Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vừa kết thúc tốt đẹp chuyến công tác, dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ ba tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, theo lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình.

Tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng là độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, chuyến công tác của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại Bắc Kinh thể hiện sự coi trọng quan hệ truyền thống láng giềng hữu nghị với Trung Quốc, cũng như khẳng định chủ trương hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng của Việt Nam.

Thúc đẩy liên kết kinh tế và kết nối đa phương

Năm 2023 đánh dấu kỷ niệm 15 năm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc và cũng là kỷ niệm 10 năm hình thành và triển khai sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI).

Đây là chuyến công tác đầu tiên của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tới Trung Quốc, cũng là hoạt động đối ngoại đa phương đầu tiên trên cương vị mới của Chủ tịch nước, thể hiện sự coi trọng cao độ, ưu tiên hàng đầu của Đảng, Nhà nước trong phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị với Trung Quốc, cũng như sự tham gia tích cực của Việt Nam với các sáng kiến kết nối, hợp tác phát triển, trong đó có BRI, vì mục tiêu hòa bình, ổn định và phồn vinh tại khu vực và trên thế giới.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm chạp, các nước mong muốn tăng cường các liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu nhằm thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế, việc Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Diễn đàn thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với chủ nghĩa đa phương và sự chủ động tích cực trong việc tăng cường hợp tác và liên kết kinh tế khu vực, cũng như trên toàn cầu.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và lãnh đạo các nước đến dự Lễ Khai mạc Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường lần thứ 3. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và lãnh đạo các nước đến dự Lễ Khai mạc Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường lần thứ 3. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu chính phủ các nước, cùng hơn 4.000 đại biểu từ hơn 140 quốc gia và 30 tổ chức quốc tế trao đổi về những nội dung và chủ đề được coi là động lực mới của tiến trình phục hồi kinh tế mỗi nước, cũng như của nền kinh tế toàn cầu, như chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo số, nông nghiệp hiện đại, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, khởi nghiệp…

Việt Nam luôn ủng hộ các sáng kiến có lợi cho hòa bình, hợp tác phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng

 Sau tròn 10 năm hình thành và triển khai BRI, Trung Quốc đã đạt được những kết quả quan trọng, nhận được sự ủng hộ rộng rãi trên phạm vi quốc tế. Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đến hết năm 2022, Trung Quốc đã ký 206 thỏa thuận hợp tác trong khuôn khổ BRI với 151 quốc gia, 32 tổ chức quốc tế; triển khai khoảng 3.000 dự án trong nhiều lĩnh vực, với tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ USD.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và toàn cầu hóa có biểu hiện chững lại, sự tham dự của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại Diễn đàn góp phần củng cố xu thế tăng cường liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu, đặc biệt khi Việt Nam là một quốc gia có độ mở kinh tế lớn.

Tại lễ khai mạc, các nhà lãnh đạo và các đại biểu đều đánh giá cao những thành tựu và đóng góp quan trọng của BRI trong 10 năm qua. Hợp tác Vành đai và Con đường đã góp phần thúc đẩy kết nối khu vực, hỗ trợ các nước chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và tăng cường tình hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân các nước. Hướng tới mục tiêu chung về tương lai tươi sáng, thịnh vượng và cuộc sống ấm no cho người dân, các nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường phối hợp nhằm huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội của các quốc gia, gắn kết hơn các nền kinh tế, đồng thời bảo đảm yêu cầu bền vững về môi trường, tài chính và hài hòa xã hội.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu bật những thành tựu của chặng đường 10 năm hình thành và phát triển năng động của BRI.

