Tăng quyền tự chủ cho doanh nghiệp nhà nước

Những chậm trễ trong thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước không thể né tránh trách nhiệm của chính các doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp chậm, cả tiến trình sẽ chậm. Lúc này, sự chủ động của doanh nghiệp rất cần.

Tập đoàn Dầu khí (PVN) được kỳ vọng là một trong những doanh nghiệp nhà nước đủ sức phát huy vị trí vai trò mở đường dẫn dắt trong phát triển kinh tế-xã hội. Ảnh: HUY HÙNG
Tập đoàn Dầu khí (PVN) được kỳ vọng là một trong những doanh nghiệp nhà nước đủ sức phát huy vị trí vai trò mở đường dẫn dắt trong phát triển kinh tế-xã hội. Ảnh: HUY HÙNG

Những câu hỏi dành cho người đứng đầu

Những khó khăn hiện tại của Tổng công ty Lắp máy Việt Nam - CTCP (Lilama) thật sự là câu chuyện đáng bàn.

Là doanh nghiệp nhà nước có bề dày lịch sử phát triển hơn 60 năm, từng là thương hiệu danh tiếng trong lĩnh vực cơ khí, xây lắp, làm tổng thầu nhiều dự án lớn của đất nước, từng có doanh thu hơn 1 tỷ USD/năm, nhưng đến năm 2021, doanh thu chỉ còn 4.000 tỷ đồng. Lý do được Chủ tịch HĐQT Bùi Đức Kiên đưa ra là ít dự án quá, nên ít việc; cơ chế tiền lương lại cứng nhắc không đủ sức giữ người. "Vì làm ở hoạt động dịch vụ cho thị trường, nên dự án nhiều thì doanh thu nhiều. Khi các chủ đầu tư không có dự án lớn, các doanh nghiệp xây lắp sẽ gặp khó khăn", ông Kiên phân bua.

Trực tiếp nghe ông Kiên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính không thấy được thuyết phục. "Có thể doanh nghiệp có khó khăn, nhưng đất nước vẫn đang phát triển mà tại sao doanh nghiệp không phát triển mạnh hơn, lại bé đi. Có thể các công trình, dự án của Nhà nước không còn rầm rộ, nhưng còn các dự án, công trình của các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tại sao không vào được?", Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt thẳng câu hỏi cho Lilama.

Cũng phải nói thêm, Lilama đang xây dựng chiến lược phát triển, với mục tiêu trở thành tổng công ty mạnh tại Việt Nam và khu vực, là nhà tổng thầu EPC chuyên nghiệp, nhà chế tạo thiết bị cơ khí có thương hiệu và tham gia vào chuỗi sản phẩm toàn cầu. Tính khả thi của chiến lược sẽ thế nào nếu doanh nghiệp chỉ trông vào các dự án của doanh nghiệp nhà nước, của Nhà nước giao cho.

Những câu hỏi này không chỉ dành cho Lilama. Trong Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp nhà nước hồi tháng 3 vừa qua, nhiều đề nghị vẫn đậm chất "xin-cho", như đề nghị giao đất để làm công trình, dự án khiến nhiều lần Thủ tướng phải yêu cầu xem có phù hợp với kinh tế thị trường không...

"Là doanh nghiệp, doanh nghiệp phải cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, phải tôn trọng quy luật thị trường, tuân thủ quy định pháp luật, nên các đề xuất của doanh nghiệp nhà nước là để mạnh lên, nhưng vẫn phải bảo đảm nguyên tắc thị trường", Thủ tướng nhấn mạnh.

Ðòi hỏi tính chủ động

Không phải ngẫu nhiên ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Phát triển doanh nghiệp (Bộ Tài chính) nhìn nhận: "Nhiều doanh nghiệp đưa lý do phải thực hiện sắp xếp xử lý nhà, đất, nên ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa. Nhưng đáng ra, nếu không cổ phần hóa thì các doanh nghiệp vẫn phải triển khai các chính sách pháp luật về đất đai. Rõ ràng, sự chủ động của nhiều doanh nghiệp trong tuân thủ quy định pháp luật là chưa tốt, nên khi thực hiện cổ phần hóa mới lộ ra hồ sơ pháp lý về đất đai chưa tốt".

