Tập trung phát triển khu công nghiệp xanh, bền vững

Từ nhiều năm qua, tỉnh Bình Dương luôn chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp (KCN) theo hướng đồng bộ, hiện đại. Hiện, tỉnh đang tiếp tục hoàn thiện mục tiêu trên với việc chú trọng phát triển các KCN xanh thân thiện môi trường, bền vững và hiện đại.
0:00 / 0:00
0:00
VSIP, một trong những mô hình tiên phong phát triển công nghiệp xanh.
VSIP, một trong những mô hình tiên phong phát triển công nghiệp xanh.

Hình thành các KCN xanh quy mô lớn

Vào tháng 3 năm nay, tỉnh Bình Dương đã khởi công xây dựng KCN VSIP III, rộng 1.000ha tại thị xã Tân Uyên. Dự án do liên doanh giữa Tổng công ty Becamex IDC (Việt Nam) và liên minh các nhà đầu tư Singapore do Tập đoàn Sembcorp Development dẫn đầu - VSIP Group. Đây được xem là dự án đánh dấu cột mốc mới đối với liên doanh VSIP bởi KCN được thiết kế theo định hướng xanh, bền vững. VSIP III được thiết kế để tích hợp công nghệ thông minh trong các hoạt động của KCN, từ việc sử dụng năng lượng, nước, chất thải, đến quản lý giao thông và an ninh. Không chỉ vậy, việc sử dụng các thiết bị giám sát theo thời gian thực để theo dõi, phân tích và tối ưu hóa hiệu suất từ xa, giúp tăng cường giám sát trực quan trong các hoạt động, làm cho KCN trở nên an toàn, đáng tin cậy và hiệu quả hơn đối với khách hàng và người lao động.

Ông Kelvin Teo, Giám đốc điều hành Tập đoàn SembCorp Development (Singapore), đồng Chủ tịch VSIP Group khẳng định, KCN VSIP III đánh dấu sự thay đổi lớn về chiến lược phát triển bền vững, sẽ góp phần thu hút dòng vốn FDI cho tỉnh Bình Dương và giúp KCN VSIP III trở thành một trong những môi trường làm việc xanh và bền vững tại Việt Nam.

Trao đổi ý kiến với PV báo Thời Nay, Tổng Giám đốc Công ty Liên doanh TNHH KCN Việt Nam - Singapore Nguyễn Phú Thịnh cho biết, giai đoạn 1 dự án rộng 100ha và đã đạt điều kiện để được cấp Chứng nhận Xanh Green Mark của Cơ quan quản lý xây dựng Singapore (BCA) đối với các KCN. Điều này sẽ giúp VSIP III trở thành một trong những môi trường làm việc xanh và bền vững nhất tại Việt Nam. Nổi bật trong đó là trang trại năng lượng mặt trời tại chỗ rộng 50ha mang lại độ tin cậy và tính bền vững về việc cung cấp điện cho các khách hàng lớn tại KCN này.

Là khách hàng đầu tiên của KCN tiếp cận với trang trại năng lượng mặt trời, Tập đoàn LEGO của Đan Mạch cũng đã được Chính phủ Việt Nam trao giấy phép đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất trên diện tích 44ha, với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD. Đây là nhà máy lớn thứ sáu trên toàn cầu và nhà máy thứ hai ở châu Á của LEGO. Dự kiến, nhà máy sẽ khởi công vào cuối năm 2022 và đi vào hoạt động năm 2024.

Giám đốc Vận hành của Tập đoàn LEGO Carsten Rasmussen cho hay, nhà máy LEGO tại Bình Dương sẽ là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của LEGO khi sử dụng năng lượng sạch tại chỗ từ pin mặt trời. VSIP sẽ thay mặt LEGO xây dựng một dự án năng lượng mặt trời kế bên. Từ đó, mạng lưới năng lượng mặt trời này sẽ sản xuất đủ năng lượng tái tạo để đáp ứng 100% yêu cầu hằng năm của nhà máy. Nhà máy đáp ứng tiêu chuẩn của LEED Gold, bao gồm tất cả các lĩnh vực bền vững từ năng lượng, nước, chất thải. LEGO sẽ cùng với VSIP trồng 50.000 cây xanh tại địa phương để bù đắp cho những thảm thực vật bị mất đi trong quá trình xây dựng nhà máy.

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Becamex IDC Nguyễn Văn Hùng, đến nay đã có 31 tập đoàn và công ty trong và ngoài nước quan tâm tìm hiểu khả năng phát triển sản xuất tại VSIP III, tương đương với 176ha đất công nghiệp và 1,8 tỷ USD vốn đầu tư. “Chúng tôi sẽ phát triển KCN này thành một trong những KCN thông minh, xanh, bền vững của cả nước với các nhà máy năng lượng mặt trời công suất lớn, cung cấp nguồn năng lượng tái tạo tại chỗ cho các nhà máy, đồng thời, góp phần thực hiện mục tiêu trung hòa carbon...”, ông Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.

