Tăng cường xử lý vi phạm về tiếng ồn

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình vừa ký công văn khẩn về việc tăng cường xử lý vi phạm về tiếng ồn. Đây được xem là hành động rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Trong thời gian qua và hiện tại, tình trạng gây ra tiếng ồn quá lớn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, vui chơi, giải trí… diễn ra tràn lan, trở thành "đại nạn", ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống, chất lượng sống của người dân. Cùng với đó, mặc dù Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn đã quy định giới hạn tiếng ồn tối đa là 70 dB (đề-xi-ben) nhưng các thiết bị âm thanh có công suất lớn hơn con số này vẫn được nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng.

Đáng lo hơn, dịp cuối năm là những ngày diễn ra liên hoan, tổng kết... với tần suất khá dày, cộng với toàn thành phố mới đạt tiêu chí là "vùng xanh", nên các hoạt động "ăn mừng", vui chơi, giải trí sẽ diễn ra nhiều hơn. Do vậy, nguy cơ tiếng ồn chát chúa xuất hiện trong các khu vực dân cư sẽ càng lớn gấp bội so với trước kia. Không những vậy, những ngày này, hoạt động kinh doanh càng sôi động hơn. Các địa điểm kinh doanh các mặt hàng thời trang, điện máy, điện thoại, quán nhậu... sẽ phát nhạc qua loa thùng với âm lượng lớn nhiều hơn nhằm thu hút khách hàng.

Thực tế cho thấy ô nhiễm tiếng ồn, nhất là xảy ra trong khu dân cư là chuyện đã diễn ra từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được xử lý đến nơi đến chốn, kết quả giải quyết như mong muốn của người dân còn khá hạn chế. Trong khi đó, việc xử lý vi phạm về tiếng ồn không phải là chuyện lớn hay phức tạp gì. Bên cạnh các Nghị định của Chính phủ thì thành phố cũng đã có một số quy định riêng để xử lý vi phạm về tiếng ồn. Vì vậy, có thể nói rằng vấn đề xử lý những vi phạm về tiếng ồn gặp trục trặc chủ yếu ở khâu vận dụng quy định pháp luật nào hoặc do người thi hành công vụ chưa làm hết trách nhiệm, không loại trừ khả năng người thi hành công vụ nể nang hoặc xuê xoa đối với người vi phạm. Có lẽ do vậy mà đã có không ít vụ vi phạm về tiếng ồn, gây bức xúc trong cộng đồng dân cư, dù đã được phản ánh tới cơ quan chức năng nhiều lần, qua nhiều năm nhưng vẫn chưa được xử lý, giải quyết dứt điểm.

Theo các chuyên gia pháp lý, pháp luật đã quy định rõ việc gây tiếng ồn quá mức chịu đựng là một trong những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bảo vệ môi trường, hành vi gây tiếng ồn vượt quá giới hạn tối đa cho phép sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, lâu nay việc xử lý hành vi gây tiếng ồn gần như là hình thức, chỉ mới dừng lại ở mức độ nhắc nhở. Vì vậy, để giảm và mau chóng tiến tới "xóa sổ" những vi phạm về tiếng ồn thì việc thực thi pháp luật cần phải nghiêm khắc hơn, chế tài mạnh hơn. Trước hết, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân; quản lý và kiểm soát hiệu quả các phương tiện, địa điểm có nguy cơ gây ra tiếng ồn lớn... Cùng với đó, nâng cao trách nhiệm của chính quyền, lực lượng chức năng ở địa phương, nhất là lực lượng công an, cần có quy định rõ ràng hơn quy trình xử lý những vi phạm về tiếng ồn. Đồng thời, cần quy định chi tiết, cụ thể hơn về mức độ vi phạm tiếng ồn và mức chế tài để việc xử lý thực chất và hiệu quả hơn; có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh và thay đổi được hành vi của người dân theo hướng tích cực.

Bên cạnh đó, cần xem xét nghiêm túc trách nhiệm và có biện pháp xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với người đứng đầu cũng như các cán bộ, công chức, viên chức ở các địa bàn để xảy ra vi phạm về tiếng ồn. Ngoài ra, cần đưa nội dung cam kết không gây ra ô nhiễm tiếng ồn vào hương ước, quy ước của khu phố, tổ dân phố để các hộ dân tự nguyện thực hiện trên nguyên tắc văn minh, tôn trọng cộng đồng...