Thách thức cũ cho nhà lãnh đạo mới

"Tôi biết bà ấy đã có một kế hoạch đúng đắn, để giải quyết cuộc khủng hoảng về chi phí sinh hoạt hiện tại, để đoàn kết đảng (Bảo thủ) của chúng ta, và để tiếp tục một công cuộc vĩ đại: thống nhất và nâng tầm đất nước". Khi Thủ tướng Anh sắp mãn nhiệm Boris Johnson viết những lời ấy để chúc mừng thắng lợi của người kế nhiệm Liz Truss, có lẽ chính ông là người hình dung được rõ ràng nhất những thách thức đón đợi bà.
0:00 / 0:00
0:00

Ngày 5/9, sau nhiều tuần bầu chọn, đảng Bảo thủ (chính đảng đang nắm quyền tại Anh) công bố: Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Liz Truss sẽ trở thành nhà lãnh đạo mới của đảng, đồng thời thay thế ông Boris Johnson trên cương vị Thủ tướng Anh.

Kết quả bầu chọn vòng cuối, bà Liz Truss giành được 81.326 phiếu ủng hộ, vượt khá xa so số phiếu 60.399 dành cho đối thủ duy nhất của bà, là cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak.

Trong ngày 6/9, ông Boris Johnson diện kiến Nữ hoàng Anh Elizabeth II để chính thức nộp đơn xin từ chức. Đồng thời, bà Liz Truss trình bày kế hoạch thành lập chính phủ với Nữ hoàng. Và như vậy, bà là Thủ tướng Anh thứ tư của đảng Bảo thủ, kể từ năm 2015.

Ngay trong những phát biểu đầu tiên sau khi thắng cử, vị tân thủ tướng đã gián tiếp khắc họa những bài toán hóc búa trước mắt.

Bà cam kết sẽ triển khai một kế hoạch quyết liệt nhằm giảm thuế và thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Bà tái khẳng định sẽ tìm cách tháo gỡ cuộc khủng hoảng năng lượng, giúp người dân giảm gánh nặng chi phí đồng thời giải quyết những vấn đề dài hạn về nguồn cung năng lượng.

Trước đó, nghĩa là khi cuộc bầu chọn nội bộ đảng Bảo thủ chuẩn bị diễn ra, bà tuyên bố: Trong vòng một tuần sau khi nhậm chức, bà sẽ đưa ra kế hoạch nhằm khắc phục tình trạng chi phí năng lượng tăng, và bảo đảm các nguồn cung năng lượng trong tương lai.

Để dễ hình dung hơn, ta có hai số liệu ảm đạm mới được Luân Đôn công bố: Đến tháng 10 tới, giá năng lượng tại Anh sẽ tăng đến 80% so cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, tính đến cuối tháng 8, giá lương thực ở Đảo quốc Sương mù cũng đã tăng tới 10,5%. Ngắn gọn, "bóng ma" lạm phát đã thật sự hiện hữu. Đây là những vấn đề cấp bách hàng đầu, cũng chính là những điểm cốt lõi khiến người tiền nhiệm Boris Johnson phải rời vị trí.

Cùng ngày 5/9, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) nhất trí sẽ cắt giảm sản lượng trong tháng 10 (khoảng 100.000 thùng/ngày so tháng 9). Một cú đòn giáng mạnh vào những phát biểu đầy tự tin của bà Liz Truss, bởi với động thái này, nguồn cung năng lượng toàn cầu lại càng trở nên eo hẹp. Và dĩ nhiên, giá dầu sẽ lại càng không có cơ hội hạ thấp. Do đó, theo đà cộng hưởng, chi phí sinh hoạt cũng khó có thể sớm được bình ổn, chưa nói đến tái thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Nữ thủ tướng mới của nước Anh sẽ có thể áp dụng những "biện pháp tình thế" nào?

Câu trả lời, có thể đã nằm trong cách bà tự mô tả bản thân: "Tôi đã là một nhà bảo vệ môi trường, trước khi bảo vệ môi trường trở thành vấn đề thời thượng". Không chỉ một lần, Liz Truss cho rằng nên tiết kiệm tài nguyên, sử dụng ít hơn và tránh lãng phí. Bởi vậy, siết chặt "chi tiêu năng lượng" trong xã hội Anh có thể sẽ là hướng đi mà bà lựa chọn.

Bà cũng từng ký cam kết chính trị (trong mạng lưới nội bộ đảng Bảo thủ), theo đó đẩy mạnh sử dụng năng lượng sạch ở Anh, từ đó cắt giảm chi phí sinh hoạt đồng thời củng cố an ninh năng lượng. Và bà cũng từng hé lộ ý định ký duyệt một loạt giấy phép khai thác dầu khí mới ở các mỏ biển Bắc.

Tuy nhiên, đó đều là những kế hoạch dài hạn. Là những gánh "nước xa", còn "lửa gần" lạm phát thì vẫn đang bùng lên...