Làng hoa mận trắng Hà Giang

Trên con suối chảy qua làng có một cây cầu. Thanh niên gọi đây là cầu tình. Vì những đêm trăng sáng, gái trai đều kéo cả ra đây hò hẹn.

Ảnh : Mạnh Trường
Ảnh : Mạnh Trường

Nhà tôi ở vùng Tày. Vùng Tày là vùng thấp, so với vùng núi cao như Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ thì Vị Xuyên được ít người biết đến. Nhưng có lẽ cũng vì ít người biết đến hơn cho nên đến tận bây giờ, những tháng năm của thập kỷ thứ nhất, thế kỷ hai mốt, nó vẫn giữ gần như nguyên vẹn cái vẻ bình yên, dịu dàng đến da diết.

Người Tày, do tập quán định cư, sản xuất cho nên luôn sống ở vùng thấp. Vùng có sông suối, có thể trồng được lúa nước, có thể đánh bắt cá, lại cũng làm một ít nương rẫy. Vừa sống nhờ sông vừa nương tựa vào rừng. Vùng thấp thì gần người Kinh, gần quốc lộ, mọi thứ sinh hoạt mua bán khá thuận lợi. Khí hậu ôn hòa, thiên nhiên ưu đãi, vì thế tính khí người Tày vừa có cái mạnh mẽ khi hòa đồng với thiên nhiên hoang vu, vừa có cái tinh tế, ấm áp, nhân hậu, lành hiền, dễ gần gũi.

Ngôi làng Tày mà gia đình tôi định cư đã có từ hàng vài trăm năm. Làng có một ngôi chùa nhỏ - chùa Sùng Khánh. Chùa tựa lưng vào núi, nhìn xuống cánh đồng rộng có dòng suối chảy qua. Xa hơn chút nữa, cũng phía trước chùa, là dòng Lô uốn mình. Chùa được xây dựng từ tháng giêng năm 1356. Trong chùa có một quả chuông và một tấm bia đá. Bài minh trên quả chuông có nội dung nhắc nhở đồng bào các dân tộc đoàn kết, chăm lo sản xuất, giữ vững bờ cõi...

Làng hoa mận trắng Hà Giang ảnh 1

Làng như rất nhiều ngôi làng Tày khác, lưng tựa vào núi, mặt nhìn ra sông. Một con suối chảy ngoằn ngoèo qua những thửa ruộng, đưa nước vào cánh đồng, lúa miên man tốt tươi. Những ngôi nhà sàn dựng sát chân núi, tiện cho việc dẫn nước từ trong khe núi về sinh hoạt. Đi qua cánh đồng, ra mép sông, là những bãi bồi mịn màng bằng phẳng trồng hoa màu. Thường thì trước khi mùa mưa đến, khoảng tháng sáu tháng bảy hằng năm, làng đã thu hoạch hết hoa màu, để khi nước lũ về, sông Lô ngầu đỏ, nước tràn bờ, thì chỉ việc phủ đầy phù sa màu mỡ lên cho mùa sau.

Gái làng Tày xinh đẹp có tiếng cả vùng. Da trắng bóc, mịn màng, thân hình óng ả, eo lưng nhỏ xíu, hông nở, ngực vun đầy, tóc dài như suối. Gái làng Tày đi đến đâu là hút theo hàng trăm ánh mắt đổ dồn theo đến đó. Có những người đẹp đến độ tận bây giờ tôi vẫn cảm thấy chưa hoa hậu nào sánh bằng. Vẻ đẹp của gái Tày khác vẻ đẹp của gái Dao. Gái Dao thường da nâu hơn do ở trên núi, phơi nắng phát nương, làm cỏ. Leo núi nhiều nên bắp chân to, rắn chắc. Vẻ đẹp của gái Dao là vẻ đẹp khỏe mạnh, nóng bỏng. Gái Tày đẹp dịu ngọt, mềm mại, cuốn hút khó tả. Gái Tày làng tôi mặc trang phục đen, với vòng bạc, xà tích bạc, thắt lưng xanh mầu cổ vịt, khăn vấn đầu cũng mầu đen, da đã trắng càng thêm trắng.

