Thách thức lớn cho an sinh xã hội

Cần tập trung tuyên truyền để người lao động hiểu rõ sự cần thiết, lợi ích của việc tham gia bảo hiểm xã hội, giảm tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Thách thức lớn cho an sinh xã hội

Ngày 12/4, tại Hà Nội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã cùng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam ký kết Chương trình phối hợp hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động và phát triển thị trường lao động nhằm bảo đảm an sinh xã hội.

Một trong những trọng tâm của chương trình này là, các bên sẽ tăng cường phối hợp nâng cao tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt 45% lực lượng lao động vào năm 2025 và đạt 60% vào năm 2030 thông qua nhiều giải pháp, trong đó có việc tập trung tuyên truyền để người lao động hiểu rõ sự cần thiết, lợi ích của việc tham gia bảo hiểm xã hội, giảm tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Tính đến hết năm 2021, cả nước mới có hơn 16,5 triệu người (tương đương khoảng 35% lực lượng lao động) tham gia bảo hiểm xã hội, chỉ tăng hơn 350 người (2,2%) so với năm trước. Trong khi đó, để đạt mục tiêu 45% lực lượng lao động tham gia vào năm 2025 như Nghị quyết 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đã đề ra, trong giai đoạn 2022-2024, mỗi năm cả nước cần phát triển mới khoảng hai triệu lao động tham gia. Ðây là thách thức rất lớn.

Trên thực tế, những khó khăn trong mở rộng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội hiện nay không chỉ bắt nguồn từ dư địa phát triển bảo hiểm xã hội bắt buộc không còn nhiều và ngày càng khó "khai thác", mà còn có căn nguyên từ sự gia tăng số lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, giai đoạn 2016-2021, cả nước đã có hơn 4,5 triệu người lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần và con số năm sau luôn cao hơn năm trước: Năm 2016 có gần 615 nghìn người; năm 2017 có hơn 661 nghìn người; năm 2018 có hơn 754 nghìn người; năm 2019 có hơn 799 nghìn người; năm 2020 có 848 nghìn người. Ðến năm 2021, đã có 863.272 người lựa chọn rời khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội qua việc nhận bảo hiểm xã hội một lần. Riêng ba tháng đầu năm nay, cả nước cũng đã có hơn 200 nghìn lao động chọn phương án này, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước.

Xét trên bình diện chung, sự gia tăng đáng lo ngại này đã khiến những nỗ lực mở rộng người tham gia trong nhiều thời điểm chỉ như việc "bù đắp hao hụt", chứ không thật sự tạo nên sự phát triển.

Ở phạm vi hẹp hơn, nhận bảo hiểm xã hội một lần cũng đồng nghĩa với việc người lao động tự làm mất đi hoặc làm giảm cơ hội được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, nhất là chế độ hưu trí, tử tuất, bảo hiểm y tế của mình. Ðiều đó không chỉ ảnh hưởng đến sự ổn định cuộc sống của chính người lao động và gia đình họ trong tương lai, mà về lâu dài còn đặt thêm những gánh nặng đối với xã hội. Bởi vậy, tập trung mở rộng bảo hiểm xã hội đi đôi với giải quyết thách thức này là lựa chọn vô cùng cần thiết.