng, qua những xóm làng trù phú, tươi đẹp...

Nguyên Hòa là một thôn vùng sâu, vùng xa của xã Hành Tín Ðông, hầu hết bà con sống về nghề nông, chủ yếu trồng rừng, trồng lúa, trồng môn, trồng bắp..., đời sống kinh tế của bà con nông dân nơi đây còn khó khăn. Trong những năm gần đây nhà nhà, người người hăm hở trồng chuối ngự, đó một loại chuối 'vương giả' được ưa chuộng trên thị trường hiện nay. Chuối ngự là loại cây rất thích hợp với vùng đất phù sa ven sông Vệ.

Cách đây dăm năm, tình cờ, ông Nguyễn Thanh Sương, hiện là trưởng thôn, đưa giống chuối ngự này về thôn trồng thử. Chính sự tình cờ đó lại là cơ hội đổi đời cho bà con nơi đây. Ðời sống kinh tế của người dân khá dần lên nhờ trồng chuối ngự.

Ngang qua thôn Nguyên Hòa, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên và ấn tượng xiết bao trước những vườn chuối ngự xanh tươi, vườn nọ nối tiếp vườn kia kéo dài bên bờ sông Vệ. Ông Nguyễn Thanh Sương cho biết: 'Thôn này có trên 145 hộ, hầu như 100% đều trồng chuối ngự. Trong thôn này, có nhiều người trồng chuối ngự với diện tích lớn như các hộ  Nguyễn Hoàng (trồng trên 2 sào); Nguyễn Văn Quy (trồng 2 sào), Nguyễn Thị Nguyên (trồng 1 sào)...'.

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Hoàng (43 tuổi), là người trồng nhiều chuối ngự ở thôn Nguyên Hòa cho biết: 'Trung bình mỗi buồng chuối ngự có khoảng 5 - 7 nhánh (nải), trung bình mỗi buồng bán giá 120.000 đồng - 150.000 đồng. Còn ở chợ thì người mua tới 30.000 đồng/nhánh. Gia đình tôi trồng hai sào, trung bình cứ nửa tháng, xuất bán tại chỗ, thu về khoảng ba triệu đồng. Gặp dịp Tết, giá chuối ngự cao hơn, trung bình mỗi năm thu hơn 20 triệu đồng.

Anh Sương cho biết: chuối ngự gặp đất phù sa của sông Vệ phát triển tốt, năng suất sản lượng ngày càng cao. Diện tích toàn thôn trồng nay hơn 5 ha, là nơi trồng chuối ngự lớn nhất xã và huyện Nghĩa Hành. Chuối ngự nơi đây trồng không cần phân bón, chưa có dịch bệnh, thời gian sinh trưởng ngắn, tiêu thụ mạnh và đang mở rộng diện tích. Cây chuối giống rất nhiều trong thôn, được bán với giá 8.000 đồng - 10.000 đồng/cây. Chuối ngự là loài quả có giá cao nhất trong các loại chuối. Song, giống chuối này có một nhược điểm là thân cao và giòn nên gặp gió lớn và bão thường dễ gãy, đổ. Ðể ngăn ngừa gãy đổ, vào mùa mưa bão, chúng tôi rong bớt lá và dùng nạng tre buộc hình chữ x để chống những cây chuối cao, mang buồng chuối lớn.

Anh Sương còn cho biết: 'Chỉ cần mỗi hộ tranh thủ trồng vài sào chuối ngự là có thể lo đám cưới, làm nhà, mua xe máy... Nhờ trồng chuối ngự mà nhiều hộ đã xóa nghèo, đời sống của bà con khá dần, mọi chỉ tiêu giao nộp nghĩa vụ đều đạt và vượt trước thời gian quy định nên bà con nông dân gọi cây chuối ngự với biệt danh cây 'xóa đói, giảm nghèo'. Cụ thể như các hộ anh Ngô Ðương (38 tuổi), Nguyễn Tấn Phương (56 tuổi), Lê Xuân Hòa (56 tuổi)..., thoát nghèo được là nhờ trồng chuối ngự...'.

Theo cụ bà Bùi Thị Cợt (69 tuổi): Sở dĩ gọi là chuối ngự bởi vì chuối này ngày xưa dùng để tiến vua. Trái chuối ngự khi chín có mầu vàng đặc trưng, càng chín càng mỏng vỏ, ruột có mầu hồng, để được lâu, hương vị ngọt ngào, thơm ngon. Người già, người đau ốm, phụ nữ sau khi sinh... ăn rất tốt. Ðể minh chứng cho lời nói của mình, cụ bà đãi chúng tôi ăn một nhánh chuối ngự chín vàng hoe.

Về Nguyên Hòa hôm nay, chỉ thấy một mầu xanh tốt bời bời của những vườn chuối ngự tiếp nối bên đường. Những căn nhà lụp xụp ngày nào, được thay bằng những ngôi nhà xinh đẹp, khang trang ẩn hiện trong các vườn chuối sai quả, trĩu buồng. Những con đường đất, trước đây nắng bụi, mưa bùn, nay đã 100% bê-tông và nhựa hóa, đường thôn ngõ xóm khang trang sạch đẹp... Vinh dự nhất là thôn Nguyên Hòa được công nhận sáu năm liền là thôn văn hóa cấp huyện. Trong những thành quả đó, cây chuối ngự đóng một vai trò quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng để một miền quê bên bờ sông Vệ phát triển.

Có thể bạn quan tâm