Đạo diễn, NSND Giang Mạnh Hà:

Tạo đột phá cần bắt đầu từ chính sách

Câu chuyện sân khấu chậm nhịp so với đời sống hiện đại đã được bàn luận từ nhiều năm qua. Song, dường như những giải được thực thi chưa mang lại hiệu quả đáng kể. Trao đổi với Nhân Dân cuối tuần, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, đạo diễn, NSND Giang Mạnh Hà (ảnh dưới) đã chia sẻ những trăn trở, lo lắng và đề xuất những giải pháp mang tính căn cơ giúp sân khấu tạo được sức hấp dẫn với công chúng hiện đại.

Cảnh trong vở Vụ án người đốt đền của Sân khấu Lệ Ngọc. Ảnh: TRỌNG HOÀNG
Cảnh trong vở Vụ án người đốt đền của Sân khấu Lệ Ngọc. Ảnh: TRỌNG HOÀNG
Tạo đột phá cần bắt đầu từ chính sách -0
 

Kỳ vọng những đột phá

- Rất nhiều dự án, chương trình biểu diễn nghệ thuật đang được giới thiệu, nhiều phương thức thu hút khán giả trở lại với sân khấu đang được triển khai. Từ góc nhìn của ông, sự hồi phục của sân khấu đang diễn ra như thế nào?

- Đúng là thời điểm hiện nay, nhiều dự án và chương trình biểu diễn nghệ thuật được triển khai và giới thiệu. Một trong những lý do là bởi hai năm qua, giới sân khấu chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, các hoạt động nghệ thuật biểu diễn nói chung đều phải tạm dừng. Nhưng cũng bởi vậy, các đơn vị nghệ thuật cũng như nghệ sĩ có nhiều thời gian thai nghén đầu tư sâu hơn, kỹ càng hơn cho các ý tưởng sáng tạo. Có thể cảm nhận được sự khao khát được thể hiện, được công diễn và quảng bá những tâm huyết sáng tạo của anh chị em văn nghệ sĩ đặc biệt là giới sân khấu. Và bản thân khán giả sau một thời gian không đến được nhà hát, không được xem nghệ thuật họ cũng có nhu cầu được thưởng thức nghệ thuật, được xem những nghệ sĩ mà họ yêu thích, hâm mộ. Chính từ những nhu cầu chính đáng đó đã tạo nên luồng sinh khí mới cho sân khấu, giúp cho hoạt động nghệ thuật biểu diễn thăng hoa hơn, sôi động hơn.

- Đồng hành với những nỗ lực của các đơn vị nghệ thuật, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã và sẽ có những kế hoạch, chương trình như thế nào để trợ lực cho nghệ thuật và nghệ sĩ?

- Xác định năm 2022 khó khăn sẽ tiếp tục kéo dài bởi đại dịch Covid-19, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam dự kiến phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các địa phương, các đơn vị nghệ thuật sân khấu cả nước để tổ chức nhiều hoạt động như: Trại sáng tác và tập huấn nghiệp vụ cho tác giả, đạo diễn; Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc, Liên hoan Chèo toàn quốc, Liên hoan Xiếc quốc tế, Liên hoan Cải lương toàn quốc, Cuộc thi tài năng Múa rối toàn quốc, Cuộc thi tài năng diễn viên sân khấu Cải lương Trần Hữu Trang (Tháng 9), Liên hoan sân khấu về đề tài thiếu nhi, Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm... Năm 2022, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam sẽ tròn 65 tuổi, dự kiến, Hội sẽ phối hợp các cơ quan quản lý, các hội chuyên ngành tạo ra một chuỗi hoạt động nghệ thuật như một sự đồng hành, tạo điều kiện tốt nhất cho các đơn vị nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp trên cả nước cùng tham gia. Tôi tin chắc năm 2022 diện mạo của sân khấu cả nước sẽ có nhiều đột phá, nở rộ nhiều tác phẩm nghệ thuật có chất lượng, phong phú về thể loại và đề tài sáng tạo. Chắc chắn khán giả sẽ có cơ hội để thưởng thức những món ăn tinh thần có giá trị và ý nghĩa.

