Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã trả lời phỏng vấn nhóm phóng viên Báo Nhân Dân về những thành tựu nổi bật của ngành và một số khó khăn, thách thức đặt ra, cũng như cơ chế đột phá, kế hoạch hành động để ngành hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ nặng nề trong thời gian tới.

Năm 2021 ghi dấu lần đầu tiên 5 quy hoạch ngành giao thông được triển khai đồng bộ dưới sự chỉ đạo thống nhất của Chính phủ. Đến nay, 4 quy hoạch ngành đã được phê duyệt, quy hoạch ngành hàng không cũng đã được Hội đồng thẩm định thông qua, Thường trực Chính phủ cho ý kiến và đang chờ Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành.

Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, 5 quy hoạch ngành giao thông là 5 quy hoạch đầu tiên trong tổng số 37 quy hoạch chuyên ngành quốc gia được phê duyệt. Bộ Giao thông vận tải sẽ chỉ đạo triển khai như thế nào để 5 quy hoạch này đạt hiệu quả cao nhất?

Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể.

Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Triển khai thực hiện Luật Quy hoạch, Quy hoạch 5 lĩnh vực giao thông vận tải thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng dựa trên nguyên tắc quán triệt văn kiện các kỳ Đại hội Đảng, đặc biệt là Đại hội lần thứ XII, XIII; tuân thủ Luật Quy hoạch; kế thừa quan điểm còn giá trị của quy hoạch trước đây, phù hợp tình hình thực tế, đặc thù và lợi thế của lĩnh vực, khắc phục các hạn chế 10 năm vừa qua. Đây là lần đầu tiên các quy hoạch 5 chuyên ngành giao thông được thực hiện đồng thời, có phân công rõ vai trò dựa trên lợi thế từng phương thức trên từng hành lang vận tải chính, bảo đảm tính hệ thống, kết nối đồng bộ hiệu quả giữa các phương thức vận tải nhằm tái cơ cấu thị phần vận tải, nâng cao chất lượng vận tải và giảm chi phí logistics.

Để triển khai thực hiện các quy hoạch có hiệu quả cao nhất, Bộ Giao thông vận tải sẽ tập trung vào bốn nội dung trọng tâm sau:

Thứ nhất, trên cơ sở các Quy hoạch tổng thể đã được phê duyệt, tập trung tổ chức lập quy hoạch chi tiết (trừ Đường thủy nội địa) cho từng chuyên ngành; tiếp theo, phải lập kế hoạch kỹ lưỡng, khả thi về nguồn lực, xác định danh mục ưu tiên đầu tư của tất cả các lĩnh vực trong các giai đoạn trung hạn trên cơ sở mức vốn được Quốc hội phân bổ; đề xuất nhiệm vụ cụ thể của các Bộ, ngành và địa phương trong việc triển khai quy hoạch; xây dựng các đề án triển khai các cơ chế, chính sách trong quy hoạch.

Thứ hai, đa dạng hóa, huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trong bối cảnh nhu cầu đầu tư lớn, ngân sách nhà nước hạn chế, đặc biệt các công trình có tính đột phá, liên kết vùng, có tính lan tỏa và các công trình ở các khu vực khó khăn, trong đó: huy động vốn xã hội hóa lĩnh vực đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không; đầu tư công lĩnh vực đường sắt; đầu tư PPP lĩnh vực đường bộ có sự tham gia hỗ trợ của ngân sách nhà nước bảo đảm tính khi các dự án; huy động vốn của địa phương thông qua chủ trương đẩy mạnh phân quyền, phân cấp các địa phương đầu tư, bảo trì các kết cấu hạ tầng giao thông, địa phương thực hiện dự án giải phóng mặt bằng để rút ngắn tiến độ thực hiện đầu tư các mục tiêu quy hoạch đề ra.

Thứ ba, để đáp ứng yêu cầu là một trong ba đột phá chiến lược trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 10 năm 2021-2030, Bộ đang tiếp tục rà soát các bất cập, chồng chéo trong các quy định của pháp luật bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, đồng thời đã chủ trì xây dựng thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút nguồn lực đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.

Thứ tư, tăng cường quản lý quy hoạch, nâng cao nguồn nhân lực bảo đảm thống nhất, đồng bộ, hiệu quả đầu tư trong quá trình triển khai.

Ngày 5/1/2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khởi công xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 - Dự án thành phần 3.

Ngày 5/1/2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khởi công xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 - Dự án thành phần 3.

