Tăng cường trải nghiệm thực tế cho sinh viên

Cùng nhau lên ý tưởng và từng bước thực hiện các khâu quan trọng để hoàn tất một chương trình thực tế là cách mà nhiều sinh viên đang làm khi tham gia các dự án tại trường đại học. Đứng ở vai trò của nhà sản xuất chương trình với hàng chục đầu việc đòi hỏi tính chủ động cao, các bạn trẻ không chỉ học được cách phối hợp hiệu quả mà còn tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm để không bỡ ngỡ khi tham gia môi trường làm việc thực tế sau khi tốt nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Sinh viên Trường đại học Hoa Sen rất nỗ lực khi thực hiện toàn bộ các khâu cho chương trình truyền hình thực tế “Gen Z-Thế hệ dẫn đầu”. (Ảnh CTV)
Sinh viên Trường đại học Hoa Sen rất nỗ lực khi thực hiện toàn bộ các khâu cho chương trình truyền hình thực tế “Gen Z-Thế hệ dẫn đầu”. (Ảnh CTV)

“Gen Z - Thế hệ dẫn đầu” mùa hai-chương trình truyền hình thực tế dành cho các bạn học sinh trung học phổ thông trên toàn quốc vừa kết thúc với nhiều dấu ấn đặc biệt. Chuyên nghiệp, chỉn chu, các vòng thi gay cấn, kết quả chung kết thuyết phục, cách làm sáng tạo, hấp dẫn là những đánh giá mà sân chơi thú vị này nhận về từ người xem. Khi biết đây là chương trình hoàn toàn do sinh viên Trường đại học Hoa Sen thực hiện, nhiều người đã vô cùng ngạc nhiên. Với gần 30 sinh viên đến từ nhiều khoa, ê-kíp trẻ đã tự tay tổ chức một chương trình chuyên nghiệp từ khâu lên kế hoạch, thiết kế format, nội dung, tuyển sinh thí sinh, tổ chức sự kiện, truyền thông, kêu gọi tài trợ, làm việc với các đối tác…

Nếu như mùa đầu tiên được tổ chức hoàn toàn trên nền tảng Internet do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì năm nay, “Gen Z-Thế hệ dẫn đầu” xuất hiện ở cả hai kênh trực tuyến và trực tiếp. Quá trình ghi hình và xử lý hậu kỳ từng tập được đầu tư chỉn chu, hiện đại không kém gì các gameshow dành cho học sinh trên các kênh truyền hình hiện nay. Tận dụng thế mạnh của công nghệ cùng cách làm chuyên nghiệp, cuốn hút, chương trình đã có được lượng tương tác tốt trên mạng xã hội với hơn 16.500 lượt theo dõi ở nền tảng Facebook; kênh Tiktok đạt 27.900 lượt thích và gần 1.200 lượt theo dõi, 680.000 lượt xem.

Bảy tập thi chiếu trên kênh Vieon và Youtube đạt gần 16.000 lượt xem. Sinh viên tham gia điều phối được chia thành ba ban chính và các ban nhỏ: Ban Truyền thông (Content và Thiết kế), Ban Sản xuất (Tài chính, Chủ nhiệm chương trình, Kế hoạch sản xuất, Hậu cần), Ban Biên tập (Biên tập nội dung phát sóng) tương tự như một ê-kíp thực thụ. Các ban sẽ phối hợp với nhau, tùy theo từng giai đoạn để phân ra bộ phận nào nắm chính và dẫn dắt các ban còn lại.

“Với một sinh viên như em, đây là cơ hội tốt để trải nghiệm và học hỏi thêm nhiều kỹ năng liên quan đến tổ chức sự kiện. Trải qua gần sáu tháng thực hiện các giai đoạn khác nhau, ban tổ chức đã gặp rất nhiều khó khăn, nhất là giai đoạn chuẩn bị sản xuất quay hình nhưng mọi người đã cùng nhau vượt qua để đạt được kết quả tốt nhất. Được làm việc với nhiều ê-kíp chuyên nghiệp, chúng em học hỏi từ các anh chị rất nhiều. Nhờ có sự hỗ trợ của tất cả mọi người đã góp phần giúp chúng em tạo nên một chương trình bổ ích”, Đặng Thái Thuỳ Dung-Trưởng ban tổ chức chương trình cho hay.