Cần chú trọng tính đặc thù

- Nghệ thuật sân khấu đang được nhìn nhận là ngày càng đi vào lối mòn, thiếu sự đột phá trong sáng tạo ở tất cả các khâu. Cần phải làm gì để thay đổi thực trạng đáng lo ngại đó?

- Đây là bài toán cũng là nỗi lo lắng, trăn trở mà Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã nêu ra trong nhiều năm nay. Nền sân khấu Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn, chưa tạo được sự đột phá với những tác phẩm nghệ thuật mới lạ, hấp dẫn buộc khán giả phải có nhu cầu mua vé đi xem. Những khó khăn về nhân lực, tài lực khiến cho nhiều đơn vị không đủ sức cạnh tranh với chính những đơn vị cùng một hình thức nghệ thuật. Chính sách tiền lương dù đã "cải cách" vẫn chưa tạo ra động lực đủ mạnh cho người hưởng lương phát huy tài năng và cống hiến. Có thể thấy sân khấu hiện nay đang bị khủng hoảng về đội ngũ những người làm nghề ở mọi thành phần từ tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ biểu diễn cho đến những nhà quản lý nghệ thuật có năng lực, đội ngũ những nhà lý luận phê bình sân khấu. Đặc biệt, số tác giả viết cho sân khấu truyền thống ngày càng ít và giảm đi theo thời gian, làm cho số lượng kịch bản vừa thiếu vừa yếu. Vì vậy, ngành sân khấu rất cần đến sự quan tâm, đầu tư hơn nữa và có các chính sách đãi ngộ đặc thù của Nhà nước đối với người nghệ sĩ.

Trong bối cảnh đó, văn nghệ sĩ nói chung, nghệ sĩ sân khấu nói riêng vô cùng vui mừng và đặt nhiều kỳ vọng vào Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định vai trò lớn của văn hóa: "Văn hóa còn thì dân tộc còn" và có những chỉ đạo trực tiếp giúp cho văn nghệ sĩ có niềm tin về sự phát triển của văn hóa, đặc biệt là với nghệ thuật sân khấu chúng tôi. Chúng tôi được biết Chính phủ cho phép Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu đề xuất để xây dựng nghị định về chế độ, chính sách cho nghệ sĩ. Đây là bước cơ bản giúp cho ngành tiếp tục phát huy được giá trị nghệ thuật, tạo động lực sáng tạo cho những người làm nghệ thuật biểu diễn.

Chúng tôi rất mong cơ quan dự thảo Nghị định cần nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn để đánh giá một cách cụ thể về những bất cập trong chế độ, chính sách đối với nghệ sĩ, đồng thời xác định nội dung nào phù hợp để đưa vào dự thảo Nghị định về chế độ, chính sách cho nghệ sĩ. Đặc biệt là những quy định về chế độ lương, bồi dưỡng tập luyện làm sao có cách tính để không bị lạc hậu với thực tế cuộc sống. Chế độ, chính sách đối với những người làm nghệ thuật biểu diễn phải được chú trọng tới tính đặc thù và nếu cần phải có những quy định cụ thể cho lực lượng nghệ sĩ biểu diễn cụ thể tới từng loại hình nghệ thuật khác nhau.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước cũng đang xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng các đề án làm cơ sở triển khai thực hiện nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước và thúc đẩy sự nghiệp phát triển nghệ thuật biểu diễn lên một bước mới; tiếp tục xây dựng Đề án sắp xếp lại, nâng cao năng lực các đơn vị nghệ thuật biểu diễn của Trung ương; xây dựng và triển khai thực hiện đề án Sân khấu học đường; xây dựng và thực hiện đề án đầu tư quảng bá các tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, tiêu biểu của Việt Nam và thế giới; xây dựng nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù lĩnh vực nghệ thuật…

- Xin cảm ơn chia sẻ của ông.