Đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk:

Tạo động lực mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng thể hiện những quyết sách đúng đắn, mạnh mẽ của Đảng về phát triển nhanh và bền vững đất nước trong từng giai đoạn. Với vai trò Bí thư cấp ủy một tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên, trực tiếp tham gia thảo luận dự thảo Văn kiện Đại hội, theo đồng chí, vấn đề nào được cho là có ý nghĩa đặc biệt đối với địa bàn Tây Nguyên?

Tạo động lực mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên

Đồng chí Bùi Văn Cường: Trong mỗi kỳ Đại hội của Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân luôn kỳ vọng những quyết sách đúng đắn, mạnh mẽ để đất nước ta phát triển nhanh và bền vững. Văn kiện Đại hội XIII lần này được chuẩn bị thật sự kỹ lưỡng công phu, định hướng nhiều vấn đề lớn, chiến lược, có tầm nhìn xa đến năm 2045 xây dựng khát vọng một Việt Nam hùng cường. Các dự thảo văn kiện đề cập tổng thể, toàn diện những vấn đề lớn, giải pháp khả thi đối với sự nghiệp xây dựng Đảng và phát triển đất nước trong 5 năm, 10 năm và 25 năm tới. Trong đó, phát triển vùng tiếp tục là một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn mới. Định hướng lớn trình Đại hội XIII của Đảng thật sự là kỳ vọng của cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
 
 Theo đánh giá của Trung ương, phát triển vùng đã có bước chuyển biến, khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, khu vực; tăng cường liên kết, nhiều công trình hạ tầng kết nối vùng được hoàn thành. Đối với vùng Tây Nguyên, nơi chiếm 6,1% dân số, 16,5% diện tích và đóng góp 3,5% GDP cả nước, GDP bình quân đầu người của vùng bằng 58% mức trung bình cả nước (năm 2019), việc nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, kết nối với Đông Nam Bộ và một số tuyến đường nối Tây Nguyên với các địa phương ven biển, đã góp phần tạo động lực mạnh mẽ phát triển vùng. Tuy nhiên, vẫn tồn tại thực tế là thiếu cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển kinh tế và điều phối liên kết vùng hiệu quả; chưa khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của từng địa phương...
 
 Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030, đối với vùng Tây Nguyên, Trung ương định hướng, nâng cao hiệu quả các diện tích cây công nghiệp, cây dược liệu, hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, bảo quản và phân phối, xây dựng thương hiệu sản phẩm trên thị trường quốc tế; khôi phục và phát triển kinh tế rừng; phát triển năng lượng tái tạo; hình thành các tuyến du lịch chuyên đề đặc thù vùng Tây Nguyên. Song song đó, cần phát triển nguồn nhân lực, ổn định dân cư, ưu tiên bảo tồn và khôi phục các giá trị truyền thống, bản sắc của các dân tộc vùng Tây Nguyên; nâng cấp các tuyến giao thông kết nối các tỉnh Tây Nguyên với các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ và với nam Lào và đông bắc Cam-pu-chia. Bảo vệ vững chắc an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trong mọi tình huống…
 
 PV: Đắk Lắk nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, với nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, môi trường sinh thái, trong nhiệm kỳ mới, Đảng bộ tỉnh hành động như thế nào, trong đó có vai trò người đứng đầu, để phát triển kinh tế - xã hội tương xứng tiềm năng, thưa đồng chí?
 
 Đồng chí Bùi Văn Cường: Trong lộ trình đạt mục tiêu đến năm 2025, xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc, xứng đáng vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định ba trụ cột phát triển, sáu nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, cơ cấu lại nền nông nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sạch, nông nghiệp hữu cơ, đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm là trụ cột thứ nhất. Tỉnh tăng cường thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; triển khai ứng dụng công nghệ cao trên diện rộng, ưu tiên một số khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao; đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả, đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Đồng thời, quan tâm phát triển du lịch gắn nông nghiệp, sinh thái và văn hóa; tập trung xây dựng hạ tầng du lịch, sản phẩm du lịch nhất là du lịch chất lượng cao..., đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, là trụ cột thứ hai. Trụ cột thứ ba là tập trung phát triển công nghiệp chế biến sâu, công nghiệp năng lượng tái tạo. Tỉnh quan tâm hỗ trợ, ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến, nhất là chế biến các loại sản phẩm đặc hữu, có thế mạnh của Đắk Lắk, Tây Nguyên; phát triển năng lượng tái tạo tại các địa bàn có tiềm năng; khẩn trương quy hoạch, xây dựng, hình thành các khu công nghệ cao; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ 4.0 vào các ngành, lĩnh vực gắn với kinh tế số, sáng tạo, khởi nghiệp; xây dựng Trung tâm đổi mới, sáng tạo khu vực Tây Nguyên…
 
 Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra, Đắk Lắk cần củng cố bộ máy thật sự trong sạch, vững mạnh, bảo đảm yếu tố nền tảng, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hiệu quả. Phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, nhất là về giao thông, công nghệ thông tin, cải cách hành chính… Quyết tâm chính trị rất cao được biểu quyết tại Đại hội Đảng bộ tỉnh vừa qua là khởi đầu tích cực cho những hành động nỗ lực vượt thách thức, chủ động và kịp thời nắm bắt cơ hội, xây dựng Đắk Lắk phát triển toàn diện, xứng đáng trung tâm vùng, góp phần hiện thực hóa những quyết sách lớn mà Đại hội XIII đề ra, để Tây Nguyên phát triển nhanh và bền vững cùng đất nước.
 
 PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!