Nhà thơ nịnh vợ

Trong dân gian vẫn thường truyền tụng những “chân lý” bất di bất dịch: “Nhất vợ nhì giời”, “Lệnh ông không bằng cồng bà”, “Thuận vợ thuận chồng tát Bể Đông cũng cạn”, “Giàu về bạn sang về vợ”... Trong Kinh Thánh thì giải thích người đàn bà vốn được làm nên từ một xương sườn của người đàn ông. Vì thế nên tình nghĩa vợ chồng, như người ta thường nói, muôn đời là nghĩa tao khang. Một người đàn ông chân chính nếu có ca tụng vợ là chuyện tất nhiên. Một nhà thơ đích thực có làm thơ ca tụng vợ lại càng đương nhiên. Xuân về, Tết đến, bên chén trà thơm, bên ly rượu nồng, giữa bầu không khí thân tình, ấm cúng đầy sự khoan

Minh họa: Lê Trí Dũng
Minh họa: Lê Trí Dũng

Thơ Trần Tế Xương (thường gọi là Tú Xương, 1870-1907) rất đa dạng về cảm xúc, như người ta nói “khi cười, khi khóc, khi than thở”. Ông tự trào mình thuộc số đàn ông chỉ có thể làm “quan tại gia”, chỉ có thể sống bằng “ăn lương vợ”. Cái chất tự trào ấy nghe ra ngậm đắng nuốt cay với một người đàn ông nguyên vẹn sức lực, trí tuệ không kém người, nhất là cái chí tang bồng đâu đã phôi pha. Cái điệu cảm thán thương mình, thương người thấm thía trong thơ Tú Xương. Thương vợ là một bài thơ chứa chất đầy tâm sự “Quanh năm buôn bán ở mom sông/ Nuôi đủ năm con với một chồng/ Lặn lội thân cò khi quãng vắng/ Eo sèo mặt nước buổi đò đông/ Một duyên hai nợ âu đành phận/ Năm nắng mười mưa dám quản công/ Cha mẹ thói đời ăn ở bạc/ Có chồng hờ hững cũng như không”. Điệu thơ trầm buồn khi người đàn ông vốn được coi là trụ cột trong gia đình, vì một lý do nào đó, không còn là “trụ cột” nữa, rơi xuống địa vị thứ yếu, phụ thuộc. Có cái gì đó thật tủi phận, đắng đót của kiếp người nhỏ bé. Câu kết bài thơ như là một lời tự giễu cợt của thi sĩ khi cảm thấy mình bất lực trước những bất công của đời sống.

Nhớ vợ của Cầm Vĩnh Ui (in trong Tuyển tập Thơ Việt Nam 1945-1954, Nxb Giáo dục, 1995) là một bài thơ rất độc đáo nhưng ít người biết đến, nó đã từ lâu dường như bị lãng quên vì một lý do nào đó không thật rõ ràng. Đọc lại bài thơ này trong cái không khí nhộn nhạo của đời sống hiện sinh thời bây giờ, bỗng có cái cảm giác trở về nguyên sơ, nguyên thủy, nguyên lành của cảm xúc thật của con người “Tôi nhớ vợ tôi lắm/ Xin anh về hai ngày/ Nhà tôi ở Mường Lay/ Có con sông Nậm Rốm/ Ngày kia tôi sẽ đến/ Lại cầm súng được ngay/ Tôi càng bắn trúng Tây/ Vì tay có hơi vợ/ Cho tôi đi đừng sợ/ Tôi không chết được đâu/ Vì vợ tôi lúc nào/ Cũng mong chồng mạnh khỏe/ Cho tôi đi anh nhé/ Về ôm vợ hai đêm/ Vợ tôi nó sẽ khen/ Chồng em nên người giỏi/ Ngày kia tôi về tới/ Được đi đánh cái đồn/ Hay được đi chống càn/ Là thế nào cũng thắng/ Nếu có được trên tặng/ Cho một cái bằng khen/ Tôi sẽ rọc đôi liền/ Chia cho vợ một nửa”. Đây là lời trần tình của một người lính sinh ra ở rừng núi, tất cả còn nhiều bản năng sống “Cho tôi đi anh nhé/ Về ôm vợ hai đêm”. Rất thật, rất người vì thế cũng rất đáng yêu. Nhưng cũng từ khi tham gia Vệ quốc quân, cái nhãn quan của anh được mở rộng, vụt lớn lên về ý thức, tình cảm. Cái riêng và cái chung trong bài thơ này hòa quyện và nhuần nhuyễn, phô được vẻ đẹp hồn nhiên của con người cầm súng chiến đấu.