Về định hướng hợp tác BRI thời gian tới, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh 3 nguyên tắccùng lên kế hoạch, cùng phát triển và cùng hưởng thành quả” và đề xuất 8 hành động trọng tâm gồm:

  • Thiết lập mạng lưới kết nối đa chiều;
  • Hỗ trợ xây dựng nền kinh tế thế giới mở;
  • Thực hiện hợp tác thiết thực;
  • Thúc đẩy phát triển xanh;
  • Đẩy mạnh đổi mới khoa học và công nghệ;
  • Tăng cường giao lưu nhân dân;
  • Thúc đẩy “hợp tác liêm chính” Vành đai và Con đường;
  • Củng cố thể chế hợp tác Vành đai và Con đường.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu khai mạc Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường (BRF) lần thứ 3. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu khai mạc Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường (BRF) lần thứ 3. (Ảnh: TTXVN)

Trong phát biểu tại lễ khai mạc, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres chúc mừng về những thành quả của hợp tác BRI thể hiện cam kết của các nước thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, triển khai Chương trình nghị sự năm 2030 về phát triển bền vững và phối hợp hành động hướng tới mục tiêu chung vì hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững và thịnh vượng; nhấn mạnh yêu cầu tăng cường hợp tác tìm các biện pháp mới để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, chuyển đổi hệ thống năng lượng và đẩy mạnh các giải pháp bền vững cho thế kỷ 21.

Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đánh giá, với quyết tâm cao, đầu tư lớn, nhiều chương trình, dự án, hành động cụ thể, “Vành đai và Con đường” đã trở thành một cơ chế hợp tác quốc tế lớn, có nhiều đóng góp quan trọng vào kết nối hạ tầng, liên kết kinh tế toàn cầu; là khuôn khổ hợp tác mở bao trùm, chất lượng cao, mang lại lợi ích thiết thực cho tất cả các bên tham gia và làm sâu sắc hơn tình hữu nghị và sự gắn kết giữa nhân dân các nước.

Trao đổi về kinh tế số, Chủ tịch nước nhận định, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đang diễn ra mạnh mẽ, sâu rộng trên toàn cầu, được thúc đẩy bởi đột phá công nghệ mới, hiện đại. Qua đó, mỗi quốc gia sẽ tham gia sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu, trở thành một phần không thể tách rời của kinh tế số toàn cầu, song cũng tiềm ẩn những rủi ro về an ninh, an sinh xã hội nếu không được định hướng và quản lý phù hợp. Chủ tịch nước đánh giá cao việc hợp tác “Vành đai và Con đường” đã kịp thời nắm bắt xu thế này và đóng góp quan trọng vào sự thay đổi mạnh mẽ của các quốc gia dọc “Con đường tơ lụa kỹ thuật số”, từ kết cấu hạ tầng số hiện đại, các thành phố thông minh, đến hoạt động thương mại sôi động trên không gian số.

Khẳng định Việt Nam coi trọng các con đường kết nối với thế giới cả trên đất liền, trên không, trên biển, trên không gian số, đồng thời, đang nỗ lực đẩy nhanh chuyển đổi số và phát triển kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, Chủ tịch nước nhấn mạnh, không gian mới là kinh tế số; lực lượng sản xuất mới là nhân lực số, công nghệ số và dữ liệu số; động lực mới là đổi mới sáng tạo số.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng (thứ 3, phải, hàng đầu) chụp ảnh cùng các nhà lãnh đạo dự Diễn đàn Cấp cao Hợp tác Quốc tế "Vành đai và con đường" lần thứ 3 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng (thứ 3, phải, hàng đầu) chụp ảnh cùng các nhà lãnh đạo dự Diễn đàn Cấp cao Hợp tác Quốc tế "Vành đai và con đường" lần thứ 3 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong khuôn khổ Diễn đàn, diễn ra 3 phiên họp cấp cao về kinh tế số, phát triển xanh và kết nối khu vực, cùng 6 diễn đàn nhánh cấp bộ trưởng về kết nối thương mại, giao lưu nhân dân, giao lưu học giả, con đường tơ lụa sạch, hợp tác địa phương và hợp tác biển. Cùng với đó, Diễn đàn Doanh nghiệp “Vành đai và Con đường” có sự tham dự của 1.200 đại biểu đến từ hơn 80 quốc gia, trong đó có 60 đại diện từ các công ty thuộc nhóm 500 công ty hàng đầu thế giới.

Nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các quốc gia và mang lại lợi ích thiết thực cho mọi người dân trong quá trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế số, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề xuất hợp tác về kinh tế số dựa trên 3 trụ cột:

1. Hợp tác về thể chế số để xây dựng các quy định phù hợp, bảo đảm sự thông suốt, an toàn, bảo mật dữ liệu; tạo môi trường kinh doanh thân thiện; phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, bảo đảm an toàn, an ninh và chủ quyền quốc gia, cần tính đến trình độ phát triển, đặc thù của các quốc gia, bảo đảm cân bằng lợi ích, bình đẳng cho các bên.
***
2. Hợp tác về hạ tầng số để bảo đảm và nâng cao năng lực tham gia của các nước vào nền kinh tế số toàn cầu. Chủ tịch nước kêu gọi các tổ chức tài chính quốc tế, các doanh nghiệp hợp tác đầu tư vào các dự án kết cấu hạ tầng tại Việt Nam và các nước trong khu vực.
***
3. Hợp tác nhân lực số để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ, đặc biệt là các công nghệ mới, hiện đại. Chủ tịch nước nhấn mạnh trong lĩnh vực kinh tế số cần thúc đẩy các dự án chuyển giao tri thức và công nghệ.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, diễn ra 3 phiên họp cấp cao về kinh tế số, phát triển xanh và kết nối khu vực, cùng 6 diễn đàn nhánh cấp bộ trưởng về kết nối thương mại, giao lưu nhân dân, giao lưu học giả, con đường tơ lụa sạch, hợp tác địa phương và hợp tác biển. Cùng với đó, Diễn đàn Doanh nghiệp “Vành đai và Con đường” có sự tham dự của 1.200 đại biểu đến từ hơn 80 quốc gia, trong đó có 60 đại diện từ các công ty thuộc nhóm 500 công ty hàng đầu thế giới.

Củng cố quan hệ hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 20/10/2023. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 20/10/2023. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Ủy viên trưởng Nhân đại Toàn quốc Trung Quốc Triệu Lạc Tế trong cuộc gặp tại Bắc Kinh ngày 17/10/2023. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Ủy viên trưởng Nhân đại Toàn quốc Trung Quốc Triệu Lạc Tế trong cuộc gặp tại Bắc Kinh ngày 17/10/2023. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Thái Kỳ ngày 20/10/2023. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Thái Kỳ ngày 20/10/2023. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp Chủ tịch Tập đoàn Huawei Lương Hoa ngày 19/10/2023. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp Chủ tịch Tập đoàn Huawei Lương Hoa ngày 19/10/2023. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Trung Hưng (ZTE) Lý Tự Học ngày 19/10/2023. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Trung Hưng (ZTE) Lý Tự Học ngày 19/10/2023. (Ảnh: TTXVN)

Tại thủ đô Bắc Kinh, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã có các cuộc làm việc với một số lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc, góp phần tăng cường tin cậy chính trị, duy trì đà quan hệ cũng như tạo ra những cơ hội hợp tác mới. Qua đó, góp phần đưa quan hệ Việt Nam-Trung Quốc phát triển lành mạnh, ổn định và bền vững hơn trong thời gian tới.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã có cuộc hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong không khí hữu nghị, tin cậy và cởi mở. Cùng bày tỏ vui mừng trước những tiến triển tích cực trong quan hệ Việt Nam-Trung Quốc thời gian qua, nhất là sau chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc năm 2022, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi sâu rộng về phương hướng và các biện pháp lớn nhằm tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc trong thời gian tới.

