Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng:
Tăng tốc, bứt phá để về đích Kế hoạch 5 năm 2021-2025

Năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021-2025, năm tăng tốc, bứt phá để thực hiện đạt kết quả cao nhất kế hoạch đề ra; đồng thời tích cực chuẩn bị, củng cố nền tảng cho giai đoạn 2026-2030, tạo tiền đề đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.
Nhân dịp đầu xuân mới Ất Tỵ 2025, phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng về những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng sẽ triển khai trong năm 2025 cũng như một số định hướng lớn về phát triển kinh tế trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Phóng viên: Năm 2025 là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025. Xin Bộ trưởng cho biết phương hướng, nhiệm vụ quan trọng mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ triển khai thực hiện, nhất là nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc theo lời Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021-2025, năm tăng tốc, bứt phá để thực hiện đạt kết quả cao nhất kế hoạch đề ra, chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng; đồng thời tích cực chuẩn bị, củng cố nền tảng cho giai đoạn 2026-2030, tạo tiền đề đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
Chính phủ đã trình Trung ương Đảng, Quốc hội quyết nghị mục tiêu tăng trưởng năm 2025 là 6,5-7%, phấn đấu 7-7,5%, quy mô GDP xếp thứ 31-33 thế giới; GDP bình quân đầu người khoảng 5.000 USD... Đồng thời, yêu cầu phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng năm 2025 cao hơn mục tiêu đề ra (8% trở lên).
Đây là nhiệm vụ lớn đặt ra trong bối cảnh thế giới dự báo tiếp tục diễn biến rất phức tạp, nhiều khó khăn, thách thức lớn, yếu tố rủi ro, khó lường, tiềm ẩn tác động không nhỏ đến kinh tế nước ta.
Năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021-2025, năm tăng tốc, bứt phá để thực hiện đạt kết quả cao nhất kế hoạch đề ra, chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng...
Trong bối cảnh đó, quán triệt tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ngành Kế hoạch và Đầu tư xác định phương châm “phát triển bứt phá, tự tin vươn mình” để chủ động tham mưu, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của ngành sau đây:
Bám sát, nắm chắc tình hình, kịp thời báo cáo, tham mưu các chính sách, giải pháp điều hành phát triển kinh tế-xã hội. Mục tiêu nhất quán là tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Xác định đột phá về thể chế là “đột phá của đột phá” để thúc đẩy phát triển; tiếp tục đổi mới tư duy xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật. Khẩn trương trình Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư công (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, quy hoạch, đấu thầu, PPP để thực hiện ngay từ đầu năm 2025.
Tập trung tham mưu chỉ đạo, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt khoảng 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tập trung hoàn thành mục tiêu 3.000 km đường cao tốc, khởi công đầu tư các tuyến đường sắt kết nối Việt Nam-Trung Quốc, khởi động Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam và áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm.
Phối cảnh dự án đường sắt tốc độ cao bắc - nam (Ảnh: Chính phủ)
Phối cảnh dự án đường sắt tốc độ cao bắc - nam (Ảnh: Chính phủ)
Phát huy hiệu quả vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án. Góp phần khơi thông nguồn lực lớn đang bị tồn đọng, đóng góp ngay cho tăng trưởng, sản xuất kinh doanh, thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm... trong năm 2025.
Đồng hành cùng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, xác định khó khăn, vướng mắc cũng là khó khăn, vướng mắc của mình để tham mưu hỗ trợ, tháo gỡ.
Tăng cường hợp tác, đối thoại kinh tế với các đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia, nhà đầu tư chiến lược để thu hút các dự án đầu tư lớn trong các lĩnh vực chíp, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo… Triển khai hiệu quả cơ chế “luồng xanh” cho các dự án công nghệ cao trong các khu công nghiệp, để dự án sớm khởi công, đi vào vận hành. Tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án Trung tâm tài chính quốc tế và khu vực tại Việt Nam, Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư ngay sau khi được ban hành.
Phát huy hiệu quả hoạt động của các Hội đồng điều phối vùng; kịp thời tham mưu chỉ đạo, đôn đốc để bảo đảm tiến độ thực hiện các quy hoạch, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ giữa đầu tư các dự án hạ tầng chiến lược với khai thác các hành lang phát triển mới được mở ra.
Phát huy hiệu quả hoạt động Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo; triển khai hiệu quả Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.
Nâng cao năng lực phân tích, dự báo và thống kê, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu về tính kịp thời, chính xác, khách quan, đầy đủ phục vụ tham mưu, điều hành kinh tế vĩ mô.
Thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế; nghiên cứu, tham mưu các giải pháp, cơ chế chính sách cụ thể để thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế mới, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn...

Phóng viên: Đâu là những động lực quan trọng nhất mà Việt Nam nên tập trung thúc đẩy ngay từ đầu năm để tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt mục tiêu?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Nước ta bước vào năm 2025 trong tâm thế mới, bản lĩnh, tự tin cùng khí thế quyết tâm cải cách, đổi mới, đột phá trong cả hệ thống chính trị, hướng tới đạt kết quả cao nhất Kế hoạch 5 năm 2021-2025, chào mừng Đại hội XIV của Đảng và chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.
Trong bối cảnh đó, mặc dù tình hình thế giới dự báo tiếp tục rất khó khăn, thách thức, Chính phủ quyết tâm yêu cầu tăng trưởng 8% năm 2025, cao hơn mục tiêu Quốc hội đã quyết nghị (6,5-7%, phấn đấu 7-7,5%).
Đây là mức tăng trưởng cao, nhiều thách thức, nhưng có thể đạt được và cần quyết tâm đạt được để tạo đà tăng trưởng bứt phá cho kỷ nguyên phát triển mới. Tôi xin nhấn mạnh 5 động lực chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, sự đoàn kết, tinh thần đột phá, đổi mới của hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương và ủng hộ của bạn bè quốc tế.
Thứ hai, những thành tựu phát triển năm 2024 được tiếp nối, thúc đẩy mạnh mẽ hơn trong năm 2025. Các ngành, các địa phương động lực phải phấn đấu tăng trưởng bứt phá, cao hơn năm 2024. Trong đó, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh phải phấn đấu tăng trưởng 8-10% để phát huy vai trò đầu tàu hơn nữa.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược; trong đó, thể chế được xác định là “đột phá của đột phá” để tập trung tháo gỡ, hoàn thiện, nhằm giải phóng mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực đang bị tồn đọng cho phát triển.
Năm 2025 là năm có nhiều thuận lợi trong giải ngân vốn đầu tư công. Các dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư, bước vào giai đoạn nước rút hoàn thành. Do đó, sẽ đóng góp ngay cho tăng trưởng và mở ra không gian phát triển mới cho các vùng, các địa phương.
Thứ tư, sự ổn định về kinh tế, chính trị, xã hội và triển vọng tăng trưởng, phát triển của nước ta. Các doanh nghiệp trong và ngoài nước cam kết đầu tư, gắn bó lâu dài, đồng hành cùng với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Thứ năm, sự phát triển mạnh mẽ của các ngành, lĩnh vực mới, các mô hình kinh tế mới, động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, khu thương mại tự do, trung tâm tài chính quốc tế và khu vực…
Phóng viên: Xin Bộ trưởng chia sẻ một số định hướng lớn về phát triển kinh tế trong xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2026-2030 gắn với lộ trình tiến tới hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Báo cáo Kinh tế-Xã hội là một văn kiện quan trọng của Đại hội XIV đang được xây dựng, hoàn thiện để xác định các phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu về phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2026-2030. Nội dung của Báo cáo có tính bao trùm trên đầy đủ các lĩnh vực từ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, công tác đối ngoại, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Trong đó, các định hướng về phát triển kinh tế có vai trò hết sức quan trọng, xoay quanh mục tiêu đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhằm tạo tiền đề đạt được mục tiêu tổng quát là đến năm 2045, nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Các định hướng chính phát triển kinh tế cho giai đoạn tới như sau:
Thứ nhất, tập trung hoàn thiện thể chế phát triển, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó hoàn thiện thể chế chính trị bảo đảm tính vượt trước, dẫn đường, đáp ứng nhu cầu phát triển khách quan và hội nhập của đất nước; hoàn thiện thể chế kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững.
Làm rõ chức năng, mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội, giảm bớt sự can thiệp hành chính của Nhà nước vào thị trường. Có cơ chế, chính sách đột phá để huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực trong và ngoài nước phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, trong đó lấy nguồn lực nhà nước khơi dậy, dẫn dắt nguồn lực xã hội.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền triệt để, phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn giữa trung ương và địa phương với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; trung ương tập trung hoàn thiện thể chế, giữ vai trò kiến tạo phát triển, tăng cường kiểm tra, giám sát.