Một dự án KCN quan trọng khác cũng được chính quyền tỉnh Bình Dương đặt nhiều kỳ vọng là KCN Cây Trường (huyện Bàu Bàng) cũng sẽ tiếp tục được khởi công xây dựng với quy mô 700ha, do Tổng công ty Becamex IDC đầu tư. Dự án này dự kiến thực hiện từ năm 2022 đến 2026, với tổng vốn đầu tư hơn 5.259 tỷ đồng.

Theo UBND tỉnh Bình Dương, KCN Cây Trường sẽ được xây dựng theo mô hình hệ sinh thái công nghiệp kiểu mới với nền tảng đổi mới sáng tạo, khoa học-công nghệ, kết hợp với hạ tầng giao thông kết nối vùng, hệ thống logictics, đào tạo nguồn lao động chất lượng cao, đầy đủ dịch vụ y tế, giáo dục và hạ tầng xanh, tạo ra môi trường sống và làm việc tốt cho chuyên gia và người lao động, giúp địa phương phát triển ổn định, bền vững.

Chú trọng đầu tư chất xám, công nghệ cao

Nhận thấy tiềm năng, lợi thế của Bình Dương trong việc phát triển KCN xanh, hiện đại, bền vững, tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương vào giữa tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị tỉnh Bình Dương cần chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp hướng đến những ngành nghề có ưu thế, tiềm năng dựa trên đổi mới, sáng tạo; nâng cao hiệu quả thu hút vốn đầu tư và ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ xanh, tài chính xanh, quản trị xanh. “Bình Dương phải phát triển hệ sinh thái công nghiệp xanh, thông minh, bền vững, bao trùm và không để ai bị bỏ lại phía sau”, Thủ tướng chỉ rõ.

Cũng theo Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocharm) Erwin Debarea, Bình Dương được các đối tác EU nhận định là điểm đến hấp dẫn của “công nghiệp xanh”. Các lĩnh vực chú trọng thu hút đầu tư của tỉnh như công nghệ cao, chuyển đổi số, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường hướng đến tăng trưởng xanh và phát triển bền vững trùng khớp với những lĩnh vực các nhà đầu tư EU quan tâm và ưu tiên hướng đến.

Chia sẻ về định hướng phát triển trong tương lai, Tổng Giám đốc Công ty Liên doanh TNHH KCN Việt Nam - Singapore Nguyễn Phú Thịnh cho biết, thời gian tới, bên cạnh việc phát triển công nghiệp truyền thống với ứng dụng khoa học hiện đại, VSIP sẽ phát triển đa dạng hóa các loại hình dịch vụ và tiện ích nhằm hoàn thiện và đa dạng hóa mô hình phức hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ. Các thiết bị thông minh và ứng dụng công nghệ sẽ giúp nâng tầm phát triển của mô hình công nghiệp đơn thuần sang mô hình KCN xanh, thông minh và bền vững.

Để ngành công nghiệp tỉnh Bình Dương phát triển theo hướng xanh và bền vững, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Dương Bùi Minh Trí thông tin, Bình Dương đang tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào các ngành công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường.

“Chủ trương đến năm 2025, tầm nhìn 2030, Bình Dương đặt mục tiêu phát triển các KCN bền vững theo mô hình “3 trong 1” (KCN - khu đô thị - khu dịch vụ) với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại. Chính vì vậy, tỉnh đã xây dựng nhiều cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào các KCN; đồng thời, tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thủ tục pháp lý về đất đai cho nhà đầu tư thứ cấp trong các KCN”, ông Bùi Minh Trí chia sẻ.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển cũng như xu thế thu hút đầu tư “xanh”, ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương cho biết, Bình Dương đã và đang tiếp tục chuyển hướng thu hút đầu tư có chọn lọc theo hướng tăng hàm lượng chất xám, khoa học - công nghệ cao và thân thiện môi trường. Thực hiện mục tiêu này, Bình Dương đang tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh nhằm thích ứng với nền sản xuất mới, cách mạng công nghiệp 4.0. “Trong giai đoạn mới, Bình Dương định vị một phân khúc mới, đó là phát triển công nghiệp gắn liền với phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo”, ông Mai Hùng Dũng nhấn mạnh.

Trong sáu tháng đầu năm 2022, các KCN trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã cho thuê lại đất và nhà xưởng với tổng diện tích 196ha, thu hút đầu tư nước ngoài đạt gần 1,8 tỷ USD. Đến nay, tỉnh đã thành lập 29 khu công nghiệp, với tổng diện tích quy hoạch khoảng 12.700ha. Trong đó, có 27 KCN đã đi vào hoạt động, với tổng diện tích 10.624ha. Hiện, các KCN trên địa bàn tỉnh đã thu hút 2.342 dự án đầu tư nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký 26 tỷ USD và 672 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 86.810 tỷ đồng.