Ngày 6/11/2021, chính thức khai thác thương mại tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Ngày 6/11/2021, chính thức khai thác thương mại tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Ngày 29/11/2021 Vietnam Airlines thực hiện chuyến bay thẳng thường lệ đầu tiên đến Mỹ.

Ngày 29/11/2021 Vietnam Airlines thực hiện chuyến bay thẳng thường lệ đầu tiên đến Mỹ.

Nói một cách khái quát, việc lập kế hoạch triển khai thực hiện các quy hoạch cần được triển khai bài bản, khoa học, bảo đảm tính khách quan và khả thi cao. Bên cạnh đó, cũng cần sự vào cuộc chủ động của các địa phương trong việc tổ chức thực hiện, sự tham gia của các nguồn lực xã hội để bảo đảm đồng bộ, hiệu quả cao nhất, từng bước phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông ở nước ta ngày càng đồng bộ, hiện đại, tạo động lực mang tính đột phá để phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Item 1 of 5

Phóng viên:  Trong giai đoạn 2021-2025, với số vốn đầu tư công được giao rất lớn (khoảng 420 nghìn tỷ đồng), Bộ có giải pháp gì để giải ngân được hết số vốn trên, đồng thời bảo đảm tính hiệu quả, minh bạch và phòng chống tiêu cực?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Nhận thức rõ được vai trò và nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết của ngành đối với công tác giải ngân vốn đầu tư công chung của cả nước, Bộ Giao thông vận tải đã tập trung chỉ đạo, đôn đốc, giám sát chặt chẽ kết quả giải ngân của các đơn vị liên quan, lấy kết quả này đánh giá nhiệm vụ hằng năm của thủ trưởng các đơn vị. Bộ cũng thành lập Tổ công tác đặc biệt thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2021, kiểm điểm tiến độ hằng tuần kết hợp giám sát trực tiếp hiện trường các dự án. Như tôi đã nói ở trên, đến hết năm 2021, Bộ Giao thông vận tải đạt kết quả giải ngân 96%, hoàn thành kế hoạch Chính phủ giao. Nhiệm kỳ 2021-2025, ngành giao thông được bố trí 420 nghìn tỷ đồng, nếu trừ chi phí dự phòng và 5% chi phí bảo hành, Bộ sẽ phải giải ngân mỗi năm 80 nghìn tỷ đồng, đây là áp lực giải ngân rất lớn. Bộ xác định giải ngân bảo đảm tiến độ là nhiệm vụ quan trọng nên có các giải pháp quyết liệt yêu cầu nhà thầu triển khai đúng tiến độ cam kết, nếu vi phạm sẽ tịch thu bảo lãnh trúng thầu; cách chức hoặc điều chuyển công tác cán bộ liên quan để làm nghiêm.

Để tiếp tục duy trì kết quả tốt trong công tác giải ngân trong năm nay và giai đoạn tiếp theo, Bộ GTVT sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết, tổng thể về kế hoạch giao vốn; đề ra các giải pháp cụ thể và tiếp tục rà soát kỹ tình hình, tiến độ triển khai từng dự án. Theo đó, một số giải pháp trọng tâm gồm:

Một là, triển khai thi công dự án gắn với biện pháp phòng chống dịch hiệu quả, bảo đảm điều kiện làm việc, sinh hoạt cho người lao động; không để gián đoạn công trường do dịch bệnh.

Hai là, phân công trách nhiệm cụ thể từng lãnh đạo đơn vị, cán bộ theo dõi tiến độ thực hiện đối với dự án.

Ba là, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà thầu, tư vấn; thủ tục điều chỉnh thiết kế, dự toán; thủ tục quyết toán các dự án.

Bốn là, tăng cường kiểm tra, giám sát hiện trường; đôn đốc các nhà thầu, tư vấn tăng ca kíp để đẩy nhanh tiến độ thi công.

Năm là, cử cán bộ có đủ thẩm quyền thường xuyên có mặt tại hiện trường phối hợp, làm việc với các địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng.

Sáu là, bám sát kế hoạch giải ngân chi tiết từng tháng của dự án đã được Bộ chấp thuận làm cơ sở chỉ đạo, điều hành; thường xuyên rà soát, cập nhật kế hoạch thực hiện - giải ngân của từng dự án.

Bảy là, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ thanh toán, bảo đảm trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; xử lý nghiêm cán bộ không tuân thủ quy trình giải ngân, gây khó dễ cho đơn vị khi làm thủ tục thanh toán.