Chủ tịch nước và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí thúc đẩy giao lưu cấp cao và các cấp, qua đó tăng cường hiểu biết, củng cố tin cậy chính trị giữa hai bên. Hai nhà lãnh đạo mong muốn thúc đẩy mạnh mẽ các lĩnh vực hợp tác thực chất, cùng có lợi giữa hai nước, với trọng tâm là phát triển cân bằng, bền vững trong hợp tác kinh tế-thương mại, mở rộng nhập khẩu hàng hóa, nhất là nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc, mang lại lợi ích thiết thực cho đông đảo người nông dân và người tiêu dùng hai nước.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đề nghị nghị hai bên tăng cường kết nối sáng kiến “Vành đai và Con đường” với khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai”; bày tỏ mong muốn hai bên phối hợp xây dựng quy hoạch hợp tác cụ thể, kết hợp với các nhiệm vụ cải cách, phát triển trọng điểm của mỗi bên, thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác chiến lược như cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông, chia sẻ kinh nghiệm về cải cách doanh nghiệp Nhà nước...

Hai nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường giao lưu nhân dân và thông tin tuyên truyền hữu nghị, củng cố nền tảng xã hội; xử lý ổn thỏa và kiểm soát tốt bất đồng, vì hòa bình, ổn định ở trên biển và khu vực.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước cũng đã hội kiến Ủy viên trưởng Nhân đại toàn quốc Trung Quốc Triệu Lạc Tế. Hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục cụ thể hóa và triển khai thực hiện nhận thức chung của lãnh đạo cao nhất hai Đảng, hai nước đạt được và cùng chia sẻ định hướng tăng cường tiếp xúc cấp cao và các cấp, củng cố tin cậy chính trị, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác trên các lĩnh vực, trọng tâm là thúc đẩy thương mại tăng trưởng cân bằng, bền vững; làm sâu sắc hơn nữa các lĩnh vực hợp tác cùng có lợi; đồng thời, cùng thực hiện tốt nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao, kiểm soát và xử lý thỏa đáng bất đồng, góp phần duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực.

Đánh giá cao tầm quan trọng của hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Nhân đại toàn quốc Trung Quốc, Chủ tịch nước và đồng chí Triệu Lạc Tế cùng tán thành phương hướng mở rộng giao lưu, hợp tác giữa các Ủy ban chuyên môn, Nhóm Nghị sĩ hữu nghị…, chia sẻ kinh nghiệm về lập pháp, giám sát, phòng chống tham nhũng, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Tiếp đồng chí Thái Kỳ, Bí thư Ban Bí thư, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, Việt Nam và Trung Quốc là láng giềng quan trọng của nhau, chia sẻ lợi ích chung rộng rãi. Chủ tịch nước và đồng chí Thái Kỳ nhất trí hai bên tiếp tục tăng cường các hoạt động giao lưu kênh Đảng, Nhà nước, giao lưu nhân dân, làm sâu sắc hơn nữa tình cảm hữu nghị giữa các tầng lớp nhân dân hai nước; nhất trí thúc đẩy mở rộng hợp tác kinh tế - thương mại, kết nối hạ tầng giao thông, hợp tác trong lĩnh vực kinh tế số; khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc tiếp tục mở rộng đầu tư vào Việt Nam; nâng cao tần suất và chất lượng hợp tác giữa địa phương; đóng góp tích cực cho sự phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc-Việt Nam

Bên lề Diễn đàn, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã tiếp Chủ tịch Tập đoàn Huawei Lương Hoa và Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Trung Hưng (ZTE) Lý Tự Học. Chủ tịch nước nhấn mạnh mong muốn các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Trung Quốc hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn với các doanh nghiệp Việt Nam, qua đó, đóng góp vào sự phát triển chung của quan hệ Việt Nam-Trung Quốc.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nêu rõ, Việt Nam luôn coi trọng việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, qua đó tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư đến với thị trường Việt Nam; hoan nghênh và mong muốn ngày càng có nhiều doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế và trình độ phát triển cao đến hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm về phát triển mạng lưới, hỗ trợ xây dựng hạ tầng số, phát triển kinh tế số, xã hội số và chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam.

