Họa sĩ Bùi Mai Hiên:

“Tạo ra cách nhìn hay là một vinh dự”

Có nhiều đóng góp cho hội họa ở mảng tranh sơn mài, hai năm trở lại đây, họa sĩ Bùi Mai Hiên vẽ bằng chất liệu acrylic. Thiên nhiên đi vào tranh của chị một cách hồn nhiên, sống động.
0:00 / 0:00
0:00
Họa sĩ Bùi Mai Hiên bên một tác phẩm chuẩn bị triển lãm.
Họa sĩ Bùi Mai Hiên bên một tác phẩm chuẩn bị triển lãm.

Sáng tạo là sống trong hạnh phúc

Gần 70 bức theo lối vẽ nửa siêu thực của Bùi Mai Hiên cuốn hút người xem bởi sự bung tỏa với kỹ thuật pha trộn, đổ mầu điêu luyện, tạo nên sự dữ dội đầy mỹ cảm. Nhiều người ấn tượng với những bức: “Cơn lũ đi qua”, “Biển xanh bao la 1”, “Sự di tản của rong rêu”, “Giấc mơ của nhà sứa 1”, “Nhà sứa đi trẩy hội”, “Theo dòng phù sa”… Nhìn sâu vào tranh thấy ẩn chứa trong đó là sự vần vũ của tạo hóa.

Hầu hết các tác phẩm này, Mai Hiên vẽ về thế giới thiên nhiên với những hình ảnh gần gũi như mây, gió, bầu trời, sa mạc, con sứa… Họa sĩ tâm sự: “Cách đây ít năm ra biển, tôi được nhìn những con sứa bơi trong nước và thấy sự kỳ diệu trong đó. Một vùng nước có sứa sinh sống là vùng nước bình yên. Tôi cũng thích vẽ về những cái gì đó không giới hạn, là một cách để thể hiện khao khát bảo vệ thiên nhiên, môi trường”.

Nữ họa sĩ cũng bảo rằng, nhiều năm dấn thân cho hội họa, hai năm nay khi biểu đạt về thiên nhiên bằng bút pháp nửa siêu thực, chị đã khám phá ra chính bản thân mình còn nhiều khả năng sáng tạo. Rằng chị đã vẽ hay hơn mình đã từng. Rằng chính chị đã khám phá ra một cách nhìn về thế giới, cuộc sống, và cái đẹp không có biên giới.

Chị cũng luôn suy nghĩ mở về hội họa và luôn tìm cách sáng tạo, chứ không đóng khung mình, không dừng lại trong cuộc sống nhiều biến chuyển. Mỗi khi vẽ, chị chuẩn bị một tâm thế tốt nhất, có nhiều năng lượng nhất để nhập cuộc với sự thăng hoa. Rồi chính nghệ thuật đã đưa chị thoát ra khỏi sự mỏi mệt. Trước câu hỏi với hội họa, điều gì là khó nhất, Mai Hiên trả lời: “Cái khó nhất là họa sĩ làm được một cuộc cách mạng về cái mới, tạo ra sự riêng biệt. Tôi làm tranh sơn mài, hay những bức sắp triển lãm đây chỉ có độc bản, không ai có thể chép được”.

Hiện tại, họa sĩ Bùi Mai Hiên thấy vui vì mình đã có được phát kiến và nuôi được dòng cảm xúc để có thể hoàn thành số lượng tranh nhiều trong hai năm. “Tôi sẽ tiếp tục khám phá mình ở trong tương lai. Khi còn yêu, còn sáng tạo là cảm giác mình được sống trong hạnh phúc”, họa sĩ nhấn mạnh.

Không chạy theo thị hiếu

Làm nghệ thuật, Mai Hiên không chiều theo thị hiếu của thị trường, vẽ không nhất thiết để bán mà làm những gì tốt nhất cho con đường nghệ thuật của mình. Bởi thế chị có thể tung tẩy, làm chủ sắc mầu. Chị cũng không chọn lối vẽ thông thường đi từ hiện thực để sang trừu tượng, mà lại đi từ trừu tượng để trở về với nửa hiện thực và hiện thực. Là đồng nghiệp có nhiều lần triển lãm chung và cùng đi thực tế sáng tác, họa sĩ Trần Thùy Linh chia sẻ: “Tranh sơn mài của Mai Hiên nhiều mầu sắc, tạo hình hiện đại với nhiều không gian, đậm tính triết lý, mạch lạc trong cấu trúc, đường nét và vượt ra ngoài quan niệm về kỹ thuật cũng như mầu sắc của sơn mài truyền thống”.

Một thời gian, họa sĩ Bùi Mai Hiên gắn bó với mảnh đất Sa Pa (Lào Cai), và thiên nhiên vùng cao đã đi vào tranh chị hết sức tự nhiên. Người xem có thể cảm nhận được vẻ đẹp phóng khoáng của nhiều vùng núi cao Việt Nam. Qua đó chị muốn nhắn nhủ, mỗi người cần dành tình yêu cho thiên nhiên, cho những cảnh đẹp kỳ vĩ của đất nước. Và hai năm nay chuyển đề tài, chị vẫn không tách mình ra khỏi thiên nhiên. Đầu tháng 11 tới tại 42 Yết Kiêu (Hà Nội) chị sẽ mở triển lãm “Vô cực” với mong muốn tranh có thể “nói” được tình yêu vô bờ bến đối với những vẻ đẹp giản dị, gần gũi con người.

Xác định tâm thế đi đường dài, Mai Hiên không cho phép mình phụ thuộc vào kinh tế và trào lưu đám đông. Chị cũng đánh giá cao nhiều họa sĩ trẻ ngày nay, đã chịu khó trau dồi kiến thức, khả năng để vẽ được nhiều tranh đẹp, đóng góp cho nền hội họa nước nhà. “Tôi luôn muốn làm mới mình và sẽ làm việc không ngừng. Việc sáng tạo ra cái đẹp, tạo ra một cách nhìn hay một phong cách mới trong hội họa là một vinh dự, một niềm hạnh phúc rất khó tả”, Mai Hiên nhấn mạnh.

Từ năm 1990, họa sĩ Bùi Mai Hiên đã được đánh giá cao về tài năng khi vẽ chất liệu sơn mài và thiên nhiên cũng hiện diện trong tranh chị rất rõ, thể hiện khát khao về sự quyện hòa, cộng sinh. Nhưng rồi bệnh dị ứng sơn tích lũy qua hàng chục năm đã nhiều lần đưa chị đến lằn ranh sinh tử, phải chọn một chất liệu khác là acrylic.