Tạo động lực phát triển đô thị khoa học

Khu Đô thị khoa học Quy Hòa (TP Quy Nhơn) là dự án thí điểm xây dựng và phát triển một khu đô thị khoa học mang tầm quốc gia, quốc tế đầu tiên của cả nước tại Bình Định. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có cơ chế, chính sách, văn bản pháp lý nào hợp quy chuẩn để tạo tiền đề cho các khu đô thị kiểu mới này phát triển.
Các em nhỏ trải nghiệm khám phá vũ trụ tại Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo TP Quy Nhơn.
Các em nhỏ trải nghiệm khám phá vũ trụ tại Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo TP Quy Nhơn.

1/Khu Đô thị khoa học Quy Hòa với trọng tâm là Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) từ khi hình thành đến nay có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội của khu vực miền Trung-Tây Nguyên và cả nước. Các sự kiện khoa học được tổ chức tại Trung tâm ICISE đã quy tụ hàng nghìn nhà khoa học hàng đầu thế giới trên nhiều lĩnh vực về Bình Định, tạo cơ hội cho các nhà khoa học trẻ Việt Nam có điều kiện tiếp cận, học hỏi các phương pháp giáo dục tiên tiến.

Với sự hiện diện của các nhà khoa học hàng đầu thế giới cùng các phương pháp nghiên cứu khoa học hiện đại, nhiều bạn trẻ ở Việt Nam có thể tìm kiếm học bổng tiếp tục học thạc sĩ, tiến sĩ, nghiên cứu sau tiến sĩ ở nước ngoài. Vì thế, ngay từ khi thành lập, Trung tâm ICISE đã được các nhà khoa học trong nước và quốc tế đánh giá là một điểm sáng khoa học tại khu vực Đông Nam Á, là một điểm gặp gỡ, giao lưu học thuật góp phần kết nối các nhà khoa học Việt Nam và các nhà khoa học thế giới.

Ths Nguyễn Ngọc Hóa, Giám đốc Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo tỉnh Bình Định cho biết, hiện nay, Trung tâm đang xây dựng, đề xuất các nhiệm vụ để chủ động trong phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong đó có thể kể đến việc nghiên cứu, sản xuất, chế tạo các mô hình để phục vụ cho sứ mệnh phổ biến khoa học. Trung tâm sẵn sàng về nguồn nhân lực, nhất là việc khai thác công năng của các công trình trong việc tham gia chương trình về giáo dục STEM dành cho học sinh trên địa bàn tỉnh. Trong triển khai hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ, luôn chủ động tham gia mạng lưới nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực thiên văn học.

Bên cạnh đó, với vị trí địa lý đặt tại Khu Đô thị khoa học Quy Hòa, Trung tâm đã đề xuất với Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu UBND tỉnh hình thành mô hình Trung tâm Đổi mới sáng tạo cấp vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Hoạt động xuyên suốt và chủ đạo sẽ là ứng dụng các giải pháp công nghệ, trí tuệ nhân tạo nhằm luôn luôn đổi mới hoạt động để đáp ứng được nhu cầu của thời đại. “Các điều kiện cứng về tiềm năng đổi mới sáng tạo liên quan yếu tố chủ động về tận dụng, nắm bắt các xu thế và ứng dụng công nghệ, yếu tố sẵn sàng về nguồn nhân lực tham gia vào hoạt động đổi mới sáng tạo hiện chúng tôi đã sẵn sàng”, Ths Hóa thông tin.

2/Mục tiêu của Khu đô thị khoa học Quy Hòa hướng đến là phát triển Quy Nhơn thành một thành phố khoa học hàng đầu của Việt Nam, nơi giao lưu của các nhà khoa học hàng đầu thế giới. Ở thời điểm năm 2018, những tiền đề cho việc hình thành và phát triển một quần thể nghiên cứu khoa học và giáo dục đẳng cấp cao theo mô hình Khu đô thị khoa học đã được hình thành.

Tuy nhiên, đến nay việc phê duyệt đề án vẫn giậm chân tại chỗ. Do chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt nên đề án không được hưởng những chính sách ưu đãi đặc biệt về xây dựng hạ tầng, hạ tầng nội khu. Vì thế, để xây dựng, hình thành và phát triển khu đô thị khoa học, rất cần sự gắn kết giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học và hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Cùng với đó là thu hút các nguồn lực trong nước và nước ngoài, tạo động lực thúc đẩy phát triển khoa học và giáo dục.

TS Nguyễn Hữu Hà, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định cho biết, ở thời điểm này, chúng ta đang thiếu những chuyên gia có kỹ năng và kiến thức chuyên sâu về các lĩnh vực công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), và Internet vạn vật (IoT). Trong khi đó, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là về công nghệ thông tin và truyền thông lại chưa phát triển đầy đủ và chưa đủ hiện đại để đáp ứng các yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đặc biệt, các quy định pháp lý và chính sách hỗ trợ cho nghiên cứu và phát triển công nghệ còn nhiều bất cập và chưa đồng bộ nên việc đầu tư cho nghiên cứu và phát triển còn hạn chế. Chưa kể, ngân sách dành cho nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ còn thấp so các nước phát triển, gây khó khăn trong việc thực hiện các dự án nghiên cứu lớn và dài hạn.

Hiện nay khái niệm thế nào là một thành phố khoa học vẫn chưa rõ ràng. Mặc dù trong thực tiễn phát triển khoa học công nghệ nước ta đã hình thành nhiều mô hình Khu Công nghệ cao, Công viên phần mềm, Tổ hợp khoa học-sản xuất, Trường đại học trọng điểm. Tuy nhiên, những mô hình này cũng đang gặp phải những vấn đề lúng túng, và đây cũng chưa phải là mô hình phù hợp để có thể đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển đối với các hoạt động khoa học và giáo dục.

Có thể bạn quan tâm