Đồng thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chống tiêu cực, lãng phí trong giải ngân vốn đầu tư công; đề cao tinh thần trách nhiệm, vai trò người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, rà soát việc phân bổ vốn cho các dự án phù hợp tiến độ thực hiện và khả năng giải ngân, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm; đẩy mạnh tiến độ thực hiện, giải ngân đi đôi với chất lượng công trình, an toàn tuyệt đối trong thi công, đồng thời nâng cao đời sống người lao động.

Item 1 of 2

Phóng viên: Đối với ngành giao thông, những nhiệm vụ trọng tâm nào được xác định là khâu đột phá vượt qua đại dịch Covid-19, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Thứ nhất, yếu tố tiên quyết là phải tập trung cải cách thể chế, thực hiện chủ trương phân cấp phân quyền, giao các cảng thủy nội địa cho các địa phương quản lý, điều hành. Thứ hai, tiếp tục đặt mục tiêu giảm tai nạn giao thông từ 5 đến 10% cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Thứ ba, tập trung vào khôi phục vận tải hàng hóa sau đại dịch và cuối cùng là triển khai các dự án giao thông trọng điểm, đặc biệt là dự án cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2021-2025 đúng tiến độ, sau khi được Quốc hội đồng ý về chủ trương, phấn đấu đến năm 2025 có 3.000km cao tốc, năm 2030 đạt 5.000km.

Dồn lực thi công cao tốc bắc-nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu.

Dồn lực thi công cao tốc bắc-nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu.

Phóng viên: Đại hội XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu đến năm 2025 phải cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông. Nhiều người đánh giá, trong bối cảnh hiện nay để hoàn thành mục tiêu này không dễ dàng. Xin Bộ trưởng cho biết, Bộ nghiên cứu, áp dụng cơ chế chính sách đặc thù nào để triển khai thành công dự án?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Có thể nói, đường cao tốc bắc-nam phía đông là tuyến huyết mạch, “trục giao thông” xương sống của cả nước; việc hoàn thành đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác có vai trò đặc biệt quan trọng trong kết nối, nâng cao năng lực vận tải hàng hóa và hành khách, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh,… Thực tiễn đã chứng minh, đường cao tốc mở ra đến đâu, đóng góp rất hiệu quả vào tăng trưởng GRDP của địa phương đến đó. Triển khai Nghị quyết Đại hội XIII Đảng và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã hoàn thành báo cáo chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến bắc-nam phía đông.

Cao tốc bắc-nam đoạn Cao Bồ-Mai Sơn.

Cao tốc bắc-nam đoạn Cao Bồ-Mai Sơn.

Hiện nay, khó khăn nhất đối với các dự án cao tốc bắc-nam là khâu giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu và năng lực thi công của nhà thầu. Các nhà thầu đang triển khai hơn 600km đường cao tốc giai đoạn trước và tiếp tục làm hơn 700km nữa thì việc lựa chọn các nhà thầu đủ năng lực thực hiện cũng là một vấn đề khó khăn phải đặt ra để có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Rút kinh nghiệm thi công dự án cao tốc bắc-nam giai đoạn trước, những mỏ đất cát khai thác bao nhiêu, dự án nằm trong quy hoạch thì Bộ làm việc với địa phương xúc tiến mở mỏ, khai thác ngay.

Trên cơ sở sự cần thiết, tính cấp bách, để triển khai thành công và sớm hoàn thành dự án, Chính phủ quyết định triển khai đầu tư công toàn bộ 12 dự án thành phần, sau khi hoàn thành sẽ tổ chức thu phí hoặc nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn nhà nước (Nghị quyết số 141/NQ-CP ngày 13/11/2021). Các dự án cao tốc được chuyển từ cơ chế PPP (đối tác công-tư) sang đầu tư công nhằm tạo đột phá, kích cầu trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 để góp phần khôi phục nền kinh tế. Quốc hội đã thông qua chủ trương ban hành cơ chế cho phép chỉ định thầu, sẽ rút ngắn 6-9 tháng tập trung cho xây lắp và phê duyệt bàn giao giải phóng mặt bằng. Phương án đầu tư công, sau khi hoàn thành sẽ thu phí để thu hồi vốn nhà nước cũng được xem là một hình thức huy động nguồn lực xã hội để tiếp tục đầu tư cho kết cấu hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Tổ chức thực hiện: THU HÀ
Nội dung: NHÓM PHÓNG VIÊN KINH TẾ
Trình bày: NGÔ HƯƠNG