Tạo liên kết, tăng giá trị cho ngành logistics

NDO -

Tiềm năng ngành logistics Việt Nam còn rất lớn, song với đội ngũ doanh nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần sự liên kết để gia tăng tính cạnh tranh.

Ngành logistics còn rất nhiều tiềm năng để phát triển.
Ngành logistics còn rất nhiều tiềm năng để phát triển.

Sức hấp dẫn của thị trường logistics

Đánh giá sức tăng trưởng của thị trường logistics hàng không tại Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó Trưởng ban Kinh doanh và Phát triển thị trường, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, giai đoạn 2012 - 2019 đã ghi nhận sự bùng nổ tăng trưởng của thị trường vận tải hàng không từ cơ sở hạ tầng cảng hàng không đến đội tàu bay và mạng đường bay, tổng lượt hành khách và hàng hóa có tăng trưởng bình quân lần lượt 17-13%. Riêng năm 2020, 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên sản lượng hàng hóa và khách qua các cảng hàng không có giảm sút.

“Tuy nhiên, các số liệu cho thấy, vận tải hàng hóa bằng đường hàng không ít chịu thiệt hại bởi tác động Covid-19 so với vận tải hành khách do việc kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trong nước; đẩy mạnh các hoạt động giao thương, kết nối, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa và xuất khẩu trong điều kiện an toàn phòng dịch đã kích cầu tiêu dùng, phát triển thị trường; các chính sách hỗ trợ giảm phí cất hạ cánh và các hãng hàng không tập trung đẩy mạnh vận chuyển hàng hóa…”, ông Hưng cho hay.

Trong cơ cấu tổng sản lượng vận chuyển hàng hóa, hàng hóa quốc tế chiếm đến 80%. Thị phần vận chuyển hàng hóa quốc tế của các hãng hàng không trong nước chỉ chiếm 12%, 88% còn lại nằm trong tay 75 hãng hàng không nước ngoài có đường bay đến Việt Nam.

Dịch vụ logistics hàng không đã phát triển tương đối mạnh trong thời gian gần đây, cùng với các ngành hàng khác như đường sắt, đường bộ… Thông tin đưa ra tại Hội thảo “Phát triển thị trường dịch vụ logistics cho doanh nghiệp” do Bộ Công thương tổ chức mới đây cho thấy, quy mô thị trường logistics toàn cầu ước đạt 3.215 tỷ USD vào năm 2021, tăng 17,6% so với năm 2020. Điều này cho thấy ngành logistics vẫn có tiềm năng phát triển rất lớn. 

Việt Nam cũng đã đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5-6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 50 trở lên. 

Logistics là ngành cung cấp các dịch vụ liên quan tới vận tải biển, đường hàng không, đường bộ và quản lý hàng hóa khai báo hải quan hay cung cấp dịch vụ cho khách hàng, phục vụ chuỗi cung ứng cho ngành hàng bán lẻ. Thời gian qua, sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử đã và đang khiến thói quen tiêu dùng thay đổi từ mua bán truyền thống sang mua hàng trực tuyến. Bên cạnh đó, nền kinh tế mở cửa và hội nhập ngày càng sâu rộng với hơn 500 tỷ USD xuất nhập khẩu mỗi năm; quy mô vận tải hàng hóa đường bộ, đường biển, đường hàng không, đường sắt đều rất lớn - đây là mảnh đất màu mỡ để các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực logistics có thể tìm kiếm cơ hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, tiềm năng, ngành logistics Việt Nam cũng đang gặp một số khó khăn, thách thức. Theo số liệu từ Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam, hiện nay 95% các doanh nghiệp logistics đang hoạt động là doanh nghiệp Việt Nam. Số lượng doanh nghiệp nhiều nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, quy mô hạn chế cả về vốn và nhân lực cũng như kinh nghiệm hoạt động quốc tế, chưa có sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng logistics và giữa doanh nghiệp dịch vụ logistics với doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Nâng cao tính liên kết

Bàn về giải pháp phát triển ngành logistics, Thứ trưởng Công thương Trần Quốc Khánh cho rằng, cần đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp logistics với nhau, giữa doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, qua đó sẽ thúc đẩy sự chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, tạo dựng niềm tin giữa các doanh nghiệp. 

Ngoài ra, cần hình thành mạng lưới các doanh nghiệp lớn, có năng lực dẫn dắt thị trường; tìm kiếm, chia sẻ đơn hàng, giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa Việt Nam... “Hoạt động này không chỉ cần sự chủ động của các doanh nghiệp mà còn cần những chính sách hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nêu. 

Ông Nguyễn Quang Hòa, Giám đốc Giải pháp thương mại tích hợp, Công ty CP FPT: Thách thức trong ngành logistics hiện nay là đang rất thiếu sự liên kết giữa các cửa hàng trực tuyến và cửa hàng trực tiếp; thiếu liên kết các hệ thống vận tải/hệ thống thanh toán; thiếu hệ thống quản lý các đơn vị vận đơn trung gian, thiếu thông tin theo dõi vận đơn thời gian thực. Bên cạnh đó, cần làm thế nào để tối ưu lộ trình xe, giảm tình trạng tải rỗng đường về, xác định điểm giao hàng gần nhất; làm thế nào để kiểm soát đội xe và các chi phí liên quan, sự minh bạch về thời gian... Việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số có thể giúp tối ưu hóa hoạt động logistics. 

Theo ông Trần Trung Hưng, Tổng giám đốc Tổng công ty CP Bưu chính Viettel nêu: Hạ tầng giao thông chưa đồng bộ; kết nối giữa các phương thức vận tải và các doanh nghiệp còn hạn chế vẫn tiếp tục là nguyên nhân dẫn đến chi phí vận tải tại Việt Nam còn quá cao, thiếu tính cạnh tranh. Để tăng cường sự liên kết, các doanh nghiệp Việt Nam phải thực sự cởi mở, đừng coi các doanh nghiệp nội địa là đối thủ của nhau. Đặc biệt vai trò kết nối của hiệp hội là rất quan trọng.