Thái Nguyên nỗ lực chống dịch, phát triển kinh tế

Là tỉnh có quy mô kinh tế - xã hội khá lớn, chuỗi giá trị sản xuất công nghiệp, lưu thông hàng hóa chặt chẽ với các tỉnh, nhất là tiếp giáp với hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và TP Hà Nội, nhưng Thái Nguyên đã nỗ lực thực hiện mục tiêu kép, không để dịch Covid-19 xâm nhập, lây lan để đẩy mạnh phát triển kinh tế.

Hằng tuần, 20% công nhân KCN Điềm Thụy (Thái Nguyên) được xét nghiệm ngẫu nhiên, kịp thời phát hiện ca mắc Covid-19.
Hằng tuần, 20% công nhân KCN Điềm Thụy (Thái Nguyên) được xét nghiệm ngẫu nhiên, kịp thời phát hiện ca mắc Covid-19.

Nỗ lực chống dịch

Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát từ cuối tháng 4/2021 tại các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và nay là ở TP Hà Nội liền kề, nhưng đến nay Thái Nguyên chỉ có hơn 10 ca F0, hầu hết đều là người từ vùng dịch trở về và tỉnh không để lây lan ra cộng đồng, nhất là các khu công nghiệp (KCN).

TS Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế Thái Nguyên cho biết: “Đến thời điểm này, Thái Nguyên vẫn an toàn trước đại dịch. Đạt được kết quả đó là do tỉnh luôn bán sát, quán triệt sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Ban Chỉ đạo (BCĐ) quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và của Bộ Y tế để vận dụng vào tình hình thực tế của tỉnh.

Đồng thời, có sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, sát sao của cấp ủy, chính quyền các cấp, toàn tỉnh coi phòng, chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm nên chủ động chống dịch cao hơn so với tình hình thực tế. Từ ngày 1/1 đến nay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh đã ban hành hơn 400 văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch”.

Thái Nguyên tổ chức phòng, chống dịch một cách bài bản, BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 cấp tỉnh, 9 huyện, thị xã, thành phố và tất cả 178 xã, phường, thị trấn do đồng chí Bí thư cấp ủy làm Trưởng ban.

Từ tỉnh đến các xã, phường, thị trấn đều thành lập Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch. Chủ tịch UBND các cấp làm Chỉ huy trưởng, tỉnh ban hành Quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cho các thành viên nhằm cá thể hoá trách nhiệm chống dịch một cách cụ thể, hiệu quả.

Các cấp, các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều đều thành lập các đoàn công tác, tổ công tác, đội phản ứng nhanh chống dịch Covid-19; sớm thành lập các chốt kiểm soát dịch tại các cửa ngõ vào tỉnh, thành lập 2.392 tổ Covid-19 cộng đồng gồm 18 nghìn người, cùng các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền, vận động, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác để người dân thống nhất nhận thức, đồng thuận chấp hành các quy định về phòng, chống dịch.

Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát đến nay, trên địa bàn tỉnh chỉ có hơn 10 trường hợp mắc Covid-19, phần lớn đều từ vùng dịch trở về và tỉnh không để lây lan ra cộng đồng, KCN là do chủ động, khẩn trương phát hiện sớm, khoanh vùng kịp thời, đưa những người là F1 đi cách ly tập trung.

Các cấp ủy, chính quyền chú ý lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, phản ánh để tháo gỡ khó khăn cho người dân; kịp thời hướng dẫn, động viên để người dân biết, hiểu, đồng cảm, tin tưởng và tự giác thực hiện giãn cách xã hội tại một số xã thời gian qua. Lan tỏa những mô hình tốt, điển hình tiên tiến, cách làm hiệu quả của tổ chức và cá nhân trong phòng, chống dịch; kiên quyết đấu tranh, phản bác các thông tin sai trái, xuyên tạc, xấu độc liên quan đến phòng, chống dịch.

Thái Nguyên nỗ lực chống dịch, phát triển kinh tế -0
 Lò luyện Fero Silic đang được khẩn trương hoàn thiện để đưa Nhà máy sản xuất Fero Silic Thái Nguyên vào hoạt động từ đầu tháng 11/2021, vượt tiến độ trước 6 tháng.  

Đẩy mạnh phát triển kinh tế

Bên cạnh kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, tỉnh tạo điều kiện thuận lợi và các doanh nghiệp trên địa bàn nỗ lực đầu tư, đẩy mạnh sản xuất.

Trong hoàn cảnh gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh, nhưng tháng 12/2020, Công ty CP Cơ điện luyện Thái Nguyên ở phường Cam Giá, TP Thái Nguyên dám đầu tư 260 tỷ đồng để xây dựng Nhà máy sản xuất Fero Silic Thái Nguyên có công suất 15 nghìn tấn/năm, có quy mô lớn nhất và công nghệ hiện đại nhất Đông Nam Á, dự kiến sẽ bắt đầu vận hành từ đầu tháng 11/2021, vượt tiến độ 6 tháng.

Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Cơ điện luyện Thái Nguyên Nguyễn Trường Nguyên chia sẻ: “Dịch bệnh Covid-19 làm cho sản xuất, kinh doanh khó khăn, giá thép tăng làm tổng mức đầu tư nhà máy “đội” lên hơn 70%, nhưng chúng tôi dám đầu tư nhà máy với số vốn lớn và bảo đảm an toàn dịch bệnh để ngày đêm xây dựng, sớm đưa nhà máy vào hoạt động, sản xuất Fero Silic phục vụ nhu cầu luyện thép, đúc gang trong nước”.

Hằng năm, nước ta nhập khẩu hàng trăm nghìn tấn Fero Silic, dịch bệnh làm cho chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng nặng nề, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất trong nước. Nhà máy sản xuất Fero Silic Thái Nguyên đi vào sản xuất tới đây, không những góp phần tự chủ nguyền nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thép, đúc gang trong nước, mà giá thành chỉ bằng 70% so với nhập khẩu, dự kiến hằng năm nộp ngân sách địa phương hơn 100 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của Nhà máy sản xuất Fero Silic Thái Nguyên là nguồn nguyên liệu đá silic phải mua tại tỉnh Phú Thọ để vận chuyển về nên không chủ động và giá thành tăng. Khắc phục vấn đề này, tỉnh Thái Nguyên cần cấp mỏ đá silic trên địa bàn tỉnh cho nhà máy hoạt động ổn định, lâu dài, góp phần giải quyết thêm việc làm, tăng thu ngân sách địa phương.  

Có vốn đầu tư, sản xuất giá trị hàng hóa xuất khẩu và có số công nhân lớn nhất so với các doanh nghiệp trên địa bàn, từ đầu năm đến nay, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên không có ca F0 nào, sản xuất diễn ra bình thường, tăng trưởng 10% so với cùng kỳ.

Ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam, cho biết: “Chúng tôi yên tâm, tin tưởng vào biện pháp phòng, chống dịch của Chính phủ và tỉnh Thái Nguyên đang thực nên có điều kiện để đẩy mạnh sản xuất”.

Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG với hơn 15 nghìn công nhân may mặc xuất khẩu, dù chuỗi cung ứng vật liệu, xuất khẩu gặp không ít khó khăn do dịch bệnh, nhưng lãnh đạo Công ty tìm mọi cách để vượt khó. Doanh thu 8 tháng đầu năm đạt 3.543 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ và giải quyết việc làm cho thêm 600 lao động.

Từ đầu năm đến nay, tỉnh thu hút và điều chỉnh 21 dự án FDI với tổng vốn hơn 100 triệu USD; thành lập mới 560 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký hơn 5.000 tỷ đồng. GRDP tăng 6,5%, trong đó giá trị sản xuất công nghiệp đạt gần 400 nghìn tỷ đồng, tăng 7,5%, giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt 18,6 tỷ USD, tăng 5,77% so cùng kỳ, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 10.206 tỷ đồng.

Để phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, bên cạnh các biện pháp quyết liệt đang thực hiện, tỉnh Thái Nguyên đề nghị Chính phủ bổ sung nguồn vaccine để bảo vệ sức khỏe người dân, nhất là đội ngũ công nhân, người lao động nhằm đẩy mạnh sản xuất.