Việc “mở cửa”, tạo cơ chế tự chủ cân đối thu chi, bảo đảm kinh phí đào tạo, giảm phụ thuộc vào nguồn cấp ngân sách nhà nước, từng bước tiến tới tự chủ hoàn toàn cho các cơ sở giáo dục ĐH là điều cần thiết. Tuy nhiên, việc các trường được thu học phí với mức trần khá cao đang đặt ra nhiều băn khoăn trong dư luận xã hội. Mặc dù đã có quy định về việc miễn, giảm học phí đối với sinh viên con gia đình chính sách, người tàn tật, khó khăn, hộ nghèo... nhưng tiền trường vẫn là gánh nặng đối với sinh viên các vùng nông thôn, miền núi. Thực tế những năm qua, số lượng sinh viên ra trường thất nghiệp lên đến hàng trăm nghìn người. Nhiều đơn vị tuyển dụng phải đào tạo lại mới có thể tuyển dụng sinh viên mới ra trường... Điều đó cho thấy, chất lượng và hiệu quả đào tạo còn quá xa so với nhu cầu xã hội. Vì vậy, với mức thu học phí cao thì vấn đề thực tế các trường đã đầu tư bao nhiêu cho quá trình đào tạo cần được công khai, làm rõ. Mặt khác, người học đóng góp học phí lớn, khi ra trường liệu có được bảo đảm đủ kiến thức, năng lực tương xứng với tấm bằng, đáp ứng nhu cầu xã hội?
Để việc tăng học phí, nhất là đối với các trường tự bảo đảm được chi thường xuyên và chi đầu tư, thật sự phát huy ý nghĩa thiết thực, các cơ quan quản lý nhà nước cần có sự giám sát chặt chẽ việc thu, chi của các trường; bảo đảm việc thu học phí cao là để đầu tư hiệu quả cho chính người học. Mặt khác, cần xác định cụ thể và phân loại công khai để xã hội cùng giám sát những trường tự bảo đảm được chi thường xuyên và chi đầu tư theo năng lực ở các mức khác nhau. Tránh tình trạng các trường đua nhau thu học phí ở mức kịch trần để có tiền chi tiêu nhưng không quan tâm đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo. Đối với các trường, cần xác định rõ trách nhiệm với xã hội trong đào tạo nguồn nhân lực, gắn với trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực trong thu, chi. Cần lấy vấn đề đầu tư cho người học làm mục tiêu hàng đầu nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Nếu không, người học đóng góp học phí hàng trăm triệu đồng nhưng khi ra trường, năng lực, trình độ vẫn hạn chế dẫn đến thất nghiệp sẽ tạo thêm những gánh nặng đối với xã hội.