Thứ hai, phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nhằm tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đổi mới, hoàn thiện chính sách, pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phù hợp với cơ chế thị trường, thông lệ quốc tế, đáp ứng tính đặc thù của lao động nghiên cứu khoa học và yêu cầu của thực tiễn; chấp nhận rủi ro và độ trễ trong hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Có cơ chế, chính sách mạnh mẽ thúc đẩy chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực kinh tế-xã hội gắn với bảo đảm an ninh, an toàn, khuyến khích đổi mới sáng tạo. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia; hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thứ ba, tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện, hiệu quả giáo dục, đào tạo, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho những ngành, lĩnh vực ưu tiên, mới nổi. Phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, hội nhập. Đào tạo nhân lực chất lượng cao theo chuẩn quốc tế đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhất là những ngành, lĩnh vực ưu tiên, mới nổi như trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, chip bán dẫn, xây dựng, vận hành đường sắt cao tốc...
Đào tạo, đào tạo lại, chuẩn bị nguồn nhân lực số, kỹ năng số cho chuyển đổi số để phát triển kinh tế số, xã hội số. Có cơ chế, chính sách hiệu quả trong phát hiện, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng nhân tài cả trong và ngoài nước. Có chính sách hỗ trợ đào tạo trong các ngành Nhà nước ưu tiên phát triển, các ngành khoa học cơ bản, các ngành công nghiệp nền tảng.
Thứ tư, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế; tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô. Đối với công nghiệp, đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, cơ cấu lại công nghiệp theo hướng hiện đại hóa, phát triển theo chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị tăng thêm và năng lực cạnh tranh của sản phẩm.
Đối với dịch vụ, phát triển một số ngành, sản phẩm dịch vụ có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh; hình thành một số trung tâm dịch vụ du lịch với sản phẩm du lịch chất lượng cao, có năng lực cạnh tranh khu vực và quốc tế; xây dựng và phát triển các trung tâm tài chính, khu thương mại tự do tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Đối với nông nghiệp, phát triển các vùng sản xuất tập trung, vùng chuyên canh hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, tập trung vào các sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia, địa phương.
Tiếp tục cơ cấu lại 3 lĩnh vực trọng tâm, bao gồm nâng cao hiệu quả đầu tư, nhất là đầu tư công; phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhà nước; và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng.
Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô và tăng cường huy động nguồn lực cho phát triển bằng phối hợp đồng bộ, hài hòa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao.
Thứ năm, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, khai thác hiệu quả không gian phát triển mới, lấy đô thị làm động lực phát triển vùng và đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh, trong đó hình thành các tuyến cao tốc kết nối liên vùng, kết nối các cảng biển cửa ngõ quốc tế, cảng hàng không quốc tế, các cửa khẩu quốc tế có nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa lớn. Phát triển hạ tầng năng lượng đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế cao, bảo đảm an ninh năng lượng; đa dạng hoá các loại hình nguồn điện, giá thành phù hợp.
Phát triển hạ tầng thủy lợi theo hướng đa mục tiêu, bảo đảm an ninh nguồn nước; nâng cấp và xây dựng hạ tầng phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, nhất là tại các đô thị lớn. Tạo đột phá trong phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông, nhất là hạ tầng số. Phát triển đồng bộ, hiện đại hạ tầng văn hóa, xã hội đáp ứng nhu cầu thụ hưởng các dịch vụ xã hội, văn hóa của các tầng lớp nhân dân với yêu cầu ngày càng cao.
Thúc đẩy liên kết vùng, trong đó tăng cường liên kết, hợp tác phát triển kinh tế vùng; phát huy tối đa lợi thế quốc gia, lợi thế của từng vùng và từng địa phương; phát triển có trọng tâm, trọng điểm, sớm hình thành và phát huy hiệu quả các hành lang, vành đai kinh tế, vùng động lực, cực tăng trưởng để mở rộng không gian phát triển mới.
Phát triển kinh tế biển, trong đó có sự đột phá các ngành ưu tiên được nêu tại Nghị quyết 36-NQ/TW (2018). Phát triển hành lang giao thông đường bộ ven biển, chuỗi đô thị ven biển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng làm cơ sở phát triển các hoạt động kinh tế biển. Tăng cường xây dựng kết cấu hạ tầng cho một số đảo trọng điểm, có dân cư sinh sống.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Các định hướng về phát triển kinh tế có vai trò hết sức quan trọng, xoay quanh mục tiêu đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhằm tạo tiền đề đạt được mục tiêu tổng quát là đến năm 2045, nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Ngày xuất bản: 30/1/2025
Tổ chức sản xuất: HỒNG VÂN
Thực hiện: VĂN TOẢN
Trình bày: SƠN BÁCH
Ảnh: BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ, BÁO NHÂN DÂN