Hay như việc nhiều doanh nghiệp nhà nước vẫn lúng túng trong việc xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển 5 năm theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật 69/2014/QH), đặc biệt là chiến lược phát triển kinh doanh trong thời kỳ mới.

Tất nhiên, trong sự chậm trễ của doanh nghiệp, có sự phối hợp chưa tốt giữa cơ quan đại diện chủ sở hữu với chính quyền các địa phương, các bộ, ngành trong việc lập, phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất. Rõ nhất là hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Phần trách nhiệm của các cơ quan hoạch định chính sách cũng có, khi các quy định phải chỉnh sửa nhiều, gây khó khăn trong quá trình thực thi. Nhưng những lý do đó không khỏa lấp trách nhiệm của những người đứng đầu trong phần việc của chính các doanh nghiệp. Báo cáo của Bộ Tài chính cho rằng, do nhiều yếu tố cấu thành nên bản thân doanh nghiệp nhà nước chậm đổi mới, chưa theo kịp và thích ứng với yêu cầu và bối cảnh phát triển mới của kinh tế thị trường. Thậm chí, vẫn còn tư tưởng không muốn thoái vốn khỏi những ngành, lĩnh vực phát triển mạnh, có tỷ suất sinh lời cao dù đó là những ngành, lĩnh vực Nhà nước không cần duy trì sở hữu vốn.

Nhưng tình trạng này sẽ không thể kéo dài vì khi làm rõ trách nhiệm như vậy, việc xử lý chậm trễ sẽ có địa chỉ. Ví như tới đây, quy định về xử lý đất đai với các doanh nghiệp nhà nước quản lý nhiều đất đai, ở những vị trí có lợi thế thương mại cao sẽ tiếp tục có những thay đổi, theo hướng doanh nghiệp thực hiện hình thức thuê đất, trả tiền hằng năm, doanh nghiệp sau cổ phần hóa cam kết sử dụng đúng mục đích, thuê và trả tiền hằng năm; nếu có thay đổi mục đích sử dụng, phải thực hiện trả lại địa phương để đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai. Doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa sẽ có trách nhiệm xây dựng phương án sử dụng đất để trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định...

Doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo nguyên tắc thị trường

Khi nhìn nhận, đánh giá quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, câu hỏi thường được đặt ra là tại sao thực hiện chậm nhưng không có người đứng đầu nào bị xử lý? Mới đây nhất, trong phiên chất vấn tại Quốc hội, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình) đặt câu hỏi "đã xử lý trách nhiệm ai chưa và nếu chưa thì tại sao lại chưa xử lý?" khi cho rằng, những tồn tại trên là không mới. Tuy nhiên, đại biểu chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.

Về vấn đề này, cần xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị, tổ chức, cá nhân trong từng khâu đoạn công việc cụ thể, đi đôi với đó là rà soát sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật để xác định rõ hình thức sai phạm, mức độ xử lý, xác định rõ cấp có thẩm quyền đánh giá và xử lý cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan không hoàn thành kế hoạch... Tuy vậy, việc quan trọng nữa là tiếp tục trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp nhà nước.

Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất, trong quản lý nhà nước, phải coi doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ như các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế; hoạt động theo nguyên tắc thị trường. Cụ thể, đang có những nghiên cứu thay đổi quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động như: Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đấu thầu theo hướng phân cấp mạnh mẽ hơn.

Theo đó, phân cấp cho cơ quan đại diện chủ sở hữu trong thực hiện một số quyền, trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ, tạo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Nâng cao trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong việc giao mục tiêu tại kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và quản lý theo mục tiêu. Nâng cao trách nhiệm giải trình của hội đồng thành viên, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp để doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo nguyên tắc thị trường.

"Bộ Tài chính đang báo cáo Chính phủ cho phép sửa một số văn bản, chính sách, sẽ theo hướng rút gọn, ban hành là thực hiện ngay, không cần thông tư. Đây là phần trách nhiệm của các cơ quan hoạch định chính sách", ông Tiến nói.