Mở rộng các mối quan hệ song phương

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith ngày 19/10/2023. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith ngày 19/10/2023. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp Thủ tướng Campuchia Hun Manet ngày 18/10/2023. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp Thủ tướng Campuchia Hun Manet ngày 18/10/2023. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 18/10/2023. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 18/10/2023. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin ngày 17/10/2023. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin ngày 17/10/2023. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp Tổng thống Sri Lanka Ranil Wickremesinghe ngày 18/10/2023. (Ảnh:TTXVN)

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp Tổng thống Sri Lanka Ranil Wickremesinghe ngày 18/10/2023. (Ảnh:TTXVN)

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp Tổng thống Cộng hòa Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev ngày 17/10/2023. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp Tổng thống Cộng hòa Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev ngày 17/10/2023. (Ảnh: TTXVN)

Tại thủ đô Bắc Kinh, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng các nhà lãnh đạo các nước trao đổi và thảo luận những nội dung phù hợp định hướng phát triển của Việt Nam như tăng trưởng xanh, kinh tế số, đổi mới sáng tạo, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế-thương mại, khoa học-kỹ thuật, văn hóa-giáo dục, giao lưu nhân dân…

Nhân dịp tham dự Diễn đàn, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã có buổi làm việc với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith. Hai bên nhất trí cần tiếp tục phát huy hơn nữa quan hệ chính trị gắn bó giữa hai nước, cùng nhau góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển; tiếp tục tập trung triển khai hiệu quả các thỏa thuận cấp cao, hiệp định, thỏa thuận và kế hoạch hợp tác giữa hai đảng, hai nước; tăng cường hợp tác quốc phòng-an ninh, xem đây là một trong những trụ cột quan trọng của quan hệ hai nước.

Đồng thời, hai nhà lãnh đạo cùng mong muốn duy trì hiệu quả các cơ chế giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch; thực hiện tốt Đề án nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác Việt Nam-Lào trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021-2030; phấn đấu giải quyết dứt điểm vướng mắc của một số dự án hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư; tăng cường hợp tác khoa học, đổi mới sáng tạo, hợp tác kinh tế số, thương mại điện tử…; thúc đẩy hợp tác về chuyển đổi số giữa các cơ quan quản lý nhà nước, cũng như giữa các doanh nghiệp.

Cũng tại thủ đô Bắc Kinh, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã tiếp Thủ tướng Campuchia Hun Manet. Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Hun Manet đảm nhiệm cương vị mới. Hai nhà lãnh đạo bày tỏ mong muốn sẽ tăng cường gặp gỡ, trao đổi để thúc đẩy quan hệ hai nước không ngừng phát triển mạnh mẽ, toàn diện.

Hai nhà lãnh đạo cho rằng hai nước vẫn còn nhiều dư địa và tiềm năng để tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế, kết nối cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông và xem xét mở thêm các cửa khẩu quốc tế; nhất trí hai bên cần tăng cường giao lưu văn hóa, mở rộng hợp tác du lịch, giao lưu nhân dân; coi hợp tác an ninh-quốc phòng là một trong những trụ cột của quan hệ, qua đó, phối hợp bảo đảm giữ vững ổn định, an toàn, an ninh biên giới, ngăn chặn tội phạm xuyên biên giới.

Tại các cuộc tiếp xúc song phương, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith và Thủ tướng Campuchia Hun Manet đều khẳng định tầm quan trọng của tăng cường hợp tác và kết nối giữa ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia, nhất là về kinh tế-thương mại, du lịch và giao lưu văn hóa, đồng thời, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN và đem lại những lợi ích thiết thực cho người dân ASEAN.

