Tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao tính tự chủ và khả năng thích ứng, chống chịu cao

NDO - Ngày 7/12, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 khai mạc Kỳ họp thứ 8 - kỳ họp thường lệ cuối năm, để xem xét, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh của Thành phố năm 2022, đề ra phương hướng nhiệm vụ phát triển năm 2023, xem xét và quyết định nhiều vấn đề quan trọng khác.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh Kỳ họp thứ 8, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026.
Toàn cảnh Kỳ họp thứ 8, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026.

Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh dự phiên khai mạc.

Phát biểu chỉ đạo kỳ họp, đồng chí Trần Thanh Mẫn biểu dương, đánh giá cao những kết quả mà Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được về kinh tế, xã hội trong năm 2022.

Cùng với cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh đã phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, sáng tạo, nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành để từ đó đạt được nhiều kết quả tốt trong phát triển kinh tế. Trong năm 2022, thu ngân sách nhà nước của Thành phố ước đạt 457.500 tỷ đồng, đạt 118,35% dự toán, thu nhập bình quân đầu người đã đạt 141 triệu đồng/người/năm; tổng sản phẩm trên địa bàn Thành phố (GRDP) ước tăng 9,03% so cùng kỳ và vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch năm 2022 là 6-6,5%); an sinh xã hội, đời sống người dân được bảo đảm; quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đối ngoại được tăng cường; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt nhiều kết quả quan trọng.

Trong năm 2022, thu ngân sách nhà nước của Thành phố ước đạt 457.500 tỷ đồng, đạt 118,35% dự toán, thu nhập bình quân đầu người đã đạt 141 triệu đồng/người/năm; tổng sản phẩm trên địa bàn Thành phố (GRDP) ước tăng 9,03% so cùng kỳ và vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch năm 2022 là 6-6,5%).

Trong thời gian tới, đồng chí Trần Thanh Mẫn đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh triển khai hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ liên quan đến phát triển thành phố, đồng thời tích cực chuẩn bị các nội dung đề xuất về cơ chế chính sách tạo động lực phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (thay thế Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về cơ chế chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh), sớm trình Quốc hội ở kỳ họp gần nhất.

Bên cạnh đó, đồng chí cũng đề nghị Thành phố thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình doanh nghiệp, người dân để tháo gỡ kịp thời khó khăn vướng mắc, tập trung cao độ phục hồi sản xuất, chăm lo đời sống người dân. Với công tác giải ngân vốn đầu tư công, đồng chí nhấn mạnh việc kiên quyết cắt giảm vốn của các dự án không có khả năng giải ngân hoặc giải ngân chậm để điều chuyển cho các dự án có tỷ lệ giải ngân cao.

Đồng chí đề nghị Hội đồng nhân dân Thành phố tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động; các đại biểu quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân nghiên cứu kỹ lưỡng, nắm chắc chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và tình hình cụ thể của Thành phố, từ đó đóng góp ý kiến thẳng thắn, sắc sảo, chất lượng cao; gần dân, sát dân hơn, để lắng nghe, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, phối hợp giải quyết kịp thời, thấu đáo ý kiến của nhân dân; chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của người dân Thành phố.

Theo đồng chí Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, dù kinh tế Thành phố đã đạt được nhiều thành quả và chỉ tiêu tăng trưởng quan trọng nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đó là, chịu tác động trực tiếp trước các biến động của tình hình quốc tế; thị trường tài chính, tiền tệ đối mặt với áp lực ngày càng tăng, các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản suy giảm. Cùng với đó, tình trạng khan hiếm xăng dầu cục bộ ảnh hưởng trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp. Trong khi đó dịch bệnh dù được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn khả năng diễn biến phức tạp…

Trong năm 2023, Ủy ban nhân dân Thành phố đặt ra 11 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm thực hiện tốt chủ đề năm là “Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội”. Trong đó, Thành phố chủ động, linh hoạt trong điều hành kinh tế-xã hội; tập trung tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao tính tự chủ và khả năng thích ứng, chống chịu cao; tập trung phát triển thị trường.

Đồng thời, Thành phố đẩy nhanh tiến độ các chương trình, đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố nhiệm kỳ 2020-2025, trọng tâm là 4 chương trình trọng điểm, đột phá. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, hiệu quả hoạt động công vụ và đẩy mạnh cải cách hành chính…

Đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Kỳ họp thứ 8, Hội đồng nhân dân thành phố khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ diễn ra trong 3 ngày làm việc. Kỳ họp sẽ xem xét, cho ý kiến và quyết định các nội dung quan trọng về tình hình kinh tế-văn hóa-xã hội và quốc phòng an ninh năm 2022; đưa ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp năm 2023; thông qua các Nghị quyết liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, đô thị, văn hóa-xã hội, giáo dục, y tế, biên chế-tổ chức; đồng thời xem xét, quyết định về Kế hoạch đầu tư công năm 2023 một số dự án cấp bách như: dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài; quyết định chủ trương đầu tư dự án Nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp.

Ngoài ra, Kỳ họp cũng cho ý kiến về hệ số điều chỉnh giá đất năm 2023 trên địa bàn; thông qua danh mục dự án thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.