Khó khăn tuyển dụng
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, hiện cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên. Cơ cấu đội ngũ nhà giáo đang mất cân đối giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau. Những vùng có tỷ lệ thấp nhất cả nước như: Bậc mầm non có vùng miền núi phía bắc tỷ lệ giáo viên/lớp thấp nhất cả nước với 1,6. Bậc tiểu học có vùng đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Nam Bộ tỷ lệ giáo viên tiểu học/lớp thấp nhất đạt 1,29. Bậc THCS có vùng Đông Nam Bộ tỷ lệ giáo viên 1,69 thầy cô/lớp...
Bộ GD&ĐT chỉ ra nguyên nhân chính dẫn đến việc số giáo viên cấp học mầm non còn thiếu nhiều với năm học trước, là do số trẻ đến trường năm học 2022 - 2023 tăng thêm 132.245 trẻ, tương đương cần tăng thêm khoảng 5.500 giáo viên. Cấp tiểu học, tỷ lệ lớp học 2 buổi/ngày năm học 2022 - 2023 tăng 4,6% so với năm học trước, tương đương tăng 10.811 lớp học 2 buổi/ngày, cần tăng thêm khoảng 3.000 giáo viên. Cấp THPT tăng 669 lớp so với năm học trước, tương đương cần tăng thêm khoảng 1.500 giáo viên. Ngoài ra, năm học 2022 - 2023 toàn quốc có hơn 19.300 giáo viên công lập nghỉ hưu và nghỉ việc (gồm 10.094 giáo viên nghỉ hưu và 9.295 giáo viên nghỉ việc).
Đồng bằng sông Cửu Long là một khu vực phát triển, cần một số lượng giáo viên lớn. Năm học mới 2023-2024, một số địa phương dù đã áp dụng những chính sách hỗ trợ nhưng cũng không thu hút được đủ số lượng giáo viên. Như tại TP Cần Thơ, thiếu gần 700 giáo viên ở cả bốn cấp học. Nhiều nhất là ở bậc tiểu học. Tại tỉnh Hậu Giang, năm học 2022-2023 thiếu hơn 840 giáo viên. Năm học này đã tăng lên thiếu 1.200 giáo viên. Với tỉnh Đồng Tháp, cần thêm 850 giáo viên, trong đó, cũng nhiều nhất là giáo viên tiểu học và mầm non. Các môn cần thêm giáo viên là tiếng Anh và Tin học. Còn tại tỉnh Bạc Liêu, toàn tỉnh cần tới 1.000 giáo viên.
Đơn cử, tại Trường THPT Võ Văn Kiệt (Bạc Liêu) có 38 lớp với khoảng 1.600 học sinh. Số lớp và số học sinh tăng nhưng số giáo viên lại giảm. Hiện trường đang thiếu 13 giáo viên trước thềm năm học mới. Bà Đoàn Vũ Phượng, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Hiện các môn mà học sinh lựa chọn theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới nhà trường chưa có giáo viên. Việc thiếu giáo viên, trước hết do giáo viên nghỉ hưu theo chế độ. Thứ hai do học sinh nhập học tăng lên”. Không chỉ ở các huyện vùng xa, các trường học tại TP Bạc Liêu cũng thiếu giáo viên trầm trọng, nhu cầu cần thêm 110 giáo viên so với chỉ tiêu biên chế được giao. Thiếu nhiều nhất là giáo viên dạy môn Tin học, tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật.
Ông Dương Hồng Tân, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Số giáo sinh nộp hồ sơ dự tuyển trong kỳ tuyển viên chức của ngành giáo dục có những môn không có người đăng ký và cũng có những môn thì ở mức độ, số người đăng ký và số chỉ tiêu cần tuyển ngang nhau. Các thầy, cô giáo ở các bộ môn hiện nay đều phải giảng dạy tăng giờ, tăng buổi. Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhiều nơi ở Bạc Liêu đã xoay xở bằng cách ký Hợp đồng thỉnh giảng, tạm thời bảo đảm học sinh học đủ các môn bắt buộc”.
Tại TP Cần Thơ, cả ba cấp từ tiểu học đến THPT đều thiếu giáo viên ở các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, tiếng Anh. Ông Lê Minh Tâm, Phòng GD&ĐT quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ chia sẻ: “Phòng Giáo dục đã tham mưu để điều tiết những giáo viên giảng dạy ở những đơn vị trường khác nhau, còn thiếu tiết để bảo đảm thực hiện Chương trình GDPT 2018”.
Bộ GD&ĐT cho rằng, năm học qua, một số địa phương còn bị động về nguồn tuyển dụng; chưa có chính sách đột phá thu hút giáo viên đến công tác ở những địa bàn khó khăn hơn; còn nhiều bất cập trong việc bố trí giáo viên tiếng Anh, Tin học và Công nghệ dạy liên trường, liên cấp. Tại các địa phương, biên chế sự nghiệp giáo dục được giao bổ sung không đáp ứng được nhu cầu giảng dạy trong các cơ sở giáo dục. Hầu hết các địa phương vướng mắc trước yêu cầu tinh giản 10% biên chế, làm tình trạng thiếu giáo viên càng chậm được khắc phục.