Tổ chức tiệc cưới hoành tráng tại giảng đường để báo cáo kết thúc môn học là cách mà một nhóm sinh viên khác của Trường đại học Hoa Sen vừa chọn làm với mong muốn tăng tính trải nghiệm thực tế. “Wedding Planner - Chuyện chưa kể” là chương trình nói về nghề tổ chức tiệc cưới do các bạn sinh viên ngành Quản trị sự kiện tổ chức dưới sự hướng dẫn của ThS. Nguyễn Thị Trung Trinh, giảng viên Khoa Du lịch của trường.

Nguyễn Thị Ngọc Hà, sinh viên ngành Marketing Trường đại học Hoa Sen, Trưởng ban tổ chức chương trình “Wedding Planner-Chuyện chưa kể” cho biết cả nhóm hơn 30 người chỉ có khoảng bảy tuần để lên kế hoạch và thực hiện các phần việc. Ban đầu, Hà cùng các bạn trong lớp chia thành ba nhóm để trình bày các ý tưởng muốn triển khai thành đề án kết thúc môn học lần này. Sau khi bàn bạc kỹ lưỡng, các thành viên trong lớp quyết định chọn kết thúc môn học yêu thích bằng một sự kiện nói lên được cái hay, cái khó, cái chuyên nghiệp của nghề tổ chức tiệc cưới trong giai đoạn hiện nay.

Với không gian tràn ngập hoa, cỏ lau, quầy đăng ký, thiệp mời, quà cho khách mời dự đám cưới, hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, ê-kíp khiến người xem đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Điểm nhấn của chương trình là khoảnh khắc các bạn sinh viên hóa thân thành cô dâu và chú rể cùng khiêu vũ. Khoảnh khắc tung hoa cưới quen thuộc trong các đám cưới cũng được các bạn tái hiện. “Wedding Planner - Chuyện chưa kể” đã mang đến những câu chuyện thú vị xoay quanh công việc tổ chức tiệc cưới, cung cấp kiến thức, kinh nghiệm để trở thành một đơn vị tổ chức tiệc cưới, hành trang cần thiết của nghề, quy trình tổ chức, những sự cố cần xử lý…

Từ đó, giúp các bạn trẻ có cái nhìn toàn cảnh về công việc này. “Việc kết thúc môn bằng một chương trình cụ thể như thế này giúp em và các bạn học được rất nhiều kiến thức mới, có cơ hội cọ xát thực tế, tăng thêm trải nghiệm thay vì cứ học bài rồi đi thi, chờ xem điểm. Cùng nhau làm rồi mới biết mình sai ở đâu và thiếu cái gì, từ đó có thể rút ra kinh nghiệm để những lần sau làm tốt hơn. Thời gian để nhóm chuẩn bị cho dự án vô cùng gấp rút nhưng các bạn đã nỗ lực để lên kế hoạch tổ chức và kêu gọi nhà tài trợ cho sự kiện. Trong khâu tổ chức, chúng em học được cách xử lý linh hoạt rất nhiều tình huống phát sinh”, Hà chia sẻ.

Học theo dự án đã trở thành khái niệm quen thuộc của sinh viên nhiều trường đại học. Thế nhưng, để có được sản phẩm chuyên nghiệp, chỉn chu, có sự lan tỏa trong cộng đồng thì đòi hỏi sự sáng tạo, nỗ lực rất lớn từ phía người trẻ và những định hướng, hỗ trợ thiết thực từ nhà trường, giảng viên. Khi được đầu tư tới nơi tới chốn, những môi trường trải nghiệm sẽ mang đến nhiều giá trị thiết thực, góp phần tăng thêm hành trang vào nghề cho sinh viên ■