Trên con suối chảy qua làng có một cây cầu. Thanh niên gọi đây là cầu tình. Vì những đêm trăng sáng, gái trai đều kéo cả ra đây hò hẹn. Không biết bao nhiêu đôi lứa đã nhờ vào cây cầu này mà thành vợ chồng. Trai làng thổi sáo tuyệt hay. Làng tôi ít thấy chơi đàn tính, nhưng sáo trúc mà kết hợp với dân ca Tày thì cũng không thể dứt ra được.

Làng Tày một năm ăn hai cái Tết. Một Tết rằm tháng Bảy, một Tết Nguyên đán. Tết rằm tháng Bảy là Tết mừng được mùa. Trẻ con được may áo mới, người lớn nghỉ làm, đám phụ nữ được dịp trổ tài làm các loại bánh, đồ xôi, làm gà, nhà nào khá giả mổ cả lợn to. Tết Nguyên đán thì tổ chức tương tự như người Kinh. Cũng la liệt các loại bánh, ăn đến tận rằm tháng Giêng không hết. Tôi nhớ, nhà hàng xóm thường làm bánh gù. Gọi là bánh gù vì chiếc bánh có cái lưng gù y như lưng cụ già. Bánh giống bánh chưng, nhưng nhỏ hơn, luộc nhanh chín. Bà cụ già, bà nội của bọn trẻ, thì ngâm gạo nếp trong bốn, năm cái xoong, mỗi xoong một loại nguyên liệu, để cuối cùng sẽ có đủ bằng ấy mầu cho đĩa xôi. Bà đồ xôi trong một cái chõ gỗ cao ngất ngưởng. Phần đáy chõ xòe ra, đặt lọt vào trong một cái chảo lớn, trong đó nước sôi liu riu, đủ hơi nóng để xôi từ từ chín, thơm ngào ngạt khắp ba bốn gian nhà.

Mùa xuân đến, những cây mận cổ thụ nằm bên sàn phơi lúa bật bông trắng muốt, vươn cả lên sàn. Sàn mùa này không phơi gì vì hiếm nắng. Sau lưng nhà, rừng cây thẫm xanh thảng hoặc một tiếng chim kêu lạc lõng da diết nhớ bầy đàn. Đàn chim di trú sắp trở về, chỉ ít ngày nữa thôi, khi cái lạnh đã dần tan đi. Ngoài cánh đồng, những miếng đất đã bắt đầu mềm tơi vì có hơi ấm. Ra Giêng, đến rằm, hội Lồng tồng sẽ mở ra ngay dưới chân ngôi chùa nhỏ. Ở đó, những thửa ruộng đẹp nhất, vuông vắn nhất, mịn màng nhất sẽ được dành để cày những luống đầu tiên trong năm. Nhà nhà hồi hộp chờ xem trâu nhà ai sẽ được chọn để cày trong ngày hôm ấy. Một năm mưa thuận gió hòa, người không ốm đau, gia súc không dịch bệnh, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, nhà nhà vừa có tiếng ho hắng của người già vừa có tiếng khóc chào đời của trẻ nhỏ, một vài đám cưới rộn ràng vui vẻ... Chả phải làng chỉ mong có thế thôi sao?

Làng, trăm năm đã qua, số người thay nhau ngồi vào vị trí già làng giờ không thể đếm hết. Những mái nhà lợp lá cọ dày hàng gang tay, những bậc cầu thang nhẵn bóng nhờ vào hàng triệu bước chân, những viên đá tảng xếp từ bờ suối vào chân cầu thang mịn như được mài, và cây sổ ngoài kia, không biết đã bao nhiêu vòng tròn được hình thành trong thân cây sù sì... làng vẫn bình yên sau bao gió thổi, mây bay. Vì sao vậy? Vì lòng người bình yên. Tôi vẫn thường nghĩ thế sau bao năm đi xa và đôi khi trở về. Giữ được lòng người bình yên, thật đơn giản mà cũng thật khó khăn biết bao.

Những ngày này, hoa mận đã bắt đầu nở. Và cánh đàn ông thì mang cày cuốc, dao rựa ra bờ suối để kì cọ cho chúng bóng loáng lên. Xong sẽ gác tất cả ở gầm cầu thang. Người nghỉ, nông cụ cũng phải nghỉ chứ. Người ăn Tết, nông cụ cũng sẽ được ăn Tết.

Nhớ làng, thực, là nhớ nhất những ngày này.