Tiếp Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho biết Việt Nam đang tích cực phối hợp với các tổ chức trong hệ thống Liên hợp quốc triển khai nhiều hoạt động hợp tác, như thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, bảo đảm công bằng xã hội, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình... Chủ tịch nước đề nghị Liên hợp quốc tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế, trong đó có Chương trình nghị sự chung của chúng ta (OCA) cũng như trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển quốc gia. Hai nhà lãnh đạo nhất trí về sự cần thiết phải đề cao thượng tôn pháp luật, phát huy vai trò của các cơ chế đối thoại, hợp tác giữa các tổ chức khu vực và Liên hợp quốc, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN.

Việt Nam là một hình mẫu tốt cho nhiều nước đang phát triển và là đối tác quan trọng của Liên hợp quốc.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres

Tại cuộc làm việc giữa Chủ tịch nước và Tổng thống Nga Vladimir Putin, hai nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng trước sự phát triển tốt đẹp của quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước Việt Nam-Liên bang Nga; chia sẻ quan điểm hai bên còn nhiều tiềm năng và dư địa để đưa quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai. Chủ tịch nước và Tổng thống Nga nhất trí hai nước cần duy trì trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, đẩy mạnh các lĩnh vực hợp tác kinh tế-thương mại, quốc phòng-an ninh, khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo, năng lượng, giao lưu nhân dân...

Hai nhà lãnh đạo đồng thời nêu bật tầm quan trọng của việc phát huy các cơ chế, khuôn khổ hợp tác thương mại, đầu tư song phương và đa phương, trong đó có cơ chế Ủy ban Liên chính phủ về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh Kinh tế Á-Âu; tăng cường hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương của hai nước.

Cũng trong dịp này, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã đã có các cuộc gặp với Tổng thống Sri Lanka Ranil Wickremesinghe và Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev nhằm đẩy mạnh hợp tác kinh tế-thương mại giữa Việt Nam với các đối tác, cũng như hai khu vực Nam Á và Trung Á. Với trọng tâm là các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư và du lịch, trao đổi đoàn doanh nghiệp, hợp tác về dầu khí, giáo dục-đào tạo, trao đổi sinh viên, giao lưu văn hóa… Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định mong muốn phát triển quan hệ với Sri Lanka và Uzbekistan, đồng thời, để Việt Nam trở thành cầu nối hợp tác giữa các nước với ASEAN.

Tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ 3, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã đóng góp tiếng nói của Việt Nam trong thúc đẩy hòa bình, hợp tác, liên kết kinh tế và kết nối khu vực, làm sâu sắc hơn quan hệ giữa Việt Nam với các nước, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực và toàn cầu, thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Hoạt động tham dự Diễn đàn đồng thời quảng bá thành tựu phát triển kinh tế-xã hội, chia sẻ thông điệp về quan điểm, định hướng phát triển của Việt Nam, thu hút nguồn lực quốc tế phục vụ mục tiêu phát triển, nhất là về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, tăng trưởng bao trùm, góp phần nâng cao vai trò và vị thế của đất nước trên trường quốc tế.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với đại biểu hai nước. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với đại biểu hai nước. (Ảnh: TTXVN)

Sáng 20/10/2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc), kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường lần thứ ba. (Ảnh: TTXVN)

Sáng 20/10/2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc), kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường lần thứ ba. (Ảnh: TTXVN)

Item 1 of 2

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với đại biểu hai nước. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với đại biểu hai nước. (Ảnh: TTXVN)

Sáng 20/10/2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc), kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường lần thứ ba. (Ảnh: TTXVN)

Sáng 20/10/2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc), kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường lần thứ ba. (Ảnh: TTXVN)

Ngày xuất bản: 21/10/2023
Chỉ đạo thực hiện: CHU HỒNG THẮNG - PHẠM TRƯỜNG SƠN
Nội dung: NINH SƠN - VŨ PHONG
Trình bày: NGỌC BÍCH