Tạo chuyển biến sau công tác kiểm điểm

Kiểm điểm phải thực chất, đi vào trọng tâm và nhất là đề ra các giải pháp khắc phục những hạn chế, khuyết điểm. Các yêu cầu đó về công tác kiểm điểm đang được Thành ủy Hà Nội cùng các cấp ủy trực thuộc thực hiện một cách hiệu quả.
0:00 / 0:00
0:00
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng phát biểu định hướng tại Hội nghị kiểm điểm tự phê bình và phê bình đối với tập thể và cá nhân Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội năm 2022. (Ảnh HÀ VŨ)
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng phát biểu định hướng tại Hội nghị kiểm điểm tự phê bình và phê bình đối với tập thể và cá nhân Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội năm 2022. (Ảnh HÀ VŨ)

Đầu tháng 1/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản đồng ý đề xuất hỗ trợ giao đất dịch vụ cho hộ gia đình, cá nhân có đất nông nghiệp bị thu hồi trên địa bàn huyện Mê Linh. Như vậy sau gần 20 năm, quyền lợi của người dân tại đây sẽ được giải quyết dứt điểm trong thời gian tới.

Rõ địa chỉ, trách nhiệm

Để có được kết quả này, bên cạnh sự vào cuộc của thành phố, huyện Mê Linh cũng hết sức chủ động, quyết liệt đeo bám cơ quan chức năng để tìm hướng tháo gỡ vướng mắc đã kéo dài này. Đây cũng là một trong những nội dung kiểm điểm Ban Thường vụ Huyện ủy Mê Linh thẳng thắn chỉ ra trong năm 2021 và đến nay đã đạt kết quả khả quan.

Tại quận Bắc Từ Liêm, vấn đề giải ngân vốn đầu tư công chậm kéo theo việc triển khai những dự án trên địa bàn không bảo đảm tiến độ cũng được đưa ra kiểm điểm sâu.

Từ thực tế này, Ủy ban nhân dân quận đã ban hành kế hoạch khắc phục những hạn chế, nâng cao hiệu quả trong công tác giải ngân vốn đầu tư công. Lãnh đạo Ủy ban nhân dân quận thường xuyên tổ chức họp kiểm điểm tiến độ thực hiện các dự án được giao để kịp thời đôn đốc, nhắc nhở, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền.

Nhờ đó năm 2022, giải ngân vốn đầu tư công của quận Bắc Từ Liêm ước đạt 335 tỷ đồng, đạt 98% kế hoạch thành phố giao và không để xảy ra tình trạng nợ xây dựng cơ bản.

Rõ ràng, việc thực hiện kiểm điểm sâu, tập trung vào những lĩnh vực còn hạn chế, khó khăn, gắn với trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân đã được các cấp ủy của Hà Nội thực hiện một cách hiệu quả. Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội thành lập chín đoàn công tác dự và chỉ đạo kiểm điểm tại 29 cơ quan, đơn vị được Ban Thường vụ Thành ủy gợi ý kiểm điểm năm 2022 để làm rõ, gợi ý những vấn đề các cấp, các ngành cần tập trung khắc phục trong thời gian tới.

Như tại quận Hoàn Kiếm, bên cạnh những ưu điểm, kết quả đạt được, lãnh đạo thành phố đề nghị Ban Thường vụ Quận ủy Hoàn Kiếm cần tập trung khắc phục một số hạn chế trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị như: Vẫn còn vi phạm trật tự đô thị, vệ sinh môi trường chưa được giải quyết dứt điểm, tiến độ triển khai một số dự án trọng điểm của quận còn chậm...

Hay Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị cần phải đẩy nhanh tiến độ các dự án, nâng cao hiệu quả công tác đấu thầu, nhận thầu.

Trong khi đó, Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh cho biết, Ban Thường vụ Huyện ủy thời gian tới sẽ chỉ đạo quyết liệt, với quyết tâm cao để tìm ra nguyên nhân, khắc phục các bất cập, hạn chế được chỉ ra nhằm đạt được kết quả cao nhất trong năm 2023, nhất là lĩnh vực cải cách hành chính.

Tập trung khắc phục hạn chế

Cuối tháng 12/2022, Ban Thường vụ Thành ủy đã tổ chức kiểm điểm tập thể và cá nhân các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy bảo đảm chất lượng và tiến độ theo yêu cầu, bám sát nội dung nêu trong quy định, hướng dẫn của Trung ương. Không khí hội nghị kiểm điểm cởi mở, dân chủ, trung thực, thẳng thắn, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ; phân tích làm rõ, nhất là những hạn chế trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, bổ sung nhiều giải pháp đóng góp cho tập thể và cá nhân các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy, nhằm khắc phục những hạn chế đã chỉ ra trong kiểm điểm.

Trong đó, Ban Thường vụ Thành ủy đã lựa chọn những việc khó, tồn tại từ nhiều năm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đồng thời quyết liệt tháo gỡ những khó khăn, điểm nghẽn, góp phần tạo chuyển biến tích cực cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở.

Điểm nhấn trong năm qua là việc phân công, phân cấp, nâng cao vai trò, trách nhiệm đối với các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy ngày càng rõ nét và cụ thể hơn, nhất là đối với những lĩnh vực, địa bàn phân công phụ trách, góp phần nâng cao vai trò, hiệu quả chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy.

Ban Thường vụ Thành ủy và cá nhân các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy đã phát huy tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu tham mưu sớm ban hành chương trình hành động của Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về "Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"; trình thông qua chủ trương và triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; tham mưu Thành ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"; tạo bước đột phá về cải cách hành chính thông qua phân cấp, ủy quyền...

Năm 2022, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thử thách do dịch Covid-19, tình hình thế giới phức tạp, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã nỗ lực vượt bậc, đạt được những kết quả tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực. Thành phố đã hoàn thành 22/22 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có năm chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra. Kinh tế tăng trưởng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây với tỷ lệ 8,89%.

Đời sống nhân dân tiếp tục được nâng cao với thu nhập bình quân đầu người đạt 142 triệu đồng/người/năm, vượt mục tiêu đề ra; tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm mạnh. Đây là những kết quả quan trọng, thể hiện rõ tinh thần quyết liệt của lãnh đạo thành phố sau công tác kiểm điểm và là kinh nghiệm quan trọng cho mỗi tập thể, cá nhân để thực hiện tốt hơn chức trách, nhiệm vụ được giao.