![]() |
Chế độ phụ cấp chưa có nhiều thay đổi, nhưng nhiều giáo viên vẫn tận tâm với nghề. |
Nhanh chóng giải quyết bài toán thiếu giáo viên
Theo lộ trình đổi mới, đến năm học 2024-2025, học sinh các bậc học từ tiểu học đến THPT sẽ học hoàn toàn theo Chương trình GDPT 2018. Trong đó, việc thiếu đội ngũ giáo viên các cấp học nói chung đang là rào cản để triển khai chương trình một cách toàn diện.
Tại Hà Nội, theo báo cáo kết quả giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội mới đây cho thấy, địa phương hiện gặp khó khăn, thách thức khi triển khai dạy học bộ môn tích hợp ở bậc THCS, đặc biệt các môn học tích hợp Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý. Tuy nhiên, phát triển đội ngũ giáo viên thực hiện dạy học các môn học theo yêu cầu tích hợp đang là một vấn đề rất khó khăn.
Trên thực tế, việc thiếu trầm trọng giáo viên dạy môn học mới khiến dư luận không khỏi lo lắng cho nền tảng thực hiện Chương trình GDPT 2018 và hiệu quả của công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện ngành giáo dục mà chúng ta đang theo đuổi.
Đại diện sở GD&ĐT các địa phương đề nghị, ngành giáo dục cần quan tâm đến vấn đề thiếu giáo viên. Theo đó, ngành giáo dục và các địa phương xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo bồi dưỡng để có đủ giáo viên bảo đảm chất lượng dạy học các môn học theo chương trình GDPT mới. Chuẩn bị cơ sở vật chất cho chương trình GDPT, vấn đề xây dựng trường chuẩn quốc gia, việc thay SGK mới, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý. Trong đó, tập trung thực hiện xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo bồi dưỡng để có đủ giáo viên bảo đảm chất lượng dạy học các môn học theo chương trình GDPT mới. Đồng thời, chuẩn bị đội ngũ giáo viên dạy lớp 5 trong năm học 2023-2024, nhất là giáo viên dạy tiếng Anh và Tin học cần được chú trọng nhằm bảo đảm 100% số giáo viên được bồi dưỡng theo quy định của Bộ GD&ĐT.
GS, TS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, trong năm 2023, phải nhanh chóng giải quyết bài toán thiếu giáo viên. Trong đó, điều quan trọng là phải xác định được nguyên nhân của vấn đề thiếu giáo viên tương ứng với mỗi nguyên nhân sẽ đưa ra giải pháp phù hợp. “Phải có tầm nhìn, chiến lược dài hạn trong việc đào tạo cũng như tuyển dụng giáo viên bảo đảm đủ số lượng và đạt chất lượng”, ông Báo kiến nghị.
Quan tâm chế độ phụ cấp cho nhà giáo
Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên cho năm học mới, Bộ GD&ĐT cho biết, sẽ tiếp tục rà soát số lượng chỉ tiêu biên chế và số lượng giáo viên hiện có của các địa phương để bổ sung biên chế ngành giáo dục năm học 2023 - 2024. Bộ GD&ĐT yêu cầu, các địa phương tổ chức tuyển dụng hết số biên chế giáo viên đã được giao bảo đảm số lượng và chất lượng (ưu tiên tuyển giáo viên mầm non, tiểu học còn thiếu); sắp xếp, điều tiết giáo viên mầm non, phổ thông giữa các cơ sở, khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ.
Bộ cũng lưu ý, các địa phương cần đặc biệt bố trí đủ giáo viên dạy học các môn Ngoại ngữ và môn Tin học để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Rà soát cơ cấu đội ngũ giáo viên theo môn học, hoạt động giáo dục; xây dựng và thực hiện kế hoạch tuyển dụng giáo viên bảo đảm số lượng và chất lượng, cân đối về cơ cấu; nhất là giáo viên các môn Tin học, Ngoại ngữ, Mỹ thuật, Âm nhạc đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình GDPT 2018 theo lộ trình quy định.
Có một thực tế, từ năm 2006 đến nay, đã gần 17 năm và qua nhiều lần tăng lương cơ sở nhưng chính sách ưu đãi phụ cấp cho nhà giáo chưa có nhiều sự thay đổi. Để giáo viên yên tâm với nghề, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét nâng mức phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non từ 35% lên 70%; giáo viên mầm non đang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hưởng mức 100%. Hiện, Bộ GD&ĐT cũng đang dự thảo tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo, với tám mức phụ cấp từ 25%-100%.
Bên cạnh đó, một giải pháp quan trọng khác hiện nay đó là các nhà trường được ký hợp đồng giáo viên theo quy định mới tại Nghị định số 111/2022/NĐ-CP về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập. Các địa phương đánh giá Nghị định có nhiều nội dung mở hơn, tạo thuận lợi hơn cho giáo viên và tăng tính tự chủ cho nhà trường. Nghị định có hiệu lực từ ngày 22/2/2023 và được kỳ vọng sẽ cơ bản giải quyết vấn đề thiếu giáo viên. Hiện ngành giáo dục đang chờ thông tư hướng dẫn để có định hướng cụ thể hơn.