Nếu không nhầm thì hình như chỉ có độc nhất Nguyễn Duy là nhà thơ đã chăm chút in hẳn một tập thơ tặng người vợ hiền thảo, nhan đề Vợ ơi (1995). Người vợ có một vị trí quan trọng, trang trọng và có thể nói là rất sang trọng trong thơ Nguyễn Duy. Nhưng độc giả yêu thơ ông vẫn thích nhất bài Mời vợ uống rượu (1993) “Mỗi năm Tết có một lần/ Mời em ly rượu tay nâng ngang mày/ Vợ cười chưa uống đã say/ Ngọt ngào thì nổi đắng cay thì chìm/ Gót chân ăn vẹt bậc thềm/ Quanh năm tất bật đi tìm ngày xuân/ Tóc loay hoay bạc bạc dần/ Mỗi năm Tết có một lần thôi em”. Mời vợ uống rượu mà tay nâng ngang mày thì biết là người chồng kính trọng, trân trọng, yêu quý vợ biết nhường nào. Phải sống nhiều, sống có trách nhiệm và tình thương mới nhìn thấy được gót chân ăn vẹt bậc thềm. Một hình ảnh thơ thấm đẫm nghĩa cử của con người, của tình nghĩa vợ chồng chẳng cần thề bồi mà vẫn sống với nhau đến đầu bạc răng long. Phải sống với nhau thật lâu mới cảm hoài được cái dáng vẻ, cái màu sắc tóc loay hoay bạc bạc dần của người vợ hiền. Có lẽ người chồng bỗng nhiên giật thót mình khi nhìn mái đầu vợ, tóc đã qua thời điểm sương, lấn tới cái đoạn già cả. Mái tóc nói được rất nhiều điều như cái nhìn dân gian “hàm răng mái tóc là góc con người”. Nhưng như vượt thoát nhanh nỗi ám ảnh đó, nhà thơ biết cách làm cho mình và người khác quên đi cái già sầm sập đến, để vui cái vui của ngày Xuân, ngày Tết vì mỗi năm Tết có một lần thôi em. Một lần vui thôi trong một năm, vậy hà cớ gì mà băn khoăn, vậy hà cớ gì mà không quên đi một nắng hai sương để thụ hưởng cái khoảnh khắc hạnh phúc hiếm hoi này. Lời mời chào của nhà thơ với vợ thật khéo léo, khó bề từ chối.

Nhà thơ Bùi Hoàng Tám nổi tiếng với cái triết lý “Vợ duy nhất đúng”. Ngẫm cho cùng đó là một cách nói quá đi để bộc lộ cái tình cảm sâu nặng của những đức ông chồng với người vợ hiền thảo từ xưa tới nay. Mình ru vợ mình là một bài thơ rất vui nhộn “À ơi...!/ Mình ngủ đi mình/ Đã hây hẩy gió, đã tành tạnh mưa/ Nhà ta công sớm việc trưa/ Nhỏ to, lớn bé cũng chờ mình thôi/ Áo mình đầm đậm mồ hôi/ Tóc mình thoang thoảng hương trời còn bay/ À ơi...!/ Anh gối đầu tay/ Anh hôn lên mái tóc dày đầm sương/ Ngủ đi em, ngủ yêu thương/ Ngáy đi em, ngáy rung giường cho vui/ Xóm làng ơi, đất trời ơi!/ Xin yên lặng nhé. Vợ tôi đang... khò!”. Nhiều người thích cái sắc lẻm và khí khái của một Bùi Hoàng Tám - nhà báo. Nhiều người thích thơ anh vì cái chất yêu đời, vui sống, như ai đó nói rất “nhộn nhịp”, nhưng không hề kém thâm hậu. Chồng ru vợ, nghĩ cho cùng cũng chẳng ngược đời trong một xã hội bình đẳng giới. Có thể hình dung trước đó người vợ vừa dỗ dành, ru con ngủ, xong rồi thì có chút thao thức, có chút nũng nịu với chồng chăng? Phải là người chồng tinh tế mới lập tức hiểu ra sự tình và lập tức cất tiếng ru... vợ ngủ. Có gì đâu mà phải che đậy, có gì đâu mà phải xấu hổ khi mình ru vợ mình ngủ. Người ta khi ngủ ai cũng trở nên hiền lành, dễ thương. Với trẻ em thì “như búp trên cành” nên cần “biết ăn ngủ biết học hành là ngoan”. Còn vợ là người lớn, thì sao đây mới là ngoan? Thì rõ ràng là phải “ngủ yêu thương”. Bài thơ kết bằng tiếng cười rất...hỉ xả “Xóm làng ơi, đất trời ơi/ Xin yên lặng nhé. Vợ tôi đang... khò!”. Chẳng ai kết tội nhà thơ suồng sã trong trường hợp này. Nó là một sự phóng chiếu thường tình, nó làm cho tâm hồn ta trong sáng và nhẹ nhàng hơn, vì như ai đó nói chí lí, tiếng cười tử tế linh diệu như một “phép vệ sinh tinh thần”.