Thách thức toàn cầu

Báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về tình trạng “nô lệ thời hiện đại” công bố ngày 12/9 cho thấy, trong vòng 5 năm qua, số nạn nhân là “nô lệ thời hiện đại” năm 2021 tăng khoảng 9,3 triệu người so năm 2016, trong khi số nạn nhân bị cưỡng ép kết hôn hoặc lao động đã tăng thêm gần 10 triệu người, lên khoảng 50 triệu người.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: PARESH NATH
Biếm họa: PARESH NATH

Theo báo cáo, cứ 150 người trên thế giới lại có một người trở thành nạn nhân của các hình thức “nô lệ thời hiện đại”. Phụ nữ và trẻ em vẫn là những người dễ bị tổn thương nhất. Hơn 50% số các nạn nhân bị bóc lột sức lao động và 25% số các trường hợp cưỡng ép kết hôn xảy ra tại các quốc gia có thu nhập trên trung bình hoặc thu nhập cao. ILO cho rằng, các cuộc khủng hoảng như đại dịch Covid-19, xung đột vũ trang và biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói cùng cực và di cư bất hợp pháp.

“Nô lệ thời hiện đại” là khái niệm được nhắc nhiều trong những năm gần đây khi mà nạn buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, lao động cưỡng bức, bóc lột tình dục hay các hoạt động như bắt làm nô lệ để trả nợ, hôn nhân ép buộc... vẫn là những vấn đề nhức nhối trên toàn cầu. Xung đột, bất ổn chính trị, nghèo đói, thiếu cơ hội giáo dục, biến đổi khí hậu… đều có thể là lý do khiến nhiều người trở thành nạn nhân của nạn buôn người và bị biến thành “nô lệ thời hiện đại”.

Theo ước tính của LHQ, mỗi năm trên thế giới có khoảng 800.000 đến một triệu người bị mua bán. LHQ cũng cảnh báo, đại dịch Covid-19 gây nguy cơ làm thụt lùi nỗ lực chung trong việc chấm dứt tình trạng “nô lệ thời hiện đại”, cũng như làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ nghèo đói cũng như tình trạng dễ bị tổn thương, khiến nhiều người trở thành nạn nhân bị bóc lột sức lao động, bị hành hạ, lạm dụng. Đặc biệt, những kẻ buôn người lợi dụng dịch bệnh để lôi kéo, lừa đảo những người gặp khó khăn về kinh tế đi tìm “miền đất hứa”.

LHQ đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ xóa bỏ mọi hình thức “nô lệ thời hiện đại”. Tuy nhiên, các thách thức hiện nay cũng như những nguy cơ bất ổn trong tương lai có thể làm chậm lại mục tiêu này. Chỉ có nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế và các chính sách đối phó hợp lý của từng quốc gia mới có thể ngăn chặn tình trạng này